|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán tuần 29/6 - 3/7: NĐT lưu ý tác động từ kì chốt NAV quí II

22:13 | 28/06/2020
Chia sẻ
Tuần tới, thị trường dự báo tiếp tục có biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên đầu tuần tới. Chỉ số đang bị kẹp trong vùng được giới hạn bởi cận trên nằm tại 863 - 867 điểm và cận dưới là vùng hỗ trợ 840 - 845 điểm.

Sau hai phiên giao dịch đầu tuần tích lũy quanh kháng cự 870 điểm, VN-Index giảm mạnh trong phiên giao dịch giữa tuần, giằng co quanh 850 - 860 điểm trong hai phiên cuối tuần. 

Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong tuần qua đều giảm điểm. Nhóm cổ phiếu dầu khí, nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu bất động sản có mức giảm lần lượt 2,21%, 2,92% và 3,63%. 

Trong tuần qua, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VIC, VCB và BID khi lấy đi của chỉ số lần lượt 5,6, 2,22 và 1,78 điểm. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số tuần qua là NVL, VNM và LGC khi đóng góp vào chỉ số lần lượt 0,86, 0,45 và 0,14 điểm tăng.

Dòng tiền tiếp tục suy yếu, thanh khoản giảm mạnh so với tuần trước, cho thấy sự thận trọng trong hoạt động đầu tư trước những diễn biến của làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ hai. 

Dòng tiền thị trường suy giảm tại tất cả các nhóm cổ phiếu, với mức giảm mạnh nhất tại nhóm vốn hóa lớn và VN30. Thanh khoản thị trường giảm mạnh 34,38% so với tuần trước, trung bình tại mức 4.603 tỉ đồng. 

Về hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài, khối ngoại có tuần bán ròng trên cả HOSE và HNX với giá trị lần lượt là 169 tỉ đồng và 25 tỉ đồng. 

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 29/6:

Nhận định thị trường chứng khoán tuần 29/6 - 3/7: NĐT lưu ý tác động từ kì chốt NAV quí II - Ảnh 1.

Nguồn: Chứng khoán BSC

CTCP Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BID)

VN-Index suy yếu khi chưa thể vượt SMA20 với KLGD thấp. Chỉ số vẫn đang tích lũy trong vùng hẹp 850 – 873 trong hai tuần qua và vùng mở rộng 835 – 900 điểm trong một tháng qua. 

Đà hưng phấn của thị trường đang chững lại thể hiện tốc độ vào lệnh, biên độ giao động giá và thanh khoản trong tuần qua. Dấu hiệu phân kì âm giữa giá và các tín hiệu MFI và Momentum đang cảnh báo nhịp rung lắc ngắn hạn về 835 điểm, kênh dưới của vùng tích lũy đỉnh ngắn hạn trong một tháng qua.

 CTCP Chứng khoán MB (MBS)

Dòng tiền giảm chính là yếu tố khiến thị trường không giữ được nhịp nảy từ ngưỡng 832 điểm lên 873 điểm vừa qua. 

Tuy vậy, quí II năm nay có thể là quý có mức tăng tốt nhất trong vòng một thập kỉ khi chỉ số VN-Index đang có mức tăng gần 29%. Do vậy, phiên chốt NAV cuối quí cũng có thể là phiên tích cực cho thị trường trong tuần sau. 

Về kĩ thuật, thị trường vẫn dao động trong vùng tích lũy từ 832 điểm đến 866 điểm, chừng nào mức đáy trong nhịp giảm vừa qua ở ngưỡng 832 điểm còn giữ được thì nhịp tăng gần ba tháng qua vẫn tiếp diễn.

CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể diễn biến tích cực ở các phiên giao dịch đầu tuần do tác động từ kỳ chốt NAV quí II/2020 của các nhà đầu tư tổ chức. Tuy nhiên, thị trường có thể nhanh chóng quay trở lại trạng thái đi ngang với biên độ hẹp và thanh khoản thấp. 

Điểm tiêu cực là tâm lí nhà đầu tư có thể thận trọng trở lại trong tuần tới do ảnh hưởng từ diễn biến TTCK thế giới có diễn biến tiêu cực trong ngắn hạn.

CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC)

Tuần tới, thị trường dự báo tiếp tục có biến động giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen trong những phiên đầu tuần tới. Chỉ số đang bị kẹp trong vùng được giới hạn bởi cận trên nằm tại 863 - 867 điểm và cận dưới là vùng hỗ trợ 840 - 845 điểm. 

Tuy nhiên, áp lực giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu và nếu vùng hỗ trợ quanh 840 điểm bị xuyên thủng thì thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ giảm về vùng hỗ trợ mạnh hơn nằm tại 780 - 820 điểm trong ngắn hạn. 

Hoạt động chốt NAV bán niên của các quỹ có thể sẽ tạo ra ảnh hưởng nhất định đến một số phiên giao dịch cuối tháng 6.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Ánh Hường