|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà nước nợ doanh nghiệp tư nhân: làm sao ngăn dòng xoáy nợ xây dựng cơ bản?

11:34 | 03/06/2019
Chia sẻ
Món nợ hơn 4.000 tỉ đồng tại dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng 10 năm vẫn chưa được trả là điển hình cho tình trạng nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản tại bộ, ngành, địa phương đã được nói tới từ lâu.
Nhà nước nợ doanh nghiệp tư nhân: làm sao ngăn dòng xoáy nợ xây dựng cơ bản? - Ảnh 1.

Một dự án cao tốc đang bị nợ đọng xây dựng cơ bản - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Đây không phải là khoản nợ đọng xây dựng duy nhất mà Nhà nước đang nợ các doanh nghiệp tư nhân. 

Trong báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch - đầu tư đã bố trí 9.869 tỉ đồng ngân sách trung ương để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản. Trong đó, năm 2016 đã trả nợ 3.121 tỉ đồng, năm 2017 trả nợ 1.807 tỉ, còn 4.900 tỉ đồng chưa bố trí trả nợ.

Kết quả kiểm toán nợ đọng xây dựng cơ bản năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước chỉ ghi nhận số nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2017 của 7 bộ ngành, cơ quan trung ương là 1.775 tỉ đồng, và số nợ của 49 địa phương lên tới 44.198 tỉ đồng. Thực trạng này cho thấy nguồn bố trí trả nợ 4.900 tỉ đồng chỉ đáp ứng khoảng 1/10 nhu cầu trả nợ giai đoạn 2016-2020.

Tại phiên thảo luận tổ về Luật đầu tư công mới đây, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhấn mạnh: "Vấn đề cốt lõi nhất của luật là yêu cầu quyết định dự án phải chỉ ra được nguồn vốn ở đâu. Nhưng thực tế hiện nay danh mục dự án đưa ra rất hoành tráng nhưng chẳng chỉ ra tiền ở đâu".

Theo ông Nguyễn Quang Đồng - viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông, hợp đồng hợp tác giữa các doanh nghiệp tư nhân và Chính phủ là hợp đồng mang tính chất dân sự. 

Về nguyên tắc, một bên nợ tiền thì đáng lẽ ra bên kia có thể kiện ra tòa để đòi quyền lợi. Nhưng tư nhân trong nước thường đuối thế hơn cơ quan quản lý nhà nước. Và nợ đọng xây dựng cơ bản của bộ, ngành, địa phương đã lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng.

Ông Phùng Quốc Hiển cho biết thêm, hiện có khoảng 400 dự án đầu tư công khó khăn về vốn, chưa tính các dự án đang xin bổ sung thêm vào danh mục và nếu các cơ quan không có biện pháp phối hợp chặt chẽ thì sẽ có nguy cơ rơi vào vòng xoáy nợ công lần thứ 2.

Là chủ nợ, nhưng doanh nghiệp tư nhân hiện rất khó yêu cầu cơ quan nhà nước phải thanh toán đúng hạn và bồi thường thiệt hại. Điều này không phải không có hệ quả và cần phân tích kỹ để giảm gánh nặng cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Bởi khi đã không tiên liệu được việc được trả tiền khi đã làm xong, sẽ khó huy động vốn tư nhân vào phát triển hạ tầng. 

Hoặc nếu có, rủi ro có thể sẽ được tính cả vào chi phí vốn, làm chi phí dự án hạ tầng sẽ cao hơn. Kết quả là chi phí đầu tư phát triển hạ tầng sẽ đắt đỏ hơn và người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải gánh.

Bảo Ngọc