|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà đầu tư tiền mã hóa Việt Nam thu lời gần 1,2 tỷ USD trong năm 2023

16:10 | 18/03/2024
Chia sẻ
Nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam đã lãi gần 1,2 tỷ USD trong năm 2023, đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh, theo một nghiên cứu từ Chainalysis.

Nhà đầu tư Việt Nam lãi cao thứ ba trên thế giới

Theo Chainalysis, trong năm 2023, nhà đầu tư tiền mã hóa tại Việt Nam thu về khoản lợi nhuận đã thực hiện lên tới 1,18 tỷ USD, đứng thứ 3 trên toàn thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh. Cần lưu ý số liệu trong nghiên cứu này là lợi nhuận thực hiện (số tiền đã chốt lời), chứ không phải lợi nhuận chưa thực hiện (lợi nhuận trên giấy).

Nhà đầu tư Việt Nam đã thu lời gần 1,2 tỷ USD trong năm 2023. 

Mỹ là quốc gia đứng đầu về lợi nhuận từ đầu tư tiền số, ước tính ở mức 9,36 tỷ USD, cao hơn đáng kể so với những khu vực khác. Nhà đầu tư ở quốc gia thứ hai trong bảng xếp hạng là Anh chỉ thu về 1,39 tỷ USD lợi nhuận.

Ba vị trí sau Việt Nam đều là các quốc gia châu Á, lần lượt là Trung Quốc, Indonesia và Ấn Độ, với mức lợi nhuận trên 1 tỷ USD trong năm 2023. Những đất nước còn lại trong top 10 là Nga, Hàn Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ. 

Chainalysis cho biết các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình, đặc biệt tại châu Á có mức lợi nhuận vượt trội. Theo báo cáo Địa lý Tiền mã hóa 2023 của Chainalysis, nhóm các quốc gia này có tỷ lệ dân số đầu tư vào tiền mã hóa tương đối cao. Đồng thời, nhà đầu tư tại đây vẫn duy trì niềm tin mạnh mẽ, ngay cả trong thời điểm thị trường đi xuống trong năm 2022. 

Chainalysis kết luận: “Ước tính của chúng tôi gợi ý rằng nhiều nhà đầu tư tại các quốc gia có thu nhập trung bình đã hưởng lợi từ việc bỏ tiền vào lớp tài sản này”.

Tổng lợi nhuận toàn cầu là 37,6 tỷ USD

Tổng cộng, Chainalysis ước tính tất cả nhà đầu tư tiền mã hóa trên toàn cầu đã ghi nhận khoản lợi nhuận 37,6 tỷ USD trong năm 2023. Mặc dù vẫn nhỏ hơn đáng kể so với con số 159,7 tỷ USD ghi nhận vào năm 2021, số lợi nhuận này đã đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ so với 2022, khi các nhà đầu tư lỗ 127,1 tỷ USD. 

 

Theo Chainalysis, mặc dù giá tiền mã hóa trong năm 2023 tăng nhanh tương tự như 2021 nhưng lợi nhuận lại không cao bằng bởi các nhà đầu tư đã không chốt lời, dựa trên kỳ vọng rằng giá sẽ tiếp tục đi lên. Trong năm 2023, giá bitcoin đã không vượt qua đỉnh lịch sử, khác với 2021. Phải đến 2024, đồng tiền này mới chính thức phá vỡ kỷ lục cũ. 

Ngoại trừ tháng 9 và tháng 8/2023, nhà đầu tư tiền số đều ghi nhận lợi nhuận trong cả năm 2023. Trong đó, lợi nhuận tháng 12/2023 là cao nhất, đạt 8,5 tỷ USD, trong bối cảnh thị trường ngày càng tin Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ chấp thuận các ETF bicoin giao ngay và triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất trở nên rõ ràng.

Giá bitcoin đã có sự điều chỉnh trong tháng 8 - 9, khiến nhà đầu tư bị lỗ. 

Những xu hướng tích cực trong năm 2023 tiếp tục được duy trì trong năm 2024. Bitcoin đã vượt qua đỉnh cũ và lên gần 74.000 USD trong bối cảnh ETF giao ngay được thông qua và nhà đầu tư tổ chức ngày càng quan tâm đến đồng tiền này. Ngay cả sau khi trải qua một đợt điều chỉnh, bitcoin vẫn tăng gần 62% so với đầu năm. 

Chainalysis dự báo nếu những xu hướng này tiếp tục duy trì trong năm nay, lợi nhuận của nhà đầu tư có thể tương tự như năm 2021. 

Phương pháp ước tính

Chainalysis sử dụng dữ liệu trên chuỗi khối để ước tính lợi nhuận dựa vào dòng chảy của tài sản mã hóa vào những dịch vụ chuyển đổi thành tiền pháp định (off-ramp). Công ty này đã đo lường nhóm tài sản chiếm khoảng 80% vốn hóa toàn thị trường, được giao dịch trên các sàn tập trung có tính năng chuyển đổi từ tiền mã hóa sang tiền pháp định. 

Sau đó, Chainalysis ước tính lợi nhuận của mỗi đồng tiền bằng cách lấy giá trị được quy đổi sang USD của số tiền được gửi lên sàn và số tiền được rút ra khỏi sàn. Bởi vậy, số liệu trong nghiên cứu này là lợi nhuận thực hiện (số tiền đã chốt lời), chứ không phải lợi nhuận chưa thực hiện (lợi nhuận trên giấy).

Một khi có được con số tổng hợp, Chainalysis phân bổ lợi nhuận cho từng quốc gia dựa trên lưu lượng truy cập của từng quốc gia trên từng dịch vụ, sàn giao dịch. 

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.