|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhà đầu tư Mỹ muốn mua ngân hàng lâu đời nhất thế giới nhưng bị chê non kinh nghiệm, thiếu tiền

12:24 | 19/03/2021
Chia sẻ
Các quan chức Italy đã cố tìm người mua ngân hàng Banca Monte dei Paschi di Siena trong suốt nhiều năm, nhưng lời đề nghị trị giá hàng tỷ USD của các nhà đầu tư Mỹ lại bị phớt lờ và giấu nhẹm.
Nhà đầu tư Mỹ muốn mua ngân hàng lâu đời nhất thế giới nhưng bị chê thiếu kinh nghiệm - Ảnh 1.

Trụ sở chính của Monte Paschi ở Siena. (Ảnh: Bloomberg)

Nguồn tin của Bloomberg cho biết từ nửa cuối năm 2020, một nhóm nhà đầu tư Mỹ đã cố gắng thuyết phục giới chức trách Italy đồng thuận với kế hoạch trị giá 4 tỷ euro (4,8 tỷ USD) nhằm sử dụng tên tuổi của ngân hàng lâu đời nhất thế giới Monte Paschi để xây dựng việc kinh doanh với người Italy ở nước ngoài. 

Dẫn đầu những nhà đầu tư này là cựu hạ nghị sĩ Norman D. Dicks. Phía Mỹ đề xuất trả 900 triệu euro (gần 1,1 tỷ USD) cho cổ phần của chính phủ Italy ở Monte Paschi cũng như các cam kết bổ sung để đáp ứng nhu cầu vốn của ngân hàng.

Kế hoạch của các nhà đầu tư Mỹ đi ngược lại với nỗ lực của chính phủ Italy nhằm dàn xếp cho ngân hàng lớn thứ hai của nước này là UniCredit SpA tiếp quản Monte Paschi.

Một số quan chức Italy giấu tên khẳng định lời đề nghị từ các nhà đầu tư Mỹ sẽ không được phê chuẩn vì nhóm này không có kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng và năng lực tài chính cũng không đáng tin cậy.

Những người thân cận với kế hoạch cũng xác nhận rằng các luật sư tại Italy của nhóm nhà đầu tư Mỹ gặp rất nhiều khó khăn để chứng minh thân chủ của họ có tiền để hoàn thành thỏa thuận.

Ngân hàng Monte Paschi từ lâu đã là gánh nặng đối với chính phủ Italy. Việc Italy không giải quyết được Monte Paschi đã trở thành biểu tượng của những khó khăn trong công cuộc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng. Italy đã cam kết với Liên minh châu Âu là sẽ bán được ngân hàng này vào cuối năm nay.

Nhà đầu tư Mỹ muốn mua ngân hàng lâu đời nhất thế giới nhưng bị chê thiếu kinh nghiệm - Ảnh 2.

Cựu nghị sĩ Norman D. Dicks, người dẫn đầu kế hoạch mua lại ngân hàng Monte Paschi của nhóm nhà đầu tư Mỹ. (Ảnh: Getty Images).

Trước khi ông Dicks xuất hiện và trước khi chính phủ của cựu Thủ tướng Giuseppe Conte tan rã vào tháng 1, Bộ Tài chính Italy đã cố gắng thuyết phục UniCredit mua lại Monte Paschi.

Monte Paschi lâm vào cảnh khó khăn sau khủng hoảng tài chính 2008. Sau hai lần được nhà nước giải cứu và tiêu tốn hơn 8 tỷ euro tiền thuế của dân, ngân hàng này vẫn chưa có lãi trở lại.

Ngược lại, UniCredit là trụ cột của hệ thống tài chính Italy với tài sản hơn 900 tỷ euro (1.075 tỷ USD) và 80.000 nhân viên. UniCredit được coi là lựa chọn duy nhất của những người trong giới chính trị.

Nhóm nhà đầu tư Mỹ bắt đầu đánh tiếng về ý định của mình vào mùa thu năm 2020. Trong khi đó tại Rome, Bộ Tài chính Italy bắt đầu tìm cách thuyết phục UniCredit với các khoản miễn giảm thuế trị giá hàng tỷ euro.

Ngân sách năm 2021 của Italy bao gồm các khoản giảm thuế trị giá khoảng 3 tỷ euro cho bất kỳ bên nào mua lại Monte Paschi. Chính phủ Italy cũng đồng ý trang trải 10 tỷ euro nợ của Monte Paschi và chuyển khoảng 15 tỷ euro nợ khó đòi sang một ngân hàng tồi.

Một quan chức Bộ Tài chính Italy cho biết gói ưu đãi này được thiết kế để trở nên hấp dẫn đến mức bất kỳ ai cũng muốn mua Monte Paschi.

Tuy nhiên, UniCredit vẫn chưa bị thuyết phục và nhấn mạnh bất kỳ thương vụ nào cũng phải không ảnh hưởng đến vốn và bảo vệ ngân hàng này khỏi rủi ro pháp lý.

Lúc này, nhóm của ông Dicks đã nhờ cậy một vài luật sư gần gũi với đội ngũ của Thủ tướng Italy lúc bấy giờ là ông Conte. Các cố vấn của ông Conte đánh giá rằng một ông chủ nước ngoài sẽ có nhiều khả năng giao công việc hàng ngày của ngân hàng cho các giám đốc thân cận với chính phủ. Do đó đề xuất của nhóm nhà đầu tư Mỹ không bị từ chối ngay lập tức.

Việc Italy chuyển đổi sang chính phủ mới của Thủ tướng Mario Draghi vào tháng 2 đã trì hoãn quá trình nghiên cứu đề xuất. Các nhà đầu tư Mỹ vẫn đang chờ đợi phản hồi từ Bộ tài chính và tìm kiếm một buổi gặp mặt để quy trình được nối lại.

Giang