|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư nhỏ lẻ Trung Quốc nếm trái đắng vì rót tiền vào tài sản này

08:21 | 25/10/2024
Chia sẻ
Số vụ vỡ nợ trong một góc khuất của thị trường nợ Trung Quốc đã vọt lên mức cao kỷ lục, khiến các nhà đầu tư đứng ngồi không yên vì nhiều người tin tưởng các chứng khoán này được chính phủ bảo lãnh ngầm.

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

Năm ngoái, chính quyền trung ương Trung Quốc đã hành động khi một làn sóng nợ xấu bùng nổ. Nợ xấu này có liên quan đến các sản phẩm đầu tư do đơn vị tài chính của các chính quyền địa phương (LGFV) phát hành.

Theo đó, Bắc Kinh đã cho phép các chính quyền địa phương huy động khoảng 2.200 tỷ nhân dân tệ (tương đương 309 tỷ USD) trái phiếu mới để trả nợ cho các trái chủ và ra lệnh cho các ngân hàng nhà nước hỗ trợ tái cấp vốn.

Các biện pháp trên đẩy chi phí đi vay xuống mức thấp kỷ lục và nhà đầu tư đổ xô trở lại thị trường gom mua trái phiếu. Song, có một phân khúc không thể gượng dậy được.

Số vụ vỡ nợ của các sản phẩm dưới chuẩn và không được giao dịch công khai đã tăng vọt lên mức kỷ lục. Mặc dù không có số liệu chính thức về quy mô vỡ nợ, các nhà phân tích ước tính con số sẽ vào khoảng 800 tỷ USD.

Các vụ vỡ nợ này khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ phải trả giá đắt, hãng tin Bloomberg cho hay.

Hãy lấy bà Lulu Fang làm ví dụ. Người phụ nữ 60 tuổi, chủ một công ty thương mại nhỏ, cho biết bà đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời là 15 triệu nhân dân tệ khi mua sản phẩm tín thác có liên quan đến chính quyền tỉnh Quý Châu.

Fang hy vọng có thể kiếm lợi nhuận ổn định khoảng 8% từ khoản đầu tư, cao hơn nhiều so với khi gửi tiền vào ngân hàng. Trái với kỳ vọng, khoản đầu tư của bà bị xoá sổ khi sản phẩm này vỡ nợ vào năm ngoái.

Đối mặt với nguy cơ bị tịch thu căn hộ ở Thâm Quyến do không trả được nợ vay mua nhà, bà Fang đã cùng hơn 100 nhà đầu tư khác nhiều lần đến các quỹ tín thác và văn phòng chính quyền địa phương để yêu cầu được trả nợ.

“Cuộc sống của tôi hiện đang rất hỗn loạn. Tôi đã làm lụng cả đời và dồn hết số tiền tiết kiệm để nghỉ hưu vào các sản phẩm này. Người ta bảo tôi rằng chúng an toàn. Nhưng đó chỉ là lời nói dối”, bà chia sẻ.

Các địa phương trên khắp Trung Quốc sử dụng LGFV để tài trợ cho các dự án hạ tầng. Tuy nhiên, các dự án do LGFV tài trợ không nhất thiết phải kiếm được tiền. Điều đó khiến chúng phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ chính quyền.

Các LGFV chuyển sang phát hành những sản phẩm dưới chuẩn vì nhiều chính quyền địa phương ngày càng thiếu tiền mặt vì nền kinh tế giảm tốc và doanh số bán đất giảm mạnh.

Các cơ quan quản lý đã siết chặt hạn chế đối với hoạt động phát hành trái phiếu của LGFV, buộc họ phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Các LGFV thường trả lãi suất 7 - 8% cho những sản phẩm dưới chuẩn, trong khi cho các lô trái phiếu giao dịch công khai là khoảng 3%.

 

Trong 9 tháng đầu năm nay, 60 sản phẩm dưới chuẩn liên quan đến LGFV đã vỡ nợ hoặc cảnh báo rủi ro trả nợ, theo Financial China Information & Technology (FCI&T). Con số này tăng 20% so với cùng kỳ và là mức cao nhất kể từ năm 2019.

Các bên phát hành nợ thường không tiết lộ số liệu. Trong 60 trường hợp mà FCI&T thống kê trong năm nay, 40 sản phẩm không đưa ra bất kỳ thông tin nào. 20 sản phẩm còn lại vỡ nợ hoặc cảnh báo về rủi ro trả nợ với tổng giá trị khoảng 4,55 tỷ nhân dân tệ.

Tình hình hoàn toàn trái ngược với các trái phiếu giao dịch công khai do LGFV phát hành. Chính quyền địa phương thường ưu tiên các chứng khoán nợ này và các nhà đầu tư tổ chức cũng ưa chuộng chúng. Cho đến nay, chúng chưa bao giờ xảy ra tình trạng vỡ nợ.

Vì các sản phẩm dưới chuẩn thường được bán cho nhà đầu tư thông qua các đợt chào bán riêng lẻ nên chính quyền địa phương không có nhiều động lực để giúp đỡ những người như bà Fang.

Dù vậy, các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn còn một ít tia hy vọng. Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, chính quyền trung ương đang xem xét cho phép các chính quyền địa phương phát hành tới 6.000 tỷ nhân dân tệ trái phiếu cho đến năm 2027 để tái cấp vốn cho các khoản nợ nằm ngoài bảng cân đối kế toán.

Nếu Bắc Kinh xúc tiến kế hoạch trên, có khả năng các LGFV sẽ mở rộng hỗ trợ cho những sản phẩm dưới chuẩn. Song, chưa chắc chính quyền trung ương sẽ hành động và một số nhà phân tích vẫn nghi ngờ về khả năng đó.

Ông Wang Chen, đồng sáng lập của nền tảng Belt & Road Origin Tech, nhận định: “Nếu Bắc Kinh thực sự giúp các chính quyền địa phương giảm nợ ẩn, các địa phương vẫn sẽ ưu tiên trái phiếu LGFV hơn là các sản phẩm dưới chuẩn”.

“Tác động của kế hoạch mới đối với thị trường nợ dưới chuẩn sẽ phụ thuộc vào quy mô thực tế của các chính sách hỗ trợ và cách chính phủ phân bổ nguồn lực giữa các khu vực và tổ chức khác nhau”, ông Chen nói thêm.

 

 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê