Nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát tăng mạnh tiêu thụ ở phía Nam, suy giảm sản lượng ở miền Bắc
Một cửa hàng kinh doanh ống thép Hòa Phát và ống thép Minh Ngọc - hai doanh nghiệp lớn trên thị trường ống thép Việt Nam. Ảnh: Song Ngọc.
Trong báo cáo phân tích mới đây, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định: Sau vài năm tăng trưởng với tốc độ cao hơn đáng kể so với ngành xây dựng, tăng trưởng tiêu thụ thép đang chậm lại và giảm về mức của ngành xây dựng.
Trong 10 tháng đầu năm nay, tổng doanh số bán hàng nội địa của các thành viên Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) đã tăng 7,88%, chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tốc độ tăng trưởng thấp hơn của các hoạt động xây dựng (8,3% trong 9 tháng đầu 2019 so với 9,2% vào năm 2018).
Trong 9 tháng đầu năm, Hòa Phát tiêu thụ xấp xỉ 2 triệu tấn thép xây dựng, tăng 16,1% so với cùng kì năm ngoái. Tuy nhiên, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cũng cho rằng sau khi đạt tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm, tiêu thụ thép xây dựng của Hòa Phát những tháng gần đây đang có xu hướng chậm lại do ngành bất động sản suy yếu.
Cụ thể, tháng 9 vừa qua, thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng tiêu thụ hơn 193.000 tấn, tương đương với tháng 8 nhưng giảm 12,7% so với mức 221.000 tấn của tháng 9 năm ngoái.
Về thị phần 10 tháng đầu năm 2019, Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với 25%, tăng nhẹ so với mức 24% của cả năm 2018. Ngược lại, hai đối thủ ngay sau là Pomina và Posco SS đều mất 1 điểm % thị phần.
Thị phần thép xây dựng năm 2018 và 10 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Song Ngọc tổng hợp từ VDSC, VSA.
Cũng theo FPTS, Hòa Phát vẫn đang thâm nhập khá tốt thị trường miền Trung và miền Nam với mục đích chuẩn bị cho đầu ra cho Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất (Quảng Ngãi).
Về sản phẩm ống thép, trong 10 tháng đầu năm Hòa Phát đã bán ra thị trường 615.800 tấn, tăng 13,7% so với cùng kì năm ngoái. Với kết quả này, thị phần ống thép của Hòa Phát đã tăng lên mức 31,02%, tiếp tục dẫn đầu thị trường Việt Nam. Xuất khẩu ống thép Hòa Phát 10 tháng đạt 15.800 tấn, tăng 13,6% so với cùng kì.
Thị phần ống thép năm 2018 và 10 tháng đầu năm 2019. Nguồn: Song Ngọc tổng hợp từ VDSC, VSA.
Biến động giá nguyên liệu sản xuất và giá thép thành phẩm
Theo FPTS, do sự cố vỡ đập Vale tại Brazil và bão nhiệt đới tại Australia gây ra gián đoạn nguồn cung, giá quặng sắt (chiếm khoảng 25-30% chi phí sản xuất thép của Hòa Phát) đã tăng mạnh từ 60-65 USD/tấn lên tới đỉnh điểm 120 USD/tấn vào tháng 7 năm nay.
Tuy nhiên tính tới hiện tại, giá quặng sắt đã giảm trở lại về mức 80 USD/tấn. Theo báo cáo của Vale, Rio Tinto và BHP (ba nhà sản xuất quặng sắt lớn nhất thế giới), công suất bị ảnh hưởng đã được phục hồi phần nào trong quí III.
Theo dự báo của S&P Global Platts, cung và cầu của thị trường quặng sắt sẽ cân bằng và ổn định trở lại, và giá quặng sắt được kì vọng sẽ biến động trong khoảng 70-80 USD/tấn trong năm 2020.
Ngoài ra, FPTS cho biết giá than luyện kim cũng đang có xu hướng giảm khá mạnh (khoảng hơn 20% so với cùng kì) sau khi chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh siết chặt nhập khẩu tại hai cảng ở Đường Sơn - chiếm 35% lượng nhập khẩu than luyện kim của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2019.
Về giá bán, giá thép xây dựng của Hòa Phát đã giảm trung bình 8% trong 9 tháng đầu năm 2019. Hiện tại, với xu hướng giảm của giá quặng sắt và than luyện kim, giá thép của Hòa Phát đã giảm thêm 8% nữa xuống 11,5 triệu VND/tấn trong tháng 10.
FPTS cho rằng đây là chiến lược để chuẩn bị cho việc triển khai công suất từ dự án Dung Quất, và sẽ tiếp tục duy trì mức giá này trong thời gian sắp tới để giành thêm thị phần, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam.
Tăng mạnh sản lượng tiêu thụ ở miền Trung, miền Nam nhờ dự án Dung Quất
Dự án Dung Quất sẽ là động lực tăng trưởng chính trong giai đoạn sau 2020 với tổng công suất tương đương 115% công suất hiện tại. Dự án chia làm hai giai đoạn, với giai đoạn I cung cấp 2 triệu tấn thép xây dựng/năm, và giai đoạn II cung cấp 2 triệu tấn thép dẹt/năm.
Với vị trí địa lí của dự án Dung Quất, thị trường mục tiêu chính của Hòa Phát sẽ là khu vực miền Nam và miền Trung. Theo FPTS, hoạt động thâm nhập thị trường của Hòa Phát trong hai khu vực này vẫn đang tăng trưởng khá tốt, với tổng sản lượng tiêu thụ 9 tháng đầu năm tăng 70%, chiếm 29,5% tổng sản lượng tiêu thụ.
Chứng khoán Rồng Việt dẫn số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát tại miền Nam trong 10 tháng đầu năm nay tăng gần 167.000 tấn so với cùng kì năm ngoái, tại miền Trung tăng gần 110.000 tấn. Ngược lại, tiêu thụ ở khu vực miền Bắc giảm xấp xỉ 41.000 tấn.
Thay đổi sản lượng bán hàng của các công ty thép xây dựng lớn, 10 tháng 2019 so với 10 tháng 2019. Đơn vị: tấn. Nguồn: Chứng khoán Rồng Việt tổng hợp từ Hiệp hội Thép Việt Nam.
Trong dài hạn, với lợi thế về chi phí sản xuất thấp, FPTS cho rằng Hòa Phát sẽ gia tăng được thị phần và trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất tại hai khu vực này. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những vấn đề suy yếu của thị trường bất động sản và chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng có thể khiến nhu cầu từ thị trường chậm lại, và việc thâm nhập của Hòa Phát sẽ mất nhiều thời gian hơn.
FPTS dẫn báo cáo của Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2019, chỉ có duy nhất một dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư và không có dự án nhà ở nào được công nhận chủ đầu tư tại thành phố.
Theo Hiệp hội thép Việt Nam, tiêu thụ thép xây dựng tại miền Trung và miền Nam năm 2018 là khoảng 3,8 triệu tấn. Với công suất giai đoạn I của dự án Dung Quất là 2 triệu tấn/năm, Hòa Phát có thể sẽ chuyển đổi một phần sang bán phôi thép cho các doanh nghiệp thép xây dựng trong miền Nam để giải tỏa công suất.
Cụ thể, trong tháng 10 và 11, Hòa Phát đã bán 60.000 tấn phôi cho Vinakyoei – doanh nghiệp có thị phần thép xây dựng lớn nhất tại miền Nam. FPTS cho rằng đây là chiến lược hợp lí của Hòa Phát trong bối cảnh nhu cầu thị trường chậm lại, và kì vọng giai đoạn I của dự án Dung Quất sẽ hoàn thành bước thâm nhập thị trường trong 2020, và hoạt động 100% công suất từ năm 2021.