|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Vì sao CTCK cắt margin PDR dù HOSE vẫn giữ trong danh sách đủ điều kiện?

07:40 | 09/11/2022
Chia sẻ
Cùng với việc bán giải chấp cổ phiếu PDR tài khoản của ông Nguyễn Văn Đạt và công ty liên quan, các công ty chứng khoán cắt margin mã này khiến nhà đầu tư cũng phải bán ra.

Trong những ngày gần đây, nhiều công ty chứng khoán ra thông báo cắt margin cổ phiếu PDR của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt. Trong đó có những công ty chứng khoán đang có dư nợ margin lớn trên thị trường như KB Việt Nam, SHS, BSC, Phú Hưng... Một số đơn vị khác thông báo giảm tỷ lệ cho vay margin với cổ phiếu này.

Thông báo từ các công ty chứng khoán cắt giảm margin với cổ phiếu PDR đưa ra trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sâu trong 1 tháng trở lại đây. Đà giảm giá khiến ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Phát Đạt và công ty liên quan bị Chứng khoán Tân Việt bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu trong tài khoản.

Ghi nhận từ phiên 19/10, cổ phiếu PDR có 15 phiên giảm giá liên tiếp, trong đó có ba phiên giảm sàn gần đây. Trong 3 phiên 4 - 8/11, mã này mất thanh khoản khi khối lượng khớp lệnh chỉ đạt vài trăm nghìn đơn vị trong khi lệnh đặt bán giá sàn hàng chục triệu cổ phiếu.

Bên cạnh lệnh bán giải chấp từ các công ty chứng khoán, việc cắt giảm tỷ lệ cho vay margin với mã này cũng gia tăng áp lực bán ra với những nhà đầu tư cá nhân. Những nhà đầu tư phải bán ra để đưa tỷ lệ ký quỹ theo đúng quy định. Đồng thời, động thái này cũng giảm sức mua của các tài khoản trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường có dấu hiệu cạn dần.

 Diễn biến giá cổ phiếu PDR. Nguồn: TradingView.

Theo tìm hiểu, việc cắt giảm margin với cổ phiếu PDR liên quan đến chính sách quản trị rủi ro của các công ty chứng khoán. Cổ phiếu PDR vẫn đang nằm trong danh sách đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) công bố.

Cập nhật tại ngày 7/11, danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trên HOSE gồm 65 mã chứng khoán trong đó có nhiều cái tên quen thuộc trên thị trường như HAG, FLC, HNG, PVD.

Những lý do khiến cổ phiếu không được cấp margin trên HOSE là thời gian niêm yết dưới 06 tháng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên BCTC hợp nhất, soát xét 6 tháng năm 2022 là số âm, chứng khoán thuộc diện kiểm soát, chứng khoán thuộc diện cảnh báo, hay kết luận của cơ quan thuế về việc công yt vi phạm pháp luật về thuế. Cổ phiếu Phát Đạt không nằm trong nhóm trên.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, PDR ghi nhận tổng doanh thu 1.490 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ và ghi nhận 1.400 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 26%.Lũy kế trong 6 tháng đầu năm, Phát Đạt đạt 1.479 tỷ đồng doanh thu thuần và 695 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 31,6% và 38,2% so với cùng kỳ.

Điểm quan tâm trên báo cáo tài chính của Phát Đạt là dòng tiền.Do vẫn chưa thu được tiền từ hoạt động chuyển nhượng cổ phần, lượng tiền của Phát Đạt đã giảm sâu xuống mức 51 tỷ đồng so với con số gần 600 tỷ đồng từ cuối quý II.

Tại thời điểm cuối tháng 9, tổng tài sản của Phát Đạt ghi nhận mức 25.797 tỷ đồng, tăng thêm 5.246 tỷ đồng so với hồi đầu năm - phần lớn đến từ các khoản phải thu ngắn hạn tại nhóm công ty liên quan đến CTCP Đầu tư Danh Khôi Holding.

Thông tin thêm, ngoài việc bị công ty chứng khoán bán giải chấp, Phát Đạt phải bổ sung tài sản đảm bảo là cổ phiếu PDR từ tài khoản của bên ông Nguyễn Văn Đạt và Công ty TNHH Phát Đạt Holdings cho các lô trái phiếu riêng lẻ mà công ty phát hành.

Theo điều khoản phát hành trái phiếu, tổng giá trị tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu của Phát Đạt không thấp hơn 270% tổng giá trị mệnh giá trái phiếu đang lưu hành.

Đơn cử như lô trái phiếu phát hành giữa tháng 11/2021 với giá trị 200 tỷ đồng. Tổng giá trị tài sản đảm bảo phải đạt tối thiểu 540 tỷ đồng, tương đương hơn 16,6 triệu cổ phiếu PDR nếu tính thị giá hiện tại là 32.500 đồng/cp. Đồng nghĩa rằng khi giá cổ phiếu giảm sâu, Chủ tịch Phát Đạt và Phát Đạt Holdings phải bổ sung lượng cổ phiếu để đảm bảo.

Lợi Hoàng