|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư nên làm gì trong bối cạnh kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy thoái?

11:34 | 09/11/2022
Chia sẻ
Theo góc nhìn của chuyên gia, mức định giá của thị trường Việt Nam tương đối thấp so với trung bình. Theo như thống kê thường ở vùng định giá này, nhà đầu tư dài hạn khoảng 2 đến 3 năm trở lên sẽ thu được mức lợi nhuận tương đối tốt. Ngược lại, không đảm bảo được rằng sẽ không có những biến động trong ngắn hạn

 (Ảnh chụp màn hình).

Nền kinh tế Việt Nam trong 3 quý đầu năm 2022 đều có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên thời điểm hết quý III thị trường bắt đầu chứng kiến lợi nhuận của các doanh nghiệp có dấu hiệu bị suy giảm so với hai quý trước. Như vậy có thể thấy những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu đang dần tác động đến kinh tế trong nước.

Hiện nay ở một số nền kinh tế lớn trên thế giới đã và đang có dấu hiệu suy thoái, câu hỏi đặt ra là kinh tế Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ra sao?

Chia sẻ trong Talkshow “Phố Tài chính”, ông Trần Thăng Long Giám đốc Phân tích CTCK BIDV (BSC) cho biết các quốc gia khu vực Đông Nam Á và ở châu Á nói chung có mức mất giá so với USD rơi vào tầm 15 – 20% và cá biệt như Nhật Bản đã lên đến 30%. Do vậy mức ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước cũng như việc nhập khẩu lạm phát ở các quốc gia này đã khá cao.

Một yếu tố quan trọng nữa là vốn đầu tư trên thị trường có xu hướng rút về những quốc gia phát triển, tập trung về phía Hoa Kỳ và khiến cho chỉ số chứng khoán của rất nhiều thị trường có mức suy giảm khá lớn chứ không riêng ở Việt Nam.

Chuyên gia đánh giá Việt Nam đang làm tương đối tốt so với các quốc gia khác. Tuy nhiên những điều chỉnh trong thời gian gần đây của chính sách cũng bắt đầu thấm vào doanh nghiệp. Chi phí tài chính của họ gia tăng, thanh khoản của họ bị suy giảm đi và khó khăn hơn để tiếp cận được với vốn. Nhìn về dài hạn việc chuyển đổi đang diễn ra từ chính tự lực của doanh nghiệp, đồng thời điều này cũng cần có thời gian cũng như hỗ trợ về định hướng, chính sách từ phía các cơ quan quản lý của Nhà nước.

Với thị trường chứng khoán, trong thời gian vừa rồi thị trường bắt đầu chiết khấu những rủi ro liên quan đến việc suy thoái. 9 tháng qua, các thị trường gần như biến động đồng pha, chỉ số chính VN-Index của Việt Nam đã giảm rất mạnh khoảng 29%, Hàn Quốc cũng giảm khoảng 25 – 26%, ở Hoa Kỳ các chỉ số chính cũng giảm khoảng 23%.

“Mức định giá của thị trường Việt Nam tương đối thấp so với trung bình. Theo như thống kê thường ở vùng định giá này, nhà đầu tư dài hạn khoảng 2 đến 3 năm trở lên sẽ thu được mức lợi nhuận tương đối tốt. Ngược lại, không đảm bảo được rằng sẽ không có những biến động trong ngắn hạn”, ông Long khẳng định.

Còn theo quan điểm Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, Nguyên Viện phó Viện Quản lý giá, Bộ Tài chính, thị trường nhiều thời điểm không phản ánh được mức độ lạc quan thậm chí phát triển rất tốt của nền kinh tế và ngược lại.

Bên cạnh đó, tâm lý đám đông của các nhà đầu tư khá rõ rệt và tác động của một số nhóm - thường được gọi là "đội lái" trên thị trường chứng khoán luôn khuếch đại những lạc hướng trên thị trường, nhất là trong bối cảnh tâm lý đám đông này không dựa trên những căn cứ hay cơ sở phân tích một cách khoa học mà chủ yếu dựa vào các tin đồn.

Do đó, chuyên gia khuyến nghị trong bối cảnh vĩ mô diễn biến phức tạp và xuất hiện nhiều yếu tố bất định, nhà đầu tư nên nâng cao năng lực cũng như trình độ, đối mặt với câu chuyện cả lúc thị trường tốt và xấu.

Lời khuyên trong thời điểm này vẫn là nên thận trọng, các quyết định đầu tư phụ thuộc vào khả năng chịu đựng rủi ro cũng như khung thời gian đầu tư của mỗi người.

"Giai đoạn hiện tại vẫn là giai đoạn có các biến động rất lớn trong thị trường tài chính, cho nên các nhà đầu tư vẫn phải hết sức cảnh giác và giữ một tâm thế thận trọng, có thể duy trì đầu tư ở mức độ vừa phải để kiểm soát rủi ro", chuyên gia khẳng định.

Thu Thảo