|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư ngoại trong giai đoạn hái quả ngọt ETF

10:30 | 24/11/2023
Chia sẻ
Cổ phiếu Việt Nam đang chịu áp lực bán lớn từ khối ngoại, trong khi đó dòng tiền giải ngân thông qua ETF đang có sự phân hóa rõ nét. Kịch bản đối lập dòng tiền giữa hai nhóm ETF nội ngoại từng diễn ra trong lịch sử.

Về tổng quan, dòng tiền vào các quỹ ETF hoạt động tại Việt Nam phân hóa khi nhiều tổ chức ngoại huy động được vốn, đơn cử như VanEch Vectors Vietnam (VNM ETF), FTSE Vietnam, Fubon FTSE Vietnam. Tổng hợp lại, dòng tiền ETF vào Việt Nam kể từ đầu năm 2023 ở mức dương.

Trong lịch sử, thị trường cũng từng chứng khiến sự lệch pha như giai đoạn hiện tại. Đơn cử như quý đầu năm 2020, VNM ETF, FTSE Vietnam và Premia MSCI Vietnam rút ròng 47,4 triệu USD trong khi các quỹ nội mới ra mắt tham chiều rổ VN Diamond, VNFin Lead hút dòng tiền.

Dòng tiền ngắn hạn của các quỹ ETF có thể xuất phát từ chiến lược giao dịch của nhà đầu tư ngoại. Việc ra đời ETF dựa trên rổ VN Diamond, VNFin Lead đã giải quyết câu chuyện bài toán hết room ở một số cổ phiếu như ngân hàng, bán lẻ hay chiến lược rót vốn vào rổ phản ánh ngành tiềm năng của Việt Nam thay vì dàn trải trên diện rộng (VN30, VN100, VNMIDCAP). Chẳng hạn như VNFin Lead đại diện cho ngành tài chính, bao gồm: ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Với hiệu quả đầu tư ấn tượng trong năm 2023, việc hiện thực hóa thành quả của nhà đầu tư cũng là điều có thể kỳ vọng.Những nhà đầu tư lớn trên thị trường luôn tìm kiếm những thời điểm phù hợp để tiếp tục giải ngân trở lại.

Ở thời điểm hiện tại, sự phân hóa của dòng tiền từ ETF đặt trong bối cảnh các quỹ đang có sự chênh lệnh đáng kể về tỷ suất lợi nhuận đầu tư. Thống kê cập nhật tại ngày 20/11, SSIAM VNFin Lead ETF có hiệu suất cao nhất trong nhóm quỹ thụ động trên thị trường, với hiệu suất 27,94%.

Việc phân bổ tỷ trọng cao hai nhóm cổ phiếu giao dịch tích cực kể từ đầu năm là chứng khoán và ngân hàng giúp SSIAM VNFin Lead ETF có tỷ suất chênh lệch lớn so với những quỹ khác và có phần chênh nhẹ so với chỉ số tham chiếu VNFin Lead.

Theo sau đó là DCVFMVNMIDCAP với tỷ suất lợi nhuận 27,74%, nhưng quy mô ETF nội này chỉ bằng 6% quỹ có hiệu suất tốt nhất thị trường. Đối lập với hai thế hệ quỹ thụ động DCVFMVN Diamond và DCVFMVN30, Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam không huy động được vốn lớn cho quỹ tham chiếu rổ VNMIDCAP.

Các ETF nội khác có hiệu suất 11 – 16% kể từ đầu năm như DCVFMVN30, DCVFM VN Diamond hay VinaCaptial VN100.

Trạng thái đối lập, những ETF ngoại có quy mô lớn, huy động vốn giải ngân vào Việt Nam nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp hơn 10% kể từ đầu năm như Fubon FTSE Vietnam, KIM KINDEX Vietnam VN30, iShare MSCI Frontier and Select EM, FTSE ETF và Premia MSCI Vietnam. VNM ETF có hiệu suất tốt nhất trong nhóm quỹ ngoại với 13,94% tại ngày 20/11.

So sánh hiệu suất với các quỹ đóng trên thị trường, những nhà đầu tư nắm giữ ETF (đặc biệt quỹ nội) có thành quả lớn hơn bởi có hiệu suất cao trong khi phải trả phí quản lý thấp.

 

Hiện tượng chốt lời một phần từng xuất hiện tại Fubon FTSE Vietnam trong tháng 8 và 9 vừa quay, nhưng dòng vốn sớm đảo chiều sau đó khi thị trường trở về vùng định giá hấp dẫn. Nhà đầu tư của DCVFMVN Diamond ETF từng có hành động tương tự vào quý III/2021 khi chứng khoán Việt Nam thăng hoa, liên tiếp lập đỉnh lịch sử.

Bình luận về triển vọng dòng tiền ETF vào Việt Nam, ông Nguyễn Kỳ Minh, Giám đốc Đầu tư SSIAM cho rằng đây là một sản phẩm được nhà đầu tư ngoại rất ưa thích do nhiều đặc điểm ưu việt hơn các sản phẩm truyền thống, như tính minh bạch, thanh khoản, đa dạng hóa danh mục.

Khi đầu tư vào ETF, các nhà đầu tư tập trung nhiều vào chiến lược mà ETF đó đại diện thông qua chỉ số mà ETF tham chiếu chiến lược đó còn hấp dẫn với nhà đầu tư. Với quỹ bám sát chiến lược, nhà đầu tư sẽ duy trì nắm giữ hoặc giải ngân. 

Góc độ từ một công quản lý quỹ có vận hành ETF nội, ông Minh cho biết nhà đầu tư mà SSIAM tiếp xúc hài lòng với hiệu suất của sản phẩm ETF và vẫn tin tưởng vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Việt Nam. Khối này đang chờ đợi thời điểm phù hợp để quay lại giải ngân khi các điều kiện thị trường đạt được kỳ vọng của họ.

Diễn biến phân hóa hiện tại xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư tại Hàn Quốc và Thái Lan. “Dù có biến động trong ngắn hạn, chúng tôi kỳ vọng nguồn vốn ngoại vào sản phẩm ETF sẽ trở lại khi những quan ngại hiện tại được làm rõ. Xu hướng dịch chuyển vào sản phẩm ETF không chỉ đến từ các nhà đầu tư ngoại mà sẽ còn dần dần đến từ các nhà đầu tư nội như đã diễn ra ở các thị trường đi trước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc các quốc gia Âu – Mỹ”, ông Minh nói.

Nhận định thêm về nhóm tài chính – ngân hàng, ông Minh đánh giá, tương tự diễn biến giai đoạn 2012, từ đầu năm 2023 đến nay cũng như trong quý 3, kết quả kinh doanh của ngành Ngân hàng nhìn chung chưa khả quan, khi (i) tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, (ii) NIM bị suy yếu, và (ii) trích lập dự phòng tăng. Mặc dù vậy, hệ thống ngân hàng đã có sự chuẩn bị đầy đủ hơn so với giai đoạn trước, và cơ quan quản lý cũng đã chủ động đưa ra các biện pháp khoanh vùng, giảm thiểu tác động dây chuyền nên so với giai đoạn trước tác động tiêu cực có phần nhẹ nhàng hơn.

Với việc các tổ chức tài chính ngân hàng tích cực chủ động tái cấu trúc từ cuối 2022, đối với 2024, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận của ngành Ngân hàng sẽ phục hồi trở lại hơn, ước tính ở 15 – 18% nhờ (i) tín dụng hồi phục, (ii) NIM được duy trì ổn định, và (iii) giảm trích lập dự phòng nhờ chất lượng tài sản cải thiện. Bên cạnh đó, việc phát hành tăng vốn của một số ngân hàng, nếu thành công, có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư đối với ngành Ngân hàng.” Ông Minh cho biết.

Bích Thu