|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà Trắng công bố ba mục tiêu hợp tác kinh tế Việt Nam - Mỹ qua chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris

08:16 | 26/08/2021
Chia sẻ
Ngày 25/8, trong lúc đoàn làm việc của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đang có buổi làm việc với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, Nhà Trắng đã phát đi thông cáo có tựa đề "Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Mỹ".

Thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ nội dung trao đổi của bà Harris tại Việt Nam, đồng thời thể hiện tầm nhìn chiến lược của Mỹ về mối quan hệ với Việt Nam trên mọi mặt từ an ninh - y tế tới biến đổi khí hậu, xã hội... Đặc biệt là ba chiến lược hợp tác kinh tế Việt - Mỹ trong thời gian tới.

Cụ thể, đầu tiên là thúc đẩy doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ. Chính phủ Mỹ đã công bố dự án "Cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân (IPSC) trị giá 36 triệu USD nhằm phát triển doanh nghiệp do phụ nữ và người dân tộc thiểu số làm chủ và giúp gia tăng việc làm ở các khu vực nông thôn thông qua áp dụng công nghệ mới của Mỹ.

Thứ hai là hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế kỹ thuật số. Theo đó, Chính phủ Mỹ đã công bố dự án Đội ngũ lao động cho Hệ sinh thái Khởi nghiệp và Đổi mới (WISE), một dự án của Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID), trị giá 2 triệu USD để hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế sử dụng nhiều lao động tay nghề thấp sang lực lượng lao động được trang bị tốt hơn để tham gia vào nền kinh tế số toàn cầu.

"Việc xây dựng các kỹ năng số cho Việt Nam sẽ tăng cơ hội giao thương giữa Mỹ và Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các công nghệ của Mỹ", Nhà Trắng nhấn mạnh.

Cuối cùng là vấn đề giảm thuế đối với hàng xuất khẩu từ Mỹ. Từ đó, nông dân Mỹ và các nhà sản xuất thịt lợn sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với thị trường Việt Nam, thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 7 của Mỹ, nhờ Việt Nam tích cực xem xét đề xuất về việc loại bỏ hoặc giảm thuế nhập khẩu theo cơ chế ưu đãi MFN (thuế đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại) đối với ngô, lúa mì và các sản phẩm từ thịt lợn.

Chính quyền ông Joe Biden khẳng định, việc cắt giảm thuế quan này cho phép nông dân Mỹ cung cấp cho Việt Nam các sản phẩm chất lượng và giá cả cạnh tranh đồng thời giúp giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam.

"Một nền kinh tế Việt Nam sôi động là rất quan trọng đối với các chuỗi cung ứng mà người Mỹ phụ thuộc vào, điều mà dịch bệnh COVID-19 đã chỉ ra rõ ràng rằng khi ngừng sản xuất ở nước ngoài đã dẫn đến khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa trong nước", thông cáo báo chí phát đi từ Nhà Trắng nêu rõ.

Nhà Trắng công bố ba mục tiêu hợp tác kinh tế Việt Nam - Mỹ qua chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Đối với các vấn đề liên quan tới y tế, Mỹ đặc biệt nhấn mạnh về tài trợ vắc xin COVID-19 mới cho Việt Nam, hỗ trợ việc phân phối vắc xin và mở văn phòng Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) đặt tại Hà Nội để tăng cường hợp tác an ninh y tế.

Theo đó, Phó Tổng thống Mỹ cũng đã thông báo rằng Mỹ tài trợ thêm một triệu liều vắc xin Pfizer cho Việt Nam, nâng tổng số vắc xin đã tài trợ cho Việt Nam lên 6 triệu liều.

Về hỗ trợ kỹ thuật và chương trình về COVID-19, Mỹ cũng viện trợ thêm 23 triệu USD (khoảng 529 tỷ đồng), nâng tổng số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch lên 44 triệu USD (khoảng hơn 1.012 tỷ đồng).

Đồng thời, viện trợ cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam 1 triệu USD để giảm tác động và ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 trong các cộng đồng dễ bị tổn thương.

Về hỗ trợ phân phối vắc xin, Bộ Quốc phòng Mỹ đã cam kết cung cấp 77 tủ đông siêu lạnh để hỗ trợ phân phối vắc xin ở tất cả 63 tỉnh thành ở Việt Nam. Các tủ đông này được thiết kế đặc biệt để đáp ứng các yêu cầu bảo quản vắc xin khắc nghiệt nhất, nâng cao đáng kể mạng lưới phân phối vắc xin quốc gia của Việt Nam.

Phương Trang