|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà nước dần trả sân cho tư nhân

08:30 | 21/10/2018
Chia sẻ
Doanh nghiệp nhà nước chỉ có vai trò đặc biệt trong một thời gian nhất định khi nền kinh tế tư nhân chưa đủ khoẻ mạnh để vận hành.

Gửi báo cáo tới Quốc hội về hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN) trong phạm vi toàn quốc năm 2017, Chính phủ nêu rõ: Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DN nhà nước còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực nhà nước đầu tư; một số dự án còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn.

Nợ bằng 50% nguồn vốn

Theo báo cáo, tổng tài sản của các DN nhà nước là hơn 3 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2016. Trong khi đó, tổng số nợ phải trả lên tới trên 1,5 triệu tỉ đồng (tăng 1,3% so thực hiện năm 2016), chiếm đến 56,5% tổng nguồn vốn của các tập đoàn, tổng công ty.

Ngoài ra, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2016 là 1,25 lần (cao hơn mức 1,22 lần hồi năm 2015). Trong đó, có 20 tập đoàn, tổng công ty có tỉ lệ nợ phải trả/vốn chủ đầu tư lớn hơn 3 lần, thậm chí lên hàng chục lần. Ví dụ, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Tổng hợp Vạn Xuân 45,56 lần; Tổng Công ty TNHH MTV Duyên Hải 23,69 lần; Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc (VEC) 8,07 lần; Tổng Công ty Thái Sơn 9,2 lần; Tổng Công ty Xây dựng Lũng Lô 4,99 lần…

Một số tập đoàn, tổng công ty có số nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng tương đối lớn, như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 146.585 tỉ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 132.071 tỉ đồng; Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam 48.648 tỉ đồng; Tập đoàn Viễn thông quân đội 43.485 tỉ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 28.417 tỉ đồng…

Lợi nhuận kế toán trước thuế của các DN nhà nước đạt 167.579 tỉ đồng, tăng 26% so với thực hiện 2016. Tuy nhiên, có 10 tập đoàn, tổng công ty còn lỗ lũy kế gần 12.075 tỉ đồng và 2 công ty mẹ còn lỗ lũy kế gần 1.792 tỉ đồng.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng "bê bết" của các DN nhà nước là bởi nguyên tắc thị trường, yêu cầu công khai, minh bạch thông tin… đã không được chấp hành nghiêm túc. Một số cá nhân lãnh đạo vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN dẫn đến thua lỗ, mất vốn tại một số dự án.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận sự ì ạch của khối DN nhà nước là bởi lực lượng lao động đông trong khi năng suất lao động thấp, tổ chức bộ máy cồng kềnh, thiếu hiệu lực, hiệu quả. Một số DN sau khi chuyển sang công ty cổ phần, do tỉ lệ nhà nước nắm giữ vốn còn cao nên việc thay đổi quản trị DN gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

nha nuoc dan tra san cho tu nhan
Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam làm chủ đầu tưẢnh: Trần Thường

Sắp hết sứ mệnh?

Dẫn câu chuyện lùm xùm liên quan đến chất lượng công trình của VEC, TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, đánh giá đây chính là bất cập điển hình của một DN nhà nước. Tức là cơ chế độc quyền đã khiến bản thân lãnh đạo cũng như cán bộ công nhân viên của DN không quan tâm đến hiệu quả làm việc, không làm việc vì mục tiêu mà đáng ra mỗi DN phải có.

"Tuy nhiên, có thời điểm chúng ta cần đến VEC bởi có những việc thực thi ngoài tầm tay của cơ quan quản lý nhà nước và tư nhân thì lại chưa làm được. Do đó, mô hình DN nhà nước ra đời thực hiện nhiệm vụ đặc biệt của họ. Thực tế, các dự án BOT, BT giao thông muôn hình vạn trạng, rất nhiều vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng. Không có VEC thì khó đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng như thời gian qua" - TS Huỳnh Thế Du nêu rõ.

Như thế, theo ông Du, không phải VEC không có vai trò đáng ghi nhận trong việc đầu tư cho hạ tầng. Song, VEC cũng như bất cứ DN nhà nước nào khác, chỉ nên tồn tại trong một thời gian nhất định gắn với nhiệm vụ nhất định. "Khi kinh tế tư nhân phát triển đến một mức độ nhất định thì nhà nước nên giảm dần vai trò, đi đôi với nó là giảm vốn tại các DN nhà nước" - ông Du nói.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cũng nhận định kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ, được sự ghi nhận của quốc tế và khu vực. Vì vậy, việc ưu đãi và duy trì một vị thế độc quyền, không cạnh tranh sẽ dẫn tới hậu quả là xảy ra các vụ việc lùm xùm như VEC đã gây ra. VEC được chỉ định thầu, loại trừ cạnh tranh là cách tiếp cận không phù hợp với kinh tế thị trường, không công khai minh bạch và kìm hãm sự tham gia của kinh tế tư nhân. Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng quy định về đấu thầu công khai minh bạch, có sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân và loại bỏ vị trí độc quyền.

"Hy vọng kỳ họp Quốc hội sắp tới sẽ thảo luận và có nghị quyết rõ ràng về việc phải có đấu thầu công khai minh bạch, có sự tham gia của kinh tế tư nhân trong nhiều lĩnh vực, giảm tình trạng độc quyền trong xây dựng kết cấu hạ tầng như đã diễn ra" - ông Doanh bày tỏ.

Các chuyên gia nhấn mạnh điều quan trọng nhất khi vận hành DN nhà nước là nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, kiểm soát chặt dòng vốn, giảm cấp phát vốn, thay bằng hình thức vay lại… để buộc DN phải có trách nhiệm kinh doanh hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đến 2018 Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách quan trọng, nhiều vấn đề cụ thể đã được tiếp tục chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời vướng mắc liên quan đến xử lý đất đai, cổ phần hóa các DN an ninh - quốc phòng, đề án cơ cấu lại các tập đoàn kinh tế… Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đã được thành lập và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục cần thiết để sớm đi vào hoạt động; phê duyệt phương án cổ phần hóa 9 DN nhà nước với tổng giá trị 29.400 tỉ đồng, Các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được 3.000 tỉ đồng, thu về 7.900 tỉ đồng. Việc xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương đạt được kết quả bước đầu quan trọng.

Không để nhà nước ôm đồm

Theo TS Lê Đăng Doanh, sau vụ nền đường do VEC đầu tư xây dựng bị hỏng, cho thấy giao thông vận tải không phải là lĩnh vực bắt buộc sự tham gia của nhà nước mà hoàn toàn có thể huy động xã hội hóa. Nếu cứ tiếp tục để nhà nước ôm đồm quá nhiều việc thì vừa mất tiền vừa mất người, thậm chí nảy sinh nhiều tiêu cực khác nữa.

Hiện trên thế giới, các ngành nghề chỉ dành riêng cho nhà nước còn rất ít. Ví dụ, nhiều nước đã cho phép tư nhân đăng ký và tham gia sản xuất vũ khí. Các công ty vũ khí, máy bay hàng đầu của Mỹ không phải công ty nhà nước mà là công ty tư nhân.

Với Việt Nam, không thể nói chuyển đổi hết sang tư nhân là có thể làm ngay được mà cần có khoảng thời gian nhất định. Nhưng, nhà nước cần cho phép các DN tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực rồi trên cơ sở đó từng bước mở rộng, nâng cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân. Trong khi còn tiếp tục duy trì DN nhà nước, rất cần sự công khai minh bạch, tránh hình thành các công ty sân sau, biến tướng, làm hư hỏng DN nhà nước.

Ông Phạm Đức Trung, Trưởng Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương:

Vận hành thế nào, cần tính toán

VEC ra đời nhằm thay thế mô hình các ban quản lý dự án giao thông trước đây bởi các ban quản lý có vai trò rất yếu, chỉ quản lý dự án về mặt hành chính. Vì VEC là DN nên pháp nhân đầy đủ, có tài khoản và mô hình quản trị tốt hơn hẳn các ban quản lý. Mục đích ra đời như thế là rất tốt bởi giải quyết dứt điểm được trì trệ trong phát triển hệ thống hạ tầng một thời gian dài. Thay mặt Bộ Giao thông Vận tải, VEC đứng ra vay vốn, đầu tư, tìm kiếm tổng thầu và đẩy mạnh tiến độ rõ rệt.

Song, dù cho mục đích ra đời tốt và VEC đã hoàn thiện được một số tuyến cao tốc thì vẫn có những hạn chế cần nhanh chóng khắc phục. Trong đó, quan trọng nhất là khâu giám sát. Cần có bên thứ 3 giám sát một cách nghiêm túc, siết chặt đấu thầu công khai, nghiêm cấm chỉ định thầu… Nhiều lĩnh vực buộc phải có DN nhà nước đứng ra thực hiện vai trò thay nhà nước đầu tư. Song, vận hành thế nào thì cần tính toán, tránh để xảy ra hậu quả chất lượng công trình kém, thất thoát vốn, lùi tiến độ… như chuyện của VEC hay 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Phương Nhung

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.