|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhà sáng lập chia sẻ về hành trình làm chip đơn độc của FPT

10:09 | 26/03/2024
Chia sẻ
Ông Đỗ Cao Bảo, nhà đồng sáng lập tập đoàn FPT cho rằng doanh nghiệp này lại một lần nữa bước đi trên con đường mà họ từng trải qua khi thực hiện xuất khẩu phần mềm. Ông gọi đó là hành trình đơn độc.

"Có lẽ FPT lại đơn độc trong công cuộc chip bán dẫn giống như xuất khẩu phần mềm cách đây 25 năm", ông Đỗ Cao Bảo, một trong những sáng lập viên FPT, viết trên trang cá nhân về về câu chuyện làm chip bán dẫn.

Ông Bảo so sánh hành trình làm chip của FPT với câu chuyện xuất khẩu phần mềm trong quá khứ. Từ câu chuyện cách đây 25 năm khi tìm đường sản xuất phần mềm, ông cho rằng FPT sẽ phải đơn độc ít nhất 5 đến 7 năm đầu tiên trong công cuộc làm chip.

"FPT lại bắt đầu bằng việc đào tạo nguồn nhân lực chip bán dẫn, nỗ lực cao độ trong những hợp đồng đầu tiên trong lĩnh vực chip bán dẫn và AI, chen một bàn chân nhỏ vào chuỗi cung ứng chip bán dẫn toàn cầu, để làm nền tảng cho việc xây dựng hệ sinh thái chip bán dẫn của Việt Nam, mở đường cho các công ty Việt Nam khác bước vào hệ sinh thái bán dẫn toàn cầu", ông Đỗ Cao Bảo cho hay.

 Ông Đỗ Cao Bảo - Đồng sáng lập FPT. (Ảnh: VietnamFinance).

Nhìn lại câu chuyện xuất khẩu phần mềm, nhà đồng sáng lập tập đoàn chia sẻ FPT khi đó hầu như không có gì trong tay, từ nhân lực, tiền tài cho tới mối quan hệ thị trường.

"Khi ấy, không những người Việt Nam không tin mà cả World Bank cũng không tin. Họ khuyên rằng Việt Nam không có điều kiện để làm phần mềm đâu”, ông Bảo nhớ lại.

FPT đã bắt đầu từ khâu đào tạo với việc cử người sang Ấn Độ học hỏi. Tập đoàn cũng xây dựng trường đại học để tự đào tạo nguồn lực sản xấut phầm mềm. 

Tiếp theo là mở rộng thị trường. Xác định mục tiêu trở thành tên tuổi trong lĩnh vực phần mềm, ông Trương Gia Bình tìm tới nhiều công ty quen biết trong ngành để mở đường hợp tác.

FPT chia sẻ bí quyết làm phần mềm xuất khẩu với các công ty khác, quy trình làm phần mềm quốc tế CCMI 5 sau khi đã kiểm nghiệm và ổn định qua thực tiễn. Quy trình này sau đó trở thành tài sản chung của các công ty phần mềm Việt Nam.

Thời gian sau, FPT mở hướng sang các thị trường như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

"FPT đã đơn độc một mình như vậy trong suốt 5-7 năm đầu tiên. Hiện tại, chúng ta có 500.000 kỹ sư làm phần mềm xuất khẩu, trở thành quốc gia đứng số hai thế giới về xuất khẩu phần mềm, chỉ sau có Ấn Độ", ông Đỗ Cao Bảo viết.

Hiện FPT có sản phẩm FPT.AI bán sang 15 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Nhật, châu Âu và Mỹ với 200 triệu người sử dụng. Tập đoàn cũng viết phần mềm chạy trên các máy bay thương mại trên hầu hết các chặng bay quốc tế hay ô tô thương hiệu lớn trên thế giới.

Về định hướng 2024 - 2026, FPT sẽ mở rộng các dịch vụ trong ngành chíp bán dẫn, mở rộng các model chip thiết kế và tham gia vào dịch vụ kiểm thử chip. Mục tiêu đến 2030, FPT đào tạo được 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn.

Tập đoàn của Chủ tịch Trương Gia Bình cho biết hiện đã có đơn đặt hàng 70 triệu chip đến năm 2025. 

Thành Vũ