|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhận diện rủi ro vượt qua đại dịch

07:39 | 18/06/2021
Chia sẻ
Theo Tổng cục Thống kê, qua 5 tháng đầu năm nay, cả nước hiện có 78.300 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động, song cũng ghi nhận 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, chờ làm thủ tục giải thể hoặc đã giải thể.

Trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tương đương với 400 doanh nghiệp/ngày.

Thực tế này đã phản ánh đợt tái bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19 ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đang tiếp tục tác động tiêu cực và gia tăng sức ép đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Theo "Báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) khảo sát gần 10.200 doanh nghiệp trên toàn quốc, 87,2% doanh nghiệp cho biết, chịu ảnh hưởng ở mức "phần lớn" hoặc "hoàn toàn tiêu cực". Chỉ có 11% doanh nghiệp cho rằng họ "không bị ảnh hưởng gì" và gần 2% ghi nhận tác động "hoàn toàn tích cực" hoặc "phần lớn tích cực".

Theo báo cáo, cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đều bị ảnh hưởng nặng nề. Trong số các nhóm doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực nhiều hơn cả là các doanh nghiệp mới hoạt động dưới 3 năm và các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, riêng trong nhóm doanh nghiệp tư nhân quy mô siêu nhỏ có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 cao nhất với 87,7%. Các nhóm doanh nghiệp còn lại có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực thấp hơn một chút, ở mức 86,1%.

Tác động của dịch COVID-19 với doanh nghiệp ở một số ngành chịu ảnh hướng lớn nhất là may mặc chiếm 97%, thông tin truyền thông chiếm tỷ lệ 96%, sản xuất thiết bị điện 94% và sản xuất xe có động cơ là 93%… Kéo theo đó là số lao động buộc phải nghỉ việc xấp xỉ 30% tổng số lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra hàng loạt các chính sách như Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Cùng với đó là các gói giải pháp như gia hạn miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp, cá nhân chịu thiệt hại bởi dịch COVID-19 hay gói hỗ trợ tín dụng tiền tệ và cho vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động...

Song theo ông Đậu Anh Tuấn, dù đánh giá cao sự cần thiết và tính hữu ích của các chính sách này, nhưng đa số doanh nghiệp đều phản ánh cần cải thiện hơn nữa hệ thống pháp luật và tháo gỡ các nút thắt về thủ tục hành chính để tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. 

Cùng với đó, cần có các giải pháp phù hợp hơn hay giảm bớt các điều kiện áp dụng để chính sách hỗ trợ đưa ra bám sát với tình hình thực tế của số đông doanh nghiệp, khắc phục tình trạng khó tiếp cận và khó phát huy hiệu quả chính sách trong thực tiễn như hiện nay.

Từ phía các doanh nghiệp, chuyên gia hướng nghiệp, khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo và tư vấn doanh nghiệp Vũ Tuấn Anh khuyến nghị, để sinh tồn trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ cần nhận diện được những rủi ro, đánh giá tác động và nắm vững cách thức quản trị... để không chỉ đưa ra các phương án phòng ngừa mà còn xây dựng được kế hoạch triển khai trên thực tế sao cho hóa giải được những thách thức. 

Đó là các vấn đề liên quan đến nhân sự, vướng mắc thuê mặt bằng hay rủi ro về truyền thông, tài chính, khách hàng... thậm chí kể cả rủi ro về công nghệ, pháp lý hay từ phía các đối tác cung cấp.

Ông Tuấn cũng gợi ý về một số mô hình hoạt động cho doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ để thích ứng với điều kiện và tình hình mới hiện nay. Đó là: chia sẻ công việc; chuyển đổi từ làm việc tại công sở, nhà máy (offline) sang làm trực tuyến (online) để tiết giảm chi phí cố định và hạn chế tiếp xúc; quản trị lại dòng tiền theo hướng tập trung và tinh gọn để phòng trách rủi ro tài chính. 

Các doanh nghiệp cũng chú ý chủ động tăng cường tiếp cận đa kênh khách hàng, tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một số hoặc một phân khúc khách hàng chính yếu....

Tương tự, các doanh nghiệp cần liệt kê các nhà cung cấp đầu vào quan trọng cho hoạt động vận hành và đánh giá mức độ rủi ro khi họ bị ảnh hưởng. Từ đó xây dựng các phương án dự phòng, tránh trường hợp bị phụ thuộc vào nguyên vật liệu, vào nhân lực hay công nghệ dẫn tới gián đoạn kinh doanh khi nhà cung cấp gặp vấn đề sự cố. 

Các doanh nghiệp cũng cần tập trung nguồn lực để nâng cấp hệ thống dữ liệu thông tin và số hóa mọi hoạt động của doanh nghiệp bằng các giải pháp như backup dữ liệu, sử dụng điện toán đám mây....

Rủi ro về pháp lý và về điều kiện thiên tai là những rủi ro khó xác định nhưng lại ảnh hưởng lớn tới sự sống còn của doanh nghiệp. Theo ông Tuấn, các doanh nghiệp nên có những chuyên gia pháp luật hỗ trợ để không chỉ phát hiện mà còn đánh giá được các rủi ro pháp lý có nguy cơ dẫn tới việc phải chấm dứt hoạt động của mình. 

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nên ý thức việc mua bảo hiểm bởi thiên tai là dạng rủi ro gây thiệt hại lớn cho cơ sở vật chất của doanh nghiệp. Cùng với đó, doanh nghiệp phải tiến hành đánh giá định kỳ để có biện pháp và chuẩn bị nguồn lực, chuẩn bị phương án ứng phó phù hợp.

Thực tế cho thấy, như việc lương y bốc thuốc, sẽ khó có một lời giải, một cách thức quản trị phù hợp với tất cả doanh nghiệp, ở tất cả các quy mô hay ở mọi lĩnh vực hoạt động. Song, đây có thể xem là một quy trình cơ bản, một mô hình quản trị phổ biến và có tính ứng dụng cao mà bất kỳ doanh nghiệp nào tham khảo khi xác định gia nhập thị trường, đối diện với những thách thức để vươn lên.

Ngọc Quỳnh