|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 29/12: Kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm

18:40 | 28/12/2021
Chia sẻ
Theo dự báo của công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm trong phiên tới đây. Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho thấy chỉ số có thể sẽ vượt ngưỡng 1.500 điểm trong những phiên còn lại của năm 2021.

Thị trường trong nước có phiên tăng thứ ba liên tiếp và tiệm cận ngưỡng 1.500 điểm, thanh khoản tăng nhờ sự hồi phục của nhóm cổ phiếu ngân hàng, dầu khí,… Điểm nhấn đáng chú ý trong phiên hôm nay là nhịp điều chỉnh trong phiên chiều nhưng thị trường đã nhanh chóng ngược dòng và lấy lại gần như toàn bộ thành quả tăng ở phiên sáng, đó là dấu hiệu của thị trường khỏe.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tăng lên 26.615 tỷ đồng so với mức hơn 20.000 tỷ đồng ở phiên đầu tuần. Thanh khoản thị trường tăng khi nhóm cổ phiếu ngân hàng phục hồi, một số cổ phiếu đóng cửa ở mức giá trần và gần mức giá trần.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 29/12: Kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 29/12:

Chứng khoán MB (MBS)

Phiên tăng thứ 3 liên tiếp giúp VN-Index tiệm cận ngưỡng tâm lý 1.500 điểm và có nhiều cơ hội để vượt đỉnh 1.511 điểm khi thanh khoản tăng trở lại và thị trường đã có sự đổi trụ thành công sang nhóm cổ phiếu ngân hàng. Phiên này thị trường có cơ hội để kiểm định đà tăng và triển vọng hướng tới đỉnh cũ khi có thông tin về ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam.

Đà ngược dòng sau khi có thông tin cho thấy thị trường không bất ngờ và đó là cũng là tín hiệu của thị trường khỏe, bên cạnh đó với 3 phiên phục hồi vừa qua các chỉ báo kỹ thuật cũng đang ủng hộ đà tăng tiếp diễn của thị trường. Do đó, thị trường sẽ tiếp tục tích cực trong tuần cuối năm tài chính 2021 với mục tiêu vượt đỉnh cũ và lập ngưỡng cao mới.

Chứng khoán BIDV (BSC)  

Độ rộng thị trường nghiêng về phía tiêu cực với 9/19 ngành tăng điểm, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng hôm nay có phiên giao dịch khá tích cực. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX.

Việc đóng cửa vượt qua ngưỡng kháng cự 1.490 là điều tích cực đối với VN-Index; chỉ số có khả năng tiếp tục tích lũy quanh vùng kháng cự này trong ngắn hạn, trước khi gom đủ sức mạnh để bật tăng về 1.500.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)  

VN-Index trải qua một phiên tăng điểm khá giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen đến cuối phiên. Áp lực chốt lời giá cao quanh vùng kháng cự then chốt 1.500 khiến cho đà tăng của chỉ số không được duy trì đến cuối phiên.

Mặc dù VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến rung lắc trong những phiên tới, cơ hội mở rộng đà tăng điểm sau đó và hướng tới vùng đích kỳ vọng tại 1.515 - 1.525 vẫn được đánh giá cao. Sau khi gia tăng một phần vị thế trading, nhà đầu tư được khuyến nghị có thể linh hoạt bán một phần cân bằng lại tỷ trọng khi các cổ phiếu nắm giữ tiếp cận vùng cản gần.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)  

VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Điểm tích cực là dòng tiền có dấu hiệu gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn cho thấy VN-Index có thể sẽ vượt được ngưỡng 1.500 điểm trong những phiên còn lại của năm 2021.

Đồng thời, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy cơ hội ngắn hạn tiếp tục gia tăng và rủi ro ngắn hạn cũng giảm dần, nhưng mức rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao cho nên các cơ hội mua mới chỉ nên xem xét với tỷ trọng thấp dưới 5%.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35 - 40% danh mục và tiếp tục xem xét mua mới với tỷ trọng thấp.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.   

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.