Nhà đầu tư ngậm ngùi cắt lỗ nhiều bluechip dù VN-Index vượt 1.500 điểm ngay tuần đầu năm 2022
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có sự khởi đầu thuận lợi đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư và vượt đỉnh lịch sử nhờ hiệu ứng từ gói kích thích kinh tế mà chính phủ trình quốc hội trong phiên khai mạc ngày 4/1.
Tuy nhiên, áp lực chốt lời dâng cao cùng với xu hướng phân hóa mạnh mẽ khiến VN-Index chưa tạo được điểm nhấn trong các phiên giao dịch còn lại của tuần.
Chốt lại tuần giao dịch đầu tiên của năm 2022, VN-Index tăng 30,2 điểm (2,02%) chủ yếu nhờ sự hậu thuẫn của nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Dưới sức nóng của dòng tiền đầu cơ, VNMidcap và VNSmallcap vẫn tăng chưa thấy đỉnh. Trong khi đó, VN30-Index vẫn là nhân tố kìm hãm thị trường khi chỉ tăng duy nhất phiên đầu tuần và giảm liền 3 phiên sau đó.
Chỉ số rổ VN30 đóng cửa phiên cuối tuần tại 1.532,24 điểm, giảm nhẹ 0,2% so với tuần trước đó. Với những diễn biến gần đây, VN30-Index đã thu hẹp khoảng cách với VN-Index, hiện hai chỉ số này chỉ còn cách nhau chưa tới 4 điểm.
Theo nhận định của Chứng khoán BIDV trong những phiên tới, thị trường vẫn sẽ giằng co với sự phân hoá mạnh giữa các cổ phiếu, tuy nhiên có thể kỳ vọng mốc 1.550 điểm sẽ là điểm đến sắp tới của VN-Index khi thị trường tìm được tiếng nói chung.
NĐT mua cổ phiếu trụ phiên đầu năm ôm lỗ khi hàng về T3
Với diễn biến kém sắc của nhóm bluechips tuần qua, 2/3 cổ phiếu trong rổ VN30 giảm điểm trong tuần đầu giao dịch. Ước tính nếu mua vào cổ phiếu trụ trong phiên đầu năm (4/1), thì khi hàng về theo chu kỳ T+3 (7/1) chỉ có 10 mã "đem tiền về" cho nhà đầu tư.
Dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá, cổ phiếu VRE của Vincom Retail có thể giúp nhà đầu tư có lãi gần 11,6% chỉ trong 1 tuần. Tuần qua, VRE đã tăng 3/4 phiên, trong đó hai phiên (5 và 6/1) mã này tăng kịch biên độ với khối lượng dư mua hàng triệu đơn vị.
Trong báo cáo phân tích hồi tháng 12, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo lợi nhuận ròng (của cổ đông công ty mẹ) Vincom Retail có thể đạt 2.600 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 94% so với mức thấp của năm 2021. Nhân tố hỗ trợ là cả hoạt động cho thuê bán lẻ và bán bất động sản sẽ phục hồi khi dịch COVID-19 được khống chế.
Giữ vị trí thứ hai trong Top10 tăng giá, mã POW tăng 7,75% sau một tuần với 4/4 phiên tăng, trong đó có 1 phiên tăng trần. Cổ phiếu của PV Power bất ngờ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong khoảng 1 tháng trở lại đây với khối lượng giao dịch bình quân duy trì ở mức 30 - 40 triệu đơn vị/phiên. Kết phiên 7/1, thị giá POW lập đỉnh lịch sử mới tại 20.150 đồng/cp.
Theo quan sát, cổ phiếu POW bước vào giai đoạn thăng hoa trong bối cảnh lợi nhuận của doanh nghiệp này đi xuống trong năm 2021, đặc biệt kết quả kinh doanh giảm mạnh trong quý cuối năm.
Ban lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến lợi nhuận sau thuế năm 2021 của PV Power đạt 1.917 tỷ đồng, giảm 28% so với năm ngoái. Tính riêng quý IV, PV Power đã lỗ 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 1.006 tỷ đồng. Doanh thu năm 2021 của PV Power ước đạt 25.100 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch năm và giảm 15,5% so với năm 2020.
Danh mục cổ phiếu trụ tăng giá trong tuần còn có sự góp mặt của GAS (+5,5%), BID (+4,81%), KDH (+4,04%), GVR (+2,39%), VCB (+1,01%) và PLX (+0,72%).
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MSN là mã giảm mạnh nhất rổ VN30 tuần vừa qua với tỷ lệ mất giá lên tới 9,41%, bỏ xa mã đứng thứ hai là CTG với 4,46%. Cổ phiếu của Tập đoàn Masan cũng là mã ảnh hưởng tiêu cực nhất lên VN-Index, giao dịch kém sắc của MSN diễn ra trong bối cảnh khối ngoại liên tục bán ròng với tổng giá trị rút ròng cả tuần lên tới hơn 395 tỷ đồng.
Thị trường chứng khoán trước kỳ nghỉ lễ xuất hiện tín hiệu tích cực từ nhóm cổ phiếu ngân hàng với các điểm sáng như BID, VIB, CTG, TPB… Nhóm cổ phiếu của các nhà băng đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ với 9/10 cổ phiếu ảnh hưởng tích cực đến chỉ số. Sau nhiều lần "break" không thành công, chuyển động tích cực của nhóm cổ phiếu nhà băng trong tuần cuối cùng của năm 2021 mở ra kỳ vọng nhóm này sẽ chấm dứt chuỗi điều chỉnh ngắn hạn để lấy lại xung lực tăng, từ đó đưa VN-Index chinh phục các đỉnh cao mới.
Tuy nhiên, tuần đầu tiên của năm 2022 lại không mấy thuận lợi với nhóm cổ phiếu "vua", đặc biệt là các mã trong rổ VN30. Ngoại trừ BID và VCB tăng giá, loạt cổ phiếu ngân hàng đã "mang lại ưu phiền" cho nhà đầu tư khi hàng về T3 như CTG, TPB, VPB, ACB, TCB, HDB, STB...
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/