Nhận diện thị trường và quản trị rủi ro trong xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam
Các doanh nghiệp trao đổi tại Diễn đàn xuất khẩu 2017. Ảnh: Thu Hòa. |
Tại diễn đàn, các chuyên gia đã tập trung phân tích, cung cấp thông tin về những thị trường xuất khẩu trọng tâm của Việt Nam, như: Mỹ, Nhật Bản…; những thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn; sử dụng công cụ phòng vệ hiệu quả; Đồng thời, cung cấp thông tin mới về thị trường xuất khẩu, những giải pháp hữu hiệu để nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu tại các thị trường trọng điểm, từ đó giúp doanh nghiệp tự đánh giá, điều chỉnh, cải tiến các quy trình quản lý và sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và rào cản thương mại tại các quốc gia, tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo phân tích của ông Nguyễn Phú Hòa, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, có nhiều điểm nhấn về kết quả xuất khẩu trong 7 tháng năm 2017, như: Xuất khẩu 7 tháng đầu năm duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Tăng trưởng xuất khẩu 7 tháng đầu năm ở mức 18,7% là mức tăng cao so với mức tăng 5,5% của cùng kỳ năm 2016. Có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng đạt kim ngạch trên 3 tỷ USD. Tổng kim ngạch của các mặt hàng này chiếm tới 85, 5% tổng kim ngạch XNK;
Các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, cụ thể đạt 32,2 % tăng 14,6% so với cùng kỳ, đây cũng là điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu. Xuất khẩu vào các nước có Hiệp định thương mại tự do ngày càng tăng cao cho thấy các doanh nghiệp của ta đã tận dụng tốt cơ hội do các Hiệp định này mang lại.
Theo ông Nguyễn Phú Hòa, mặc dù kim ngạch nhập khẩu tăng trưởng cao, nhưng qua phân tích cho thấy hàng nhập khẩu tập trung vào các mặt hàng cần nhập khẩu, là đầu vào cho sản xuất, xuất khẩu.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám Đốc Trung tâm xúc tiến và Đầu tư TP.HCM cho biết, kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM đang phục hồi và tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2017 tính riêng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu thành phố là 15,7 tỷ USD, tăng 17,5%.
Trong đó, hầu hết các mặt hàng có kim ngạch lớn đều có tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ như: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 58,9%, giày dép tăng 8,5%,... Cơ cấu hàng xuất khẩu chuyển dịch đúng định hướng tăng tỷ trọng nhóm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng nhóm hàng thô.
Dự báo về tình hình xuất khẩu, các chuyên gia cho rằng, qua nghiên cứu cơ cấu hàng hoá nhập khẩu thời gian qua nhận thấy lượng nguyên vật liệu nhập về nhiều, dự kiến xuất khẩu sẽ gia tăng, kim ngạch xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 200 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ. Nhập khẩu năm 2017 ước đạt 205 tỷ USD, tăng trên 17% so với cùng kỳ. Dự kiến nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, bằng khoảng 2,5% kim ngạch xuất khẩu. Với sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành thị trường xuất khẩu năm 2017 và năm 2018 sẽ tiếp tục đạt được xu hướng tăng trưởng. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu nói riêng, và nền kinh tế nói chung đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn cần thay đổi để phát triển.
Đánh giá về thị trường toàn cầu và khu vực khi Mỹ rời TPP, ông Fred Burke, thành viên ban lãnh đạo AMCHAM cho rằng dù mất TPP vẫn còn rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Hiện nay, hàng xuất khẩu không chỉ có hàng thô, mà đã tăng các mặt hàng có giá trị cao, như các sản phẩm máy tính điện tử XK. Nhiều hàng hóa có giá trị cao đã cùng với các mặt hàng chủ lực được xuất khẩu vào thị trường Mỹ, với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu có TPP, sẽ giảm gách nặng thuế quan của hàng hóa Việt Nam khi NK vào Mỹ, sẽ tăng trưởng xuất khẩu, có lợi thế so với hàng hóa của Thái Lan…
Ông Fred Burke cho rằng, Việt Nam có chiến lược đàm phán thương mại tự do với nhiều nước, bên cạnh đó, ngành cung ứng, dịch vụ đã được mở cửa giúp cho các nhà cung ứng, các nhà xuất khẩu được hưởng lợi nhiều chương trình thuận lợi… thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khuôn khổ Diễn đàn xuất khẩu 2017, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) tổ chức buổi kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam và 20 doanh nghiệp Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ ngoài tìm các đối tác Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu, nhập khẩu và phát triển sản phẩm, còn mong muốn đầu tư, tham gia cổ phần. Các doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực đồ uống, thủy sản, nông nghiệp, hạt điều, hàng tiêu dùng, thực phẩm chế biến, sản phẩm chăm sóc sức khỏe… đã chào hàng với mong muốn tìm đối tác xuất khẩu sang Ấn Độ và đối tác đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu. |