Nhà phát hành Fortnite đã dành nhiều năm để chuẩn bị cho cuộc chiến pháp lí với Apple, Google
Ông Tim Sweeney, Tổng giám đốc tập đoàn sản xuất trò chơi Fortnite, đang dẫn đầu một cuộc chiến mà các nhà phát triển ứng dụng đã ấp ủ trong nhiều năm trước hai tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới.
Nhờ tiềm lực tài chính mạnh, cả Epic Games và Tim Sweeney có vị thế đặc biệt đến có thể đấu tranh với Google và Apple. Sweeney có khối tài sản ròng 8,5 tỉ USD, trong khi Epic Games có mức định giá 17,3 tỉ USD và nhận nhiều khoản vốn đầu tư từ Walt Disney Co., Tencent Holdings Ltd. và Sony Corp, theo WSJ.
Khác với những người đã thách thức Apple và Google trước đó, Epic là doanh nghiệp tư nhân và chịu áp lực rất nhỏ từ các cổ đông. Bên cạnh đó, Fortnite cũng có số lượng người chơi lớn và rất trung thành. Theo WSJ, Fortnite đang có hơn 350 triệu người chơi đăng kí trên toàn cầu.
"Tim là một người vị tha và muốn thực hiện cuộc chiến này vì các doanh nghiệp nhỏ, lẻ", ông Mike Salmon, một nhân sự của công ty tư vấn trò chơi Magid Consulting, chia sẻ.
Theo Mike Salmon, Sweeney và Epic Games quyết tâm chiến đấu với Apple và Google cũng bởi cả hai "đại gia công nghệ" đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích liên quan đến độc quyền. Bên cạnh đó, Epic Games đang lên kế hoạch ra mắt một kho ứng dụng trò chơi của riêng mình.
Hôm 13/8, Apple và Google cùng gỡ Fortnite ra khỏi kho ứng dụng của họ. Apple và Google cho rằng Epic đã vi phạm chính sách khi cho phép người chơi mua tiền tệ trong game không thông qua hệ thống thanh toán của Google và Apple.
Mỗi ứng dụng di động đều phải đi qua kho ứng dụng của Apple, Google và họ sẽ phải nôp phí tương đương 30% doanh thu của mọi giao dịch mua trong ứng dụng. Mức phí 30% đã tồn tại trong nhiều năm, bất chấp việc các nhà phát triển ứng dụng liên tục kêu gọi 2 tập đoàn giảm phí.
Rõ ràng Epic Games đã chuẩn bị kĩ càng cho vụ kiện với hồ sơ dày hơn 60 trang đệ trình chỉ vài giờ sau khi Fortnite biến mất trong hai kho ứng dụng. Epic Games cũng thuê Cravath Swaine & Moore LLP, công ty luật Qualcomm để bào chữa trong các vụ kiện liên quan đến độc quyền của họ.
Apple và Google từ chối đưa ra bình luận. Dù vậy, cả 2 đều đã bào chữa thành công nhiều lần trong quá khứ trong những cáo buộc tương tự.
"Những quy định trong App Store nhằm đảm bảo trải nghiệm chất lượng cao, đáng tin cận và bảo mật cho người dùng", Tim Cook, Tổng giám đốc Apple, phát biểu trong buổi chất vấn trước Tiểu ban Chống độc quyền của Hạ viện Mỹ hồi tháng trước.
Trước Epic Games, nhiều công ty lớn cũng phản đối khoản phí 30% của Apple, bao gồm Netflix, Match Group hay Spotify.
Hôm 14/8, Facebook cũng công khai chỉ trích Apple. Cụ thể, Facebook nói rằng khi ra mắt dịch vụ sự kiện ảo mới trên Facebook, họ đã yêu cầu miễn giảm khoản phí 30% nhưng Apple từ chối.
Facebook khẳng định chính sách của Apple đã làm khó các doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh dịch bệnh khiến họ cần chuyển dịch lên các nền tảng trực tuyến.
Đây không phải là lần đầu tiên Tim Sweeney nhắm tới các đế chế công nghệ lớn. Năm 2018, Sweeney đã "ép" thành công nhiều "ông lớn" như Sony, Microsoft và Nintendo thực hiện việc chưa từng có tiền lệ: cho phép người chơi trên các dòng máy chơi game của họ tương tác với người chơi trên các hệ máy khác.
Thị trường ứng dụng cực kì rộng lớn. Năm ngoái, chi tiêu toàn cầu cho các ứng dụng chạm mốc 120 tỉ USD, theo App Annie. Vì thế, vụ kiện của Epic Games có thể để lại những tác động mạnh mẽ lên hoạt động kinh doanh của Apple và Google, theo ông Damien Geradin, một luật sư tư vấn cạnh tranh ở Brussels.
Có thể Apple phải thay đổi một mảng kinh doanh quan trọng với thành công chung của họ. Bên cạnh đó, Apple và Google còn có thể phải công khai nhiều nội dung email cũng như thông tin mật khác trong quá trình điều tra.
Trong lúc doanh số iPhone giảm dần, Apple ngày càng dành nhiều sự tập trung vào App Store như một nguồn thúc đẩy doanh thu mới. Tháng trước, Apple nói rằng mảng dịch vụ của họ đạt một kỉ lục mới trong quý 2 khi chạm mốc doanh thu 13,16 tỉ USD.
Việc Apple và Google gỡ Fortnite không phải một vấn đề lớn trong ngắn hạn. Fortnite tương thích với cả các dòng máy chơi game và máy tính, nơi nhiều người chơi trung thành sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để mua các nội dung trong game.
Fortnite đã thu về 46,5 triệu USD chi tiêu trong ứng dụng trên cả App Store và Google Play Store trong 30 ngày gần nhất, theo Sensor Tower.
Epic Games cũng mở cửa kho trò chơi trên máy tính của họ vào cuối năm 2018 và thu phí 12% doanh số từ các nhà phát hành bên thứ 3. Sweeney nói thoả thuận chia sẻ doanh thu giúp Epic có biên lợi nhuận ổn định.
Phát triển game cũng không phải nguồn doanh thu duy nhất của Epic Games. Họ còn có Unreal Engine, một phần mềm phát triển game. Epic sở hữu ứng dụng trò chuyện video nổi tiếng Houseparty.
Trong khi đó, các nhà phát triển khác thường phải dựa vào các kho ứng dụng lớn để có doanh thu. Vì thế, họ gặp rủi ro lớn khi lên phản đối chính sách phí của Apple và Google, ông Geradin nhận định.
Hồi tháng 6, một công ty có tên Basecamp đã chống đối Apple khi đệ trình một bản cập nhật cho ứng dụng email Hey lên App Store. Apple từ chối bản cập nhật vì nó không thanh toán dịch vụ trả phí thông qua hệ thống của Apple, ông Jason Fried, Tổng giám đốc Basecamp, chia sẻ.
Để giải quyết vấn đề, Basecamp phát triển một phiên bản miễn phí của Hey. "Chúng tôi không trả cho Apple 30% và sẽ không bao giờ làm việc đó", ông Fried nói và nhấn mạnh những chính sách Apple đang triển khai là phi cạnh tranh.
Ông Paul Gallant, nhà phân tích tại Cowen & Co, nhận định có thể Apple và Google sẽ điều chỉnh khoản phí 30% hoặc ít nhất sẽ áp dụng cơ chế linh hoạt khi xử lý thanh toán.