|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 22/12: Tiếp tục chuỗi đi ngang

18:51 | 21/12/2021
Chia sẻ
Theo dự báo của công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục chuỗi đi ngang trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số vẫn biến động trong vùng giá 1.470 – 1.480 điểm.

Thị trường trong nước cũng có phiên hồi phục cùng xu hướng với các thị trường trong khu vực nhưng vẫn trong xu hướng đi ngang sang phiên thứ 7 liên tiếp với thanh khoản tiếp tục có sự cải thiện. Tín hiệu đáng chú ý là dòng tiền bị hút vào nhóm cổ phiếu bất động sản với nhiều cổ phiếu tăng trần.

Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tăng nhẹ so với phiên hôm qua, đạt 26.834 tỷ đồng và tương đương so với mức bình quân tuần trước dù có đóng góp từ hoạt động cơ cấu của các quỹ ETF.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 22/12: Tiếp tục chuỗi đi ngang - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

 Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 22/12:

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

VN-Index có thể sẽ tiếp tục chuỗi đi ngang trong phiên giao dịch kế tiếp và chỉ số vẫn biến động trong vùng giá 1.470 – 1.480 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có thể sẽ có biến động tích cực và xu hướng tăng ở hai nhóm cổ phiếu này sẽ rõ ràng hơn trong ngắn hạn.

Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng nhẹ cho thấy các nhà đầu tư có thể tiếp tục tìm kiếm cơ hội ngắn hạn và tăng dần tỷ trọng cổ phiếu. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính.

Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức 35 - 40% danh mục và chỉ nên mua mới với tỷ trọng thấp dưới 5% do rủi ro ngắn hạn vẫn còn ở mức cao và dòng tiền vẫn đang phân hóa.  

Chứng khoán MB (MBS)

Thị trường đã có phiên phục hồi nhưng vẫn duy trì xu hướng đi ngang sang phiên thứ 7 liên tiếp, tín hiệu tích cực lúc này là diễn biến từ các thị trường thế giới đã bình ổn trở lại, bên cạnh đó thanh khoản thị trường vẫn được duy trì ở mức cao.

Dòng tiền ở phiên này bị hút mạnh vào nhóm cổ phiếu bất động sản nên có hoạt động chốt lời ở các nhóm cổ phiếu khác như chứng khoán, ngân hàng, dầu khí,…. Diễn biến của thị trường đang tích cực, nhà đầu tư không nên mua đuổi, kiên trì với danh mục có sẵn, các nhịp điều chỉnh sẽ là cơ hội để nhà đầu tư cơ cấu danh mục hoặc tích lũy thêm cổ phiếu.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

VN-Index ghi nhận một nhịp tăng điểm trong phiên trước khi suy yếu và đánh mất một phần thành quả đạt được về cuối phiên. Áp lực phân phối gia tăng khi VN-Index tiếp cận vùng cản gần 1.48x khiến chỉ số tiếp tục có một phiên đi ngang trong biên độ hẹp.

Việc chưa vượt qua được vùng cản then chốt khiến rủi ro điều chỉnh của chỉ số vẫn hiện hữu trong các phiên kế tiếp. Mặc dù vậy, cơ hội hồi phục sau đó của VN-Index vẫn đang chiếm ưu thế với vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.450. Nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục linh hoạt mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự một phần vị thế trading đối với các cổ phiếu mục tiêu.

Chứng khoán BIDV (BSC)

Sau một ngày lên thác xuống ghềnh trong biên độ 14 điểm, VN-Index kết phiên chỉ tăng 0,1%. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 11/19 ngành tăng điểm, trong đó ngành ô tô và phụ tùng và ngành truyền thông có mức tăng mạnh nhất trên 3%.

Trong phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng trên sàn HOSE và bán ròng trên sàn HNX. Ngưỡng kháng cự 1.480 vẫn là một thử thách chưa thể vượt qua, tuy nhiên, dòng tiền vẫn ủng hộ đà tăng của thị trường, bằng chứng là khối lượng giao dịch trong ngày tăng khi VN-Index tăng.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. 

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.