|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhiều kỳ vọng từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ giữa lúc dịch COVID-19 đang căng thẳng

17:08 | 25/08/2021
Chia sẻ
Có nhiều kỳ vọng trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, đặc biệt trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng có nguy cơ thêm trầm trọng vì tình hình dịch bệnh phức tạp tại các khu vực sản xuất trọng điểm tại Việt Nam.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam từ ngày 24-26/8, đánh dấu chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp ở nhiều khu vực sản xuất trọng điểm của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam kỳ vọng gì từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đến sân bay Nội Bài vào tối muộn ngày 24/8. (Ảnh: AP).

Mỹ sẽ giúp Việt Nam đẩy nhanh tỷ lệ tiêm chủng

TP HCM, trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đến nay đã ghi nhận hơn 184.800 ca, với số bệnh nhân mắc mới lên đến hàng nghìn mỗi ngày và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bình Dương, một tỉnh năng động với thế mạnh là sản xuất công nghiệp cũng đang đứng trước nguy cơ dịch lan rộng như TP HCM khi số ca mắc mới hàng ngày tương đương tâm dịch nghiêm trọng nhất cả nước.

Dịch bệnh diễn ra ở khu vực đầu tàu của nền kinh tế và chưa thể khống chế gây ra nhiều lo lắng. Trong mọi nhận định, các tổ chức đều cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ kiểm soát đại dịch, mà cụ thể hơn là tiến độ tiêm chủng.

Hãng tin AP mới đây cho biết bà Harris trong chuyến thăm Việt Nam sẽ đề cập đến những viện trợ của Mỹ nhằm giúp Việt Nam tăng tỷ lệ tiêm chủng.

Đúng như tiết lộ của AP, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính trưa nay 25/8, bà Harris cho hay 1 triệu liều vắc xin Pfizer đang trên đường đến Việt Nam. Lô vắc xin là một trong những viện trợ mà Mỹ dành cho Việt Nam với mong muốn cùng nhanh đẩy lùi đại dịch.

Đồng thời, Mỹ cũng viện trợ thêm 23 triệu USD (khoảng 529 tỷ đồng), nâng tổng số tiền mà Mỹ đã viện trợ cho Việt Nam kể từ khi bắt đầu đại dịch lên 44 triệu USD (khoảng hơn 1.012 tỷ đồng). Sự hỗ trợ này sẽ thúc đẩy việc tiếp cận công bằng và cung cấp vắc xin COVID-19 an toàn và hiệu quả, củng cố hệ thống y tế của Việt Nam để ứng phó với COVID-19.

Nhiều kỳ vọng từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ giữa lúc dịch COVID-19 đang căng thẳng - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp bà Kamala Harris tại trụ sở Chính phủ trưa 25/8. (Ảnh: Reuters).

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ

Nhận định về lý do bà Harris chọn Việt Nam và Singapore là hai điểm đến trong chuyến công du Đông Nam Á, Nikkei Asia cho rằng Singapore và Việt Nam không chỉ có vị trí địa lý vô cùng quan trọng, mà còn là hai quốc gia có vai trò nhất định đối với nền kinh tế Mỹ.

Singapore, trung tâm tài chính khu vực, cũng là nơi tập trung trụ sở chính tại châu Á của các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Microsoft và Google.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có vị thế ngày một quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo nguồn tin từ Nhà Trắng, một trong những nội dung Phó Tổng thống Harris dự kiến thảo luận trong các cuộc hội đàm với lãnh đạo Chính phủ Việt Nam là cách thức giảm thiểu tác động của đại dịch lên chuỗi cung ứng.

Bloomberg hồi đầu tháng cũng tiết lộ tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn và các vấn đề khác trong chuỗi cung ứng sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm của bà Harris tại Đông Nam Á. Môt quan chức chính phủ Mỹ cho biết Phó Tổng thống Mỹ cũng sẽ tìm cách mở rộng các mối quan hệ thương mại, dù không rõ kết thúc chuyến công du bà có mang về những kết quả kinh tế cụ thể hay không.

Nhiều kỳ vọng từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ giữa lúc dịch COVID-19 đang căng thẳng - Ảnh 3.

Thương mại Việt - Mỹ đang trên đà phát triển tích cực nhiều năm qua. (Ảnh minh họa: Vietnam+).

Nói về thương mại Việt - Mỹ, số liệu thống kê cho thấy những bước tăng trưởng đầy ấn tượng. Theo Bộ Công Thương, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Đáng chú ý, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ đã tăng 168 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 90 tỷ USD vào năm 2020.

Dù ngành xuất khẩu chịu ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID-19, song năm 2020 cũng là năm đầu tiên tổng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước vượt qua mốc 90 tỷ USD (đạt 90,8 tỷ USD) và cùng hướng tới con số 100 tỷ USD vào năm 2021.

Tính chung trong giai đoạn 5 năm vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đã tăng 230%, trong khi xuất khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng tăng trưởng tới hơn 175%. 

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đã lên tới gần 63 tỷ USD. Điều này cũng đồng nghĩa con số 100 tỷ USD kim ngạch song phương vào cuối năm 2021 là hoàn toàn trong tầm tay.

Bà Harris có thể sẽ gặp gỡ cả nhóm doanh nghiệp

Hiện chưa rõ nội dung cụ thể về các vấn đề hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam trong chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ. 

Hồi đầu tháng 8, Bloomberg dẫn lời một quan chức chính phủ Mỹ tiết lộ bà Harris dự kiến sẽ gặp gỡ cả nhóm doanh nghiệp. Hé lộ này càng tăng thêm nhiều kỳ vọng về các giải pháp trong bối cảnh dịch COVID-19 đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Hợp tác đầu tư xuyên Thái Bình Dương để trao đổi cơ hội, tiềm năng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam", đại diện nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ đều khẳng định, Việt Nam vẫn là điểm đến được các nhà đầu tư Mỹ quan tâm tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Kinh tế Việt Nam kỳ vọng gì từ chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ - Ảnh 4.

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu tại Mỹ đang quan tâm tới vấn đề đầu tư vào thị trường Việt Nam. (Nguồn: Bloomberg).

Ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực Hội đồng kinh doanh Mỹ tại ASEAN, cho biết các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam đều mang tầm nhìn dài hạn và mong muốn tạo nhiều cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Cơ hội thu hút FDI từ Mỹ đang rất rộng mở với Việt Nam, song theo ông Vũ Tú Thành, giống như các doanh nghiệp Việt Nam trong nước, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19 và các chính sách hạn chế do công tác chống dịch theo yêu cầu. Những điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã phải cắt giảm mạnh, hoặc ngừng hoạt động kinh doanh từ đầu tháng 7. Trong khi, đa số các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đều tham gia sâu hoặc đứng đầu các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang gặp phải những vướng mắc về đảm bảo duy trì chuỗi cung ứng, vận tải hàng hóa và sự di chuyển của nhân sự tham gia chuỗi cung ứng. Đồng thời, họ cũng cho biết đã gặp phải những khó khăn trong tiếp cận vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động tại doanh nghiệp. 

Phương Trang