|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà nghiên cứu kinh tế tại Australia gợi ý những vấn đề Việt Nam phải đối mặt

21:20 | 26/03/2020
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 khiến người lao động mất việc, làm cho khó khăn kinh tế ngày càng trở nên chồng chất, sức cầu thêm sụt giảm sâu hơn...

Từ đầu năm cho đến nay, dịch COVID-19 là mối quan tâm lớn nhất của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh việc tập trung các nguồn lực để dập dịch, nhiều quốc gia đồng thời đưa ra biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn nhằm đảm bảo nền kinh tế vận hành trong thời kỳ dịch bệnh.

Từ góc độ một nhà nghiên cứu kinh tế tại Australia và có hiểu biết về Việt Nam, PGS. Lê Quang Thanh, Trưởng Bộ môn Kinh tế học, trường Đại học Wollongong đã chia sẻ với phóng viên VOV thường trú tại Australia về một số biện pháp kinh tế mà Việt Nam có thể thực hiện khi đối mặt với những khó khăn do dịch COVID-19 mang đến.

Nhà nghiên cứu kinh tế tại Australia gợi ý những vấn đề Việt Nam phải đối mặt - Ảnh 1.

PGS. Lê Quang Thanh - Trưởng Bộ môn Kinh tế học, trường Đại học Wollongong

PV: Thưa ông, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới có dịch COVID-19, Việt Nam đang đối mặt với những khó khăn kinh tế không nhỏ do dịch bệnh mang lại. Trong tình hình này, theo ông Việt Nam nên làm gì để vượt qua giai đoạn khó khă này?

PGS Lê Quang Thanh: Mặc dù chúng ta mới bước vào tháng thứ ba của năm nhưng sẽ không quá sớm để nhận định rằng đây sẽ là một năm đầy khó khăn của kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng.

Hậu quả mà COVID-19 gây ra chắc chắn là nặng nề vì dịch bệnh này không chỉ tàn phá sức khoẻ con người mà còn làm kiệt quệ về kinh tế. Nghiêm trọng hơn là dịch bệnh này gây ra tâm lý hoang mang, hoảng loạn trong một bộ phận lớn dân chúng. Đó đây đã xuất hiện tình trạng người dân lo lắng tích trữ các nhu yếu phẩm.

Đã xuất hiện những ánh mắt nghi kỵ lẫn nhau vì chỉ một tiếng ho cũng có thể khiến người ta bất an vì sợ bị lây bệnh. Trong bối cảnh đó sẽ khó để có thể tập trung làm việc, năng suất lao động cũng vì thế mà giảm theo.

Vừa qua Việt Nam đã kiểm soát khá tốt dịch bệnh. Mặc dù số ca nhiễm bệnh tăng lên nhưng phần lớn là những người đã bị bệnh từ khi còn ở ngoài Việt Nam. Cách đối phó của Việt Nam hiện nay là cách ly tập trung.

Tuy nhiên, có thể thấy cách làm này sẽ khó có thể áp dụng trên phạm vi lớn do giới hạn về nguồn lực và nguồn lây nhiễm từ bên ngoài vẫn chưa được hạn chế. Việc đóng cửa biên giới lúc này là cần thiết để tránh bị “vỡ trận”.

Khi mà các nguồn lây nhiễm được hạn chế thì người dân sẽ cảm thấy an tâm hơn và các hoạt động kinh tế cũng nhờ thế mà được phục hồi. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các hoạt động điều tiết nhằm đảm bảo đầy đủ lượng cung hàng hoá thiết yếu cho người tiêu dùng, đảm bảo sự an toàn cho người dân tránh xảy ra tình trạng cướp bóc, xung đột bạo lực.

Trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu khi mà thị trường xuất khẩu hàng hoá bị ách tắc, gián đoạn do các nước thắt chặt kiểm soát biên giới, các doanh nghiệp xuất khẩu một mặt cần cố gắng duy trì hoạt động đợi đến khi dịch đi qua, một mặt phải tích cực tìm kiếm nguồn tiêu thụ từ thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cần được chính quyền địa phương hỗ trợ vay vốn dưới dạng các gói cứu trợ khẩn cấp để giúp họ trả lương cho công nhân, trả tiền thuê mặt bằng, điện, nước...

Các ngân hàng cũng cần có kế hoạch giãn nợ cho các doanh nghiệp. Điều này cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp để đảm bảo các doanh nghiệp vẫn hoạt động và người lao động có việc làm.

PV: Một trong những khó khăn không nhỏ vào lúc này đó là kích cầu. Vậy theo ông làm sao để Việt Nam làm được điều này khi các doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại, người dân cũng bị giảm lương, mất việc làm và lo lắng cho giai đoạn sau dịch bệnh?

PGS. Lê Quang Thanh: Có thể thấy các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nhiều nhất từ cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 gây ra lần này là các ngành du lịch và dịch vụ. Theo ước tính của Cục hàng không Việt Nam, các hãng hàng không sẽ thiệt hại khoảng 25.000 tỷ đồng trong năm 2020. Các doanh nghiệp khác cũng chịu ảnh hưởng do sức cầu hàng hoá dịch vụ sụt giảm.

Thực tế cho thấy khi phải đối diện với sự đấu tranh sinh tồn, con người ta sẽ quay trở lại quan tâm đến những gì gọi là thiết yếu nhất. Điều này đã được tổng kết trong Kim tự tháp Maslow và thể hiện rõ qua việc người dân thế giới tranh giành nhau mua giấy toilet và thực phẩm. Các loại hàng hoá khác như các mặt hàng thời trang hay điện tử sẽ không còn được quan tâm như trước nữa.

Trước khó khăn này nhiều doanh nghiệp đã tính đến bước yêu cầu nhân viên nghỉ không lương nếu không muốn bị sa thải. Việc người lao động mất việc làm sẽ làm cho khó khăn kinh tế ngày càng trở nên chồng chất, khiến cho sức cầu thêm sụt giảm sâu hơn.

Để kích cầu, thông thường chính phủ các nước dựa vào hai công cụ chủ yếu là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá. Chính sách tiền tệ thường được nghĩ đến trước tiên do tính linh hoạt của nó. Việc các ngân hàng cắt giảm lãi suất sẽ giúp các doanh nghiệp bớt khốn khó hơn trong việc trả lãi các khoản vay ngân hàng. Nó cũng có tác dụng kích thích người dân tiêu dùng nhiều hơn trong điều kiện thông thường.

Nhà nghiên cứu kinh tế tại Australia gợi ý những vấn đề Việt Nam phải đối mặt - Ảnh 2.

Từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, khu đi bộ ở trung tâm thành phố Sydney, nơi thường xuyên đông người thì nay lại luôn vắng vẻ.

Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, việc cắt giảm lãi suất sẽ không làm tăng cầu tiêu dùng như mong muốn do nhu cầu tiêu dùng của người dân sẽ chỉ tập trung vào các mặt hàng thiết yếu mà thôi, thay vì dàn trải trên một phạm vi rộng lớn nhiều mặt hàng như trước đây.

Khi thực hiện chính sách tài khoá, Chính phủ có thể đồng thời giảm thuế và tăng lượng chi tiêu. Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần có các khoản chi tiêu nhằm giúp việc cách ly được thực hiện đầy đủ và chặt chẽ. Chi ngân sách cho việc này sẽ tăng lên khi số người có nguy cơ nhiễm bệnh tăng lên.

Các chi phí y tế bao gồm chi phi chăm sóc người bệnh, chi phí nhà ở và điều kiện sinh hoạt ở khu cách ly, chi phí trả lương cho nhân viên y tế. Chính phủ cũng cần có khoản tiền hỗ trợ người lao động không may bị nhiễm bệnh và buộc phải nghỉ làm trong thời gian cách ly.

Việc này sẽ giảm bớt khó khăn cho bản thân người bệnh và gia đình họ đồng thời cũng đảm bảo duy trì sức cầu của nền kinh tế. Bênh cạnh đó, nhiều khoản chi y tế khác cũng cần có nguồn vốn từ ngân sách như chi phí phun thuốc khử trùng các khu dân cư và các khu công cộng.

Chính phủ cũng nên đặt các trạm y tế, vệ sinh dịch tễ như xà phòng rửa tay, giấy vệ sinh khử trùng tại các khu mua sắm, khu vui chơi giải trí, trong các cầu thang máy và những chỗ có tần suất người qua lại cao,… Các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu, máy bay cũng cần được đội ngũ nhân viên vệ sinh lau chùi thường xuyên do đó Chính phủ cần có khoản mục ngân sách để trả lương cho họ. Khi người dân cảm thấy tin tưởng vào điều kiện vệ sinh, họ sẽ dần tham gia trở lại vào thị trường và kinh tế cũng vì thế mà phục hồi dần.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng có thể xem xét các biện pháp hành chính như yêu cầu các chủ nợ không được đòi tiền đã cho các doanh nghiệp vay trong một giai đoạn nhất định. Các hoá đơn tiền điện, nước cũng có thể trả chậm hoặc được Chính phủ trợ giá. Tuỳ từng thời điểm và tuỳ vào diễn biến cụ thể của dịch mà Chính phủ nên có những bước đi chính sách sao cho linh hoạt và hiệu quả nhất, giảm thiểu những tác động bất lợi đến kinh tế và phúc lợi của người dân.

PV: Rõ ràng trong tình thế hiện nay không chỉ nhà nước mà các doanh nghiệp cũng cần linh hoạt và có kế hoạch để đối phó với tình hình. Vậy theo ông, các doanh nghiệp Việt Nam nên làm gì để vượt qua giai đoạn khó khăn này?

PGS. Lê Quang Thanh: Hiện nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác là dịch bệnh sẽ còn kéo dài đến bao giờ. Một số dự báo cho rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài ít nhất 6 tháng nữa. Có thể nói là chừng nào chưa có vaccine đặc trị đối với COVID-19 thì nguy cơ lây lan vẫn còn đó và khả năng các nước vẫn phải duy trì tình trạng bế quan toả cảng là rất cao.

Nói như vậy để thấy rằng các doanh nghiệp phải có những bước tính toán sao cho phù hợp. Việc cắt giảm nhân viên có thể là điều không tránh khỏi nhưng các doanh nghiệp cần có những bước đi thận trọng vì cắt giảm lực lượng lao động mặc dù có thể giúp doanh nghiệp trước mắt bớt gánh nặng tài chính nhưng cũng làm mất đi năng lực sản xuất, năng lực sáng tạo của doanh nghiệp nhất là khi nền kinh tế phục hồi trở lại.

Do đó doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để được giảm thuế, giãn nợ và nhận các khoản cứu trợ của nhà nước. Họ cũng cần động viên người lao động để có thể thực hiện việc nghỉ không lương hoặc cắt giảm lương luân phiên. Khi khó khăn qua đi, doanh nghiệp nên có chính sách thưởng cho các nhân viên trung thành, tận tuỵ cùng họ vượt qua khó khăn.

Một đặc điểm đáng lưu ý là cuộc khủng hoảng do dịch bệnh lần này sẽ đẩy nhanh quá trình tự động hoá và nghiên cứu ứng dụng nó trong sản xuất và sinh hoạt. Khi con người ta e ngại việc tiếp xúc trực tiếp có thể gây ra lây nhiễm bệnh dịch thì việc ứng dụng robots, trí tuệ nhân tạo sẽ khắc phục được điểm này. Doanh nghiệp nào sớm nắm bắt được cơ hội này sẽ chắc chắn khởi sắc. Dịch bệnh cũng khiến người dân thay đổi thói quen sinh hoạt và làm việc.

Thay vì việc gặp mặt trực tiếp, chắc chắn con người sẽ làm việc nhiều hơn qua các ứng dụng online. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp mạnh mẽ cải cách quy trình làm việc theo hướng ứng dụng trực tuyến nhiều hơn. Trong bối cảnh người dân phải cố gắng tự cách ly về dịch bệnh, các doanh nghiệp cũng nên mạnh dạn khuyến khích nhân viên của họ tham gia các khoá đào tạo hoặc tự đào tạo các kỹ năng tương tác trực tuyến, video confrerencing,… Những kỹ năng này sẽ hết sức cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp và người lao động trong tương lai.

PV: Xin trân trọng cảm ơn!.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Việt Nga

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.