|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư nước ngoài theo chân Warren Buffett đổ xô tới Nhật Bản

08:49 | 20/10/2020
Chia sẻ
Thủ tướng mới đắc cử Yoshihide Suga và tỉ phú Warren Buffett – người đặt cược 6 tỉ USD vào doanh nghiệp Nhật Bản - đang làm thay đổi cách nhà đầu tư nước ngoài đánh giá đất nước mặt trời mọc.
Nhà đầu tư nước ngoài theo chân Warren Buffett đổ xô tới Nhật Bản - Ảnh 1.

Tỉ phú Warren Buffett. (Nguồn: Ryan Inzana/Barron's)

Nhà đầu tư nước ngoài cuối cùng cũng quay trở lại với cổ phiếu Nhật Bản. Theo Bloomberg, việc Nhật Bản có được sự chú ý mới của giới đầu tư là nhờ vào thành công trong việc đối phó với đại dịch và hai người đàn ông: Tân thủ tướng Suga và tỉ phú Warren Buffett. 

Theo dữ liệu mới nhất, khối ngoại mua 1.420 tỉ yen (13,5 tỉ USD) cổ phiếu Nhật Bản trong tuần kết thúc ngày 9/10. Đây là số tiền lớn nhất Nhật Bản thu hút được từ khối ngoại trong một tuần trong hơn 18 tháng qua và là con số lớn thứ 5 từng được ghi nhận. Tuần trước đó, khối ngoại mua ròng 530,9 tỉ yen (5 tỉ USD), đánh dấu sự thay đổi đối với một thị trường bị xa lánh từ lâu.

Ông Thomas Hayes, Chủ tịch công ty quản lí cổ phiếu Great Hill Capital cho biết: "Việc ông Suga lên làm thủ tướng cho chúng tôi biết rằng nếu trước đây bạn thích cổ phiếu Nhật Bản, thì bây giờ bạn sẽ yêu chúng".

"Nếu bạn không thích cổ phiếu Nhật Bản trước khi Warren Buffett tiết lộ các khoản đầu tư của ông ấy, thì giờ đây bạn cũng phải xem xét lại. Nếu bạn không quan sát toàn thị trường Nhật Bản, thì ít ra cũng phải nhìn vào các công ty thương mại".

Nhà đầu tư nước ngoài theo chân Warren Buffett đổ xô tới Nhật Bản - Ảnh 2.

Cuối tháng 8, Warren Buffett tiết lộ khoản đầu tư tỉ USD vào 5 tập đoàn thương mại hàng đầu của Nhật Bản, tất cả đều có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách. Thương vụ này không chỉ đáng chú ý vì nó là một chuyến mạo hiểm ra nước ngoài hiếm có đối với "nhà hiền triết xứ Omaha" mà còn cho thấy thị trường mà ông từng không thích đã thay đổi nhiều như thế nào.

Trong bài phát biểu năm 1998, Warren Buffett chê bai chỉ số ROE thấp của doanh nghiệp Nhật Bản và sự thờ ơ của giới quản lí với cổ đông. Người tiền nhiệm của ông Suga - cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã thay đổi cả hai yếu tố này.

Ông Nick Schmitz, Giám đốc danh mục đầu tư Nhật Bản tại Verdad Advisers cho biết: "Động thái của Warren Buffett là một tín hiệu mạnh mẽ cho nhiều nhà đầu tư phương Tây, đặc biệt là các nhà đầu tư giá trị, rằng Nhật Bản có khả năng là một trong những thị trường giá rẻ nhất".

Chứng khoán Nhật Bản đang giao dịch ở mức giá gấp 17 lần EPS dự báo, con số này của S&P 500 là 22 lần.

Ông Suga là "người của công chúng" từ chính quyền trước nên ông không hẳn là một gương mặt mới mẻ. Nhưng chỉ một tháng sau khi nhậm chức, ông đã đạt được tiến bộ trong các cam kết quan trọng. Khác với ông Abe, ông Suga tập trung vào các mục tiêu cải cách nhỏ hơn và dễ đạt được.

Một trong những mục tiêu nổi bật nhất là "chuyển đổi kĩ thuật số", một cuộc cải cách đáng kể khu vực công kém hiệu quả của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đang thành lập một "Cơ quan Kĩ thuật số", hoạt động theo khẩu hiệu "Chính phủ là một Công ty khởi nghiệp" để thể hiện cách tiếp cận nhanh chóng của mình.

Trong khi giới chính trị gia Mỹ cãi cọ về gói cứu trợ, ông Suga đang mạnh mẽ tiến lên phía trước, các nhà lập pháp được cho là đã yêu cầu gói kích thích 40 nghìn tỉ yên (380 tỉ USD).

Ông John Vail, Giám đốc chiến lược toàn cầu tại Nikko Asset Management nhận xét: "Nhà đầu tư nước ngoài nghĩ rằng sự ổn định ở Nhật Bản nghĩa là không có tiến bộ và điều đó thật sai lầm. Tất cả mục tiêu của ông Suga dường như rất đúng hướng."

Định kiến

Báo cáo ngày 6/10 của Goldman Sachs viết rằng cổ phiếu Nhật Bản có thể trở nên vượt trội nhờ vào một số yếu tố kết hợp: hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thấp cổ phiếu Nhật Bản và sự chuyển dịch toàn cầu tới cổ phiếu giá trị.

Tuy nhiên, thị trường Nhật Bản vẫn còn các vật cản. Thanh khoản của nhiều công ty vốn hóa nhỏ vẫn thấp. Bất kì nhà đầu tư nào cân nhắc xuống tiền cũng phải vượt qua định kiến từ lâu. Giám đốc Schmitz nói: "Bất kì ai trong độ tuổi 30 đến 60 thường đánh đồng cổ phiếu Nhật Bản với bong bóng 1989".

Xu hướng tăng giá cổ phiếu của các công ty thương mại Nhật Bản được châm ngòi bởi khoản đầu tư của Warren Buffett đã tắt dần, do thiếu chất xúc tác mới và sự suy giảm của thị trường hàng hóa.

Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài có thể thấy rằng đến một lúc nào đó, chứng khoán Nhật Bản sẽ khó bị bỏ qua. Hôm 7/10, chuyên gia đầu tư Tomo Kinoshita của Invesco Asset Management cho biết chứng khoán tăng hàng tuần trong tháng trước, ngay cả khi khối ngoại bán ra. Dấu hiệu này cho thấy các nhà đầu tư trong nước kì vọng mạnh mẽ vào chính quyền ông Suga.

Ông John Vail, trưởng chiến lược gia toàn cầu tại Nikko Asset Management nhận xét: "Có lẽ lợi ích lớn nhất từ khoản đầu tư của Warren Buffett sẽ là ấn tượng lên các nhà đầu tư trong nước. Thị trường Nhật Bản không nhất thiết phải có nhà đầu tư nước ngoài mới tăng điểm được".

Giang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.