|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà đầu tư Thái Lan: Vào sâu, ở lâu, bám chặt

09:21 | 20/08/2017
Chia sẻ
Hiếm có nhà đầu tư nước ngoài nào lại vào sâu, ở lâu, bám chặt, tham gia nhiều lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam như nhà đầu tư Thái Lan, dù tổng vốn đầu tư từ quốc gia này đến nay không quá lớn, chỉ 8 tỷ USD.

Vào sâu, bám chặt vào nền kinh tế Việt Nam

Thái Lan là một trong những nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ khá sớm (năm 1992).

Ban đầu, vốn đầu tư từ Thái Lan vào Việt Nam không quá lớn, chỉ trên 50 triệu USD trong 2 năm đầu tiên. Nhưng kể từ năm 1995, khi Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN, vốn đầu tư từ khu vực này, trong đó có Thái Lan, dồn dập đổ vào Việt Nam. Đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan đã cam kết đầu tư vào Việt Nam 468 dự án, với tổng vốn đăng ký 8 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

nha dau tu thai lan vao sau o lau bam chat

Nhà đầu tư Central Thái Lan đã mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thụ điện máy Nguyễn Kim

8 tỷ USD không phải là con số quá lớn, ít nhất là so với các khoản đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, hay kể cả Hồng Kông, Malaysia..., nhưng hiếm có nhà đầu tư nào vào sâu và bám chặt vào nền kinh tế Việt Nam như nhà đầu tư Thái Lan. Có lẽ bởi vì, các nhà đầu tư Thái Lan đã rót vốn vào khá nhiều lĩnh vực kinh tế của Việt Nam, từ công nghiệp chế biến, đến nông nghiệp, bán buôn, bán lẻ...

Người Việt Nam cũng không quá khó để nhận ra vai trò của C.P đối với thị trường thức ăn chăn nuôi, thực phẩm của Việt Nam. Trứng gà, các sản phẩm gia cầm chế biến của C.P có mặt ở hầu khắp các cửa hàng, siêu thị lớn nhỏ ở Việt Nam.

Và cũng không quá khó để biết rằng, Tập đoàn SCG của Thái Lan đã hiện diện sâu rộng trong các ngành kinh tế của Việt Nam như thế nào. SCG đã có 22 công ty hoạt động tại Việt Nam, với doanh thu bán hàng trong nửa đầu năm 2017 vừa được ông Roongrote Rangiyopash, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn SCG công bố ở mức 12.300 tỷ đồng (tương đương 532 triệu USD), tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Cách đây 4 năm, SCG đã mua Prime Group và đầu năm nay, tập đoàn này lại mua 100% cổ phần (tương đương 156 triệu USD) của Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM), đồng thời chính thức thông qua khoản đầu tư lên tới 71% cổ phần tại Tổ hợp Lọc hóa dầu Long Sơn (LSP), có vốn đầu tư dự kiến lên tới 5,4 tỷ USD.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng kinh doanh tại thị trường ASEAN, đặc biệt là Việt Nam”, ông Roongrote Rangiyopash cho biết.

Ngoài các tên tuổi lớn kể trên, không thể không nhắc tới các thương vụ M&A “khủng” mà các đại gia Thái Lan đã thực hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Từ chuyện Berli Jucker mua 64,55% cổ phần của Phú Thái Group, rồi mua lại hệ thống Metro Cash & Carry Việt Nam từ Tập đoàn Metro của Đức, với trị giá 655 triệu euro, đến chuyện Central mua lại Big C Việt Nam, cũng như mua lại 49% cổ phần của hệ thống siêu thụ điện máy Nguyễn Kim.

Ngoài ra, Central còn sở hữu chuỗi siêu thị Lan Chi và tập đoàn quản lý khách sạn nghỉ dưỡng Centara.

Còn BJC muốn tham gia lĩnh vực bia, nước giải khát khi từng đánh tiếng mua 40% cổ phần của Sabeco thông qua ThaiBev...

Như vậy, sau hơn 25 năm có mặt tại Việt Nam, người Thái đã âm thầm thâu tóm BigC, Metro, Nguyễn Kim, Vinamilk, Prime... Chuỗi cửa hàng bán buôn, bán lẻ của người Thái đã trải rộng khắp Việt Nam. Hiếm có nhà đầu tư nước ngoài nào tại Việt Nam làm được như vậy.

Vừa là đối tác, vừa là đối thủ cạnh tranh

Với quy mô đầu tư khá lớn, có thể nói, Thái Lan là đối tác đầu tư hàng đầu của Việt Nam. Trong khi đó, trong ASEAN, Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác xuất khẩu lớn thứ hai của Thái Lan, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 12,5 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan đạt 3,7 tỷ USD. Riêng nửa đầu năm nay, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt gần 7 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai bên đặt mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD vào năm 2020.

Tuy nhiên, Việt Nam và Thái Lan còn là những “đối thủ” trực diện trong cả cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu hàng hóa. Có khá nhiều mặt hàng xuất khẩu của Thái Lan tương đồng với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, gạo là một trong những mặt hàng điển hình.

Còn về thu hút đầu tư, lâu nay, Thái Lan vẫn là một địa điểm đầu tư hàng đầu trong khu vực và Việt Nam đang phải cạnh tranh trực tiếp với thị trường này, đặc biệt là đầu tư từ Nhật Bản. Trong khi Việt Nam đang rất “ngóng trông” dòng vốn lớn từ Nhật Bản, thì thực tế, số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Thái Lan gấp tới 4 - 5 lần số lượng công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam.

Những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản, trong đó có LG, đã quyết định chuyển cứ điểm sản xuất từ Thái Lan sang Việt Nam. Theo như báo cáo vừa được Hãng kiểm toán PwC công bố, Việt Nam đã vượt cả Thái Lan và Malaysia về chỉ số đầu tư FDI mới. Thậm chí, PwC còn cho rằng, vượt Thái Lan và Malaysia, Việt Nam đang ở ‘điểm bùng phát’ trong tiến trình phát triển, nhờ hàng loạt hiệp định thương mại được ký kết và môi trường kinh doanh ngày càng tự do, thông thoáng.

Tuy vậy, để thu hút đầu tư nhiều hơn nữa của Thái Lan, cũng như cạnh tranh được với đối thủ Thái Lan, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nguyên Đức