|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vì sao Phó Tổng thống Mỹ chọn Việt Nam và Singapore là hai điểm đến trong chuyến thăm tại Đông Nam Á?

19:05 | 23/08/2021
Chia sẻ
Singapore và Việt Nam đều là hai nước giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Singapore là nơi tập trung trụ sở chính tại châu Á của các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Microsoft và Google. Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có vị thế ngày một quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Vì sao Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Đông Nam Á, và Việt Nam, Singapore lại là hai điểm đến được lựa chọn? - Ảnh 1.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. (Nguồn: Reuters).

Phó Tổng thống Mỹ, bà Kamala Harris đã bắt đầu chương trình làm việc tại Singapore ngày 23/8. Sau đó chiều 24/8, bà sẽ tới Việt Nam trước khi kết thúc chuyến công du vào ngày 26/8.

Theo Nikkei Asia, dự kiến, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có cuộc đối thoại với các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai nước về các vấn đề an ninh, kinh tế cũng như các nỗ lực phục hồi từ đại dịch COVID-19. 

Tại sao Việt Nam và Singapore là hai điểm đến được lựa chọn?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định về mục tiêu tái thiết lập chính sách của Washington với châu Á, chính sách này được cho là mờ nhạt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Về vị trí địa lý, Đông Nam Á có vị trí nằm ở trung tâm khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong những tháng gần đây, nhiều quan chức cấp cao của Chính quyền Mỹ như Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman cũng đã có những chuyến thăm tới khu vực này.

Vì sao Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Đông Nam Á, và Việt Nam, Singapore lại là hai điểm đến được lựa chọn? - Ảnh 2.

Singapore là nơi đặt trụ sở chính tại châu Á của các công ty lớn của Mỹ trong đó có Google. (Nguồn: Reuters)

Đặc biệt, Singapore và Việt Nam đều là hai nước giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Mỹ. Cụ thể, Singapore với tư cách là một trung tâm tài chính khu vực, cũng là nơi tập trung trụ sở chính tại châu Á của các doanh nghiệp lớn của Mỹ như Microsoft và Google.

Trong khi đó, Việt Nam cũng đang có vị thế ngày một quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả chuỗi cung ứng chất bán dẫn, đồng thời, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Phó Giáo sư ngành Quan hệ Quốc tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), ông Alan Chong nhận xét: "Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Singapore là hai quốc gia có mối quan hệ ổn định và thân thiện nhất với Mỹ".

Trong một tuyên bố gần đây nhất của Nhà Trắng, bà Kamala Harris sẽ thảo luận về các chủ đề như "an ninh khu vực, cách ứng phó với đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu và nỗ lực chung nhằm thúc đẩy một trật tự thế giới dựa trên luật lệ."

Tại Singapore, bà có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long, sau đó đến thăm Căn cứ Hải quân Changi. Còn tại Việt Nam, chuyến thăm của Phó Tổng thống Mỹ sẽ bao gồm cuộc họp trực tuyến với Bộ trưởng Y tế các nước thành viên ASEAN vào ngày 24/8, khai trương văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) tại Hà Nội.

Các cuộc thảo luận về kinh tế sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

Nikkei Asia cho rằng việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, ổn định nhiều khả năng sẽ là vấn đề chính được quan tâm nhất, trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu cũng như các nhu cầu cấp thiết về vắc xin COVID-19 và các trang thiết bị y tế khác.

Theo số liệu trong tháng 4, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện đang chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng xuất khẩu, thực tế này cho thấy vai trò quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng châu Á vào thị trường Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã và đang đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Điển hình là Intel đã nâng cao năng lực sản xuất lắp ráp và thử nghiệm tại Việt Nam. Bởi doanh nghiệp này cho rằng, "Việt Nam là một phần quan trọng trong sự hiện diện sản xuất trên toàn thế giới của Intel", một giám đốc điều hành của Intel cho hay.

Vì sao Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Đông Nam Á, và Việt Nam, Singapore lại là hai điểm đến được lựa chọn? - Ảnh 3.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện đang chiếm khoảng 30% tổng lượng hàng xuất khẩu trong tháng 4. (Nguồn: Hải Phòng Port).

Phó Giám đốc phụ trách sản xuất, chuỗi cung ứng và hoạt động tại Intel Products Vietnam, ông Kim Huat Ooi nhận xét: "Nhu cầu với các linh kiện bán dẫn đang tăng cao trên toàn cầu, xu thế số hóa trên thế giới ngày một mở rộng do đại dịch COVID-19 đã dẫn đến tình trạng khan hiếm, nhiều công ty công nghệ trên toàn cầu đã phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng."

Các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đang tìm đường thâm nhập vào thị trường Mỹ. Tập đoàn Vingroup đang có kế hoạch xuất khẩu xe điện do VinFast sản xuất sang Mỹ nhằm đáp ứng nhu cầu phương tiện đi lại thân thiện với môi trường ngày càng tăng tại thị trường này.

Trong khi đó, Singapore đóng vai trò là một trong những trung tâm sản xuất chip quan trọng của châu Á. Mới đây, Tập đoàn GlobalFoundries của Mỹ công bố đầu tư 4 tỷ USD xây dựng nhà máy ở Singapore. Với vị trí như một cửa ngõ vào khu vực còn lại của châu Á, Singapore được coi là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của châu Á.

Hoạt động xuất khẩu ngày càng quan trọng đối với các nền kinh tế Đông Nam Á đang tìm cách đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, ngay cả khi khu vực này vẫn là tâm điểm của các đợt lây nhiễm toàn cầu. Singapore và Việt Nam sẽ đánh giá cao những biện pháp giúp giải quyết được vấn đề này, như cam kết về vắc xin COVID-19 hay thỏa thuận đi lại.

Liệu chuyến thăm của bà Harris có làm tăng khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)  vào năm 2017. 11 nước thành viên còn lại, trong đó bao gồm Singapore, Việt Nam, Brunei và Malaysia sau này đã ký kết CPTPP.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã đảo ngược nhiều chính sách của cựu Tổng thống Trump trước đây, chẳng hạn như những chính sách về biến đổi khí hậu, tuy nhiên lại không ra những thay đổi đặc biệt nào về thương mại.

Giáo sư tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak, ông Jayant Menon tin rằng chuyến thăm của bà Harris nhiều khả năng sẽ không nhắc đến việc Mỹ tái gia nhập CPTPP.

“Việc tái gia nhập CPTPP sẽ có giá trị chiến lược quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ với khu vực, song hiện vẫn chưa biết điều này có đủ hay không bởi để làm được nó sẽ cần phải phối hợp liên quan đến nhiều vấn đề như môi trường hoặc an ninh", ông Menon nhấn mạnh.

Ngoại trưởng Singapore, ông Vivian Balakrishnan khẳng định ông không tin sẽ có đột phá nào từ chuyến thăm của bà Harris: “Liệu có khả năng Mỹ tái gia nhập CPTPP không? Tôi e rằng câu trả lời là không”.

Trong buổi phát biểu với giới truyền thông vào ngày 16/8, ông chỉ ra rằng những vấn đề nội bộ nước Mỹ hiện nay sẽ hạn chế khả năng của Nhà Trắng trong việc bàn đến nhiều vấn đề liên quan đến khuôn khổ thương mại đa phương.

Thay vào đó, Singapore hy vọng có nhiều chuyển biến tích cực liên quan đến thương mại số, chẳng hạn như dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới, thanh toán điện tử, những linh vực mà nước này đã hợp tác với Australia, New Zealand và một số nước khác.

Ngoại trưởng Singapore hy vọng: “Chúng tôi mong rằng Mỹ có thể góp phần kiến tạo nên kiến trúc của kinh tế số”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Trang

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.