|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư hào hứng trở lại khi nhóm ngân hàng luân phiên phá đỉnh

07:49 | 27/01/2022
Chia sẻ
Sau khi bị tra tấn tâm lý 6 tháng qua, nhà đầu tư bắt đầu hào hứng trở lại với nhóm ngân hàng khi các mã nhóm này khởi sắc và đồng loạt tiến lên vùng giá đỉnh lịch sử như BID, STB, MBB.

Dòng tiền trở lại nhóm ngân hàng khi nhóm dầu cơ đồng loạt giảm sâu

Theo quan sát, khi thị trường biến động mạnh khi cổ phiếu bất động sản, chứng khoán đồng loạt giảm sâu, dòng tiền trên thị trường đã có sự dịch chuyển. Dòng tiền dịch chuyển đến nhóm ngành đóng vai trò trụ đỡ.

Không ít phiên giao dịch, nhóm ngân hàng ngược dòng tăng giá hoặc giữ giá trong khi thị trường có hàng trăm cổ phiếu giảm dịch sàn. Trái với tâm lý chán nản cổ phiếu vua sau nhiều tháng nắm giữ và không có được thành quả, những bàn luận về các mã ngân hàng sôi động hơn trên các diễn đàn, mạng xã hội về đầu tư chứng khoán thời gian gần đây.

Việc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng giúp tài khoản nhà đầu tư không bị bào mòn giống như những mã đầu cơ giai đoạn này. Đơn cử, giá trị tài sản ròng (NAV) của nhà đầu tư vẫn có thể tăng 10 – 20% nếu nắm giữ các cổ phiếu như BID, MBB, STB, LPB giai đoạn vừa qua, trong khi mức giảm với các mã bất động sản là khá lớn, lên tới 30 – 40% như trường hợp CII, FLC, NBB, CEO… Đáng chú ý, nhiếu mã bất động sản sau thời gian tăng nóng đã mất thanh khoản khiến nhà đầu tư không thể bán cắt lỗ.

Trả lời câu hỏi tại sao cổ phiếu ngân hàng khới sắc gần đây, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Giám đốc SSI Research cho biết nhóm ngân hàng được đưa vào nhóm có mức định giá tương đối hấp dẫn sau đợt giảm cuối năm 2021. Về dòng tiền, giao dịch từ phía nhà đầu tư cá nhân nhiều mang tính đầu cơ cao, khi cổ phiếu đầu cơ gặp vấn đề, dòng tiền trở lại nhóm cơ bản tốt là diễn biến bình thường.

Nhà đầu tư hào hứng trở lại khi nhóm ngân hàng luân phiên phá đỉnh - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trong khi nhóm đầu cơ nằm sàn la liệt. Ảnh chụp màn hình.

Cổ phiếu ngân hàng thay nhau phá đỉnh lịch sử

Trở lại với diễn biến giá, cổ phiếu ngân hàng không đồng loạt tăng giá như trong quý II/2021, thay vào đó là luân phiên tăng với vai trò giữ nhịp cho chỉ số VN-Index. Sau giai đoạn giảm giá và đi ngang, cổ phiếu BIDV của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bất ngờ tăng 33% kể từ đầu tháng 1 từ vùng giá 36.000 đồng/cp lên mức 48.000 đồng/cp.

Theo ghi nhận, đây là nhịp tăng mạnh nhất của cổ phiếu BID trong hai năm trở lại đây và cũng là vùng giá đỉnh lịch sử của cổ phiếu BID kể từ khi lên sàn. Tháng 1/2020, mà BID tạo vùng đỉnh quanh mức giá 43.000 đồng/cp.

Sau khi cổ phiếu BID vào sóng, cổ phiếu STB của Sacombank cũng trở thành tâm điểm của dòng tiền với nhịp tăng giá gần 30% lên quanh 36.000 đồng/cp. Theo đó mã này cũng phá vỡ vùng đỉnh được thiết lập vào tháng 5 năm ngoái. Đi kèm với sự khởi sắc về giá, thanh khoản tăng đột biến so với giai đoạn trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân những phiên gần đây đạt trên 32 triệu đơn vị, lọt nhóm cổ phiếu giao dịch nhiều nhất trên sàn HOSE.

Nhà đầu tư hào hứng trở lại khi nhóm ngân hàng luân phiên phá đỉnh - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu STB. Nguồn: TradingView.

Bên cạnh STB, cổ phiếu khác cũng được chú ý đó là MBB hay LPB. Phiên 21/1, mã MBB "nổ" thanh khoản đột biến đạt trên 50 triệu đơn vị. Sau đó mã này tăng giá mạnh và phá vỡ vùng giá đỉnh 32.000 đồng/cp (sau điều chỉnh giá) thiết lập đầu tháng 7/2021. Đóng cửa phiên 26/1, giá cổ phiếu MBB ở 33.300 đồng/cp.

Với trường hợp LPB của LienVietPostBank, cổ phiếu này tăng kịch trần trong hai phiên 25 – 26/1 sau thông tin Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) sẽ bán đấu giá hơn 122 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 10,15% vốn của nhà băng này. Giá khởi điểm được VNPost công bố là 28.930 đồng/cp. Mức giá khởi điểm trên cao hơn 30% so với thị giá quanh (22.000 đồng/cp) thời điểm công bố thông tin.

Ngoài những mã trên, nhiều cổ phiếu ngân hàng có mức tăng 5 – 10% trong những phiên gần đây như CTG, VIB, KLB. Xu hướng tăng về vùng đỉnh lịch sử của nhóm này khiến nhiều nhà đâu tư kỳ vọng có thể "về bờ" sau một thời gian dài nắm giữ.

Nhà đầu tư hào hứng trở lại khi nhóm ngân hàng luân phiên phá đỉnh - Ảnh 3.

Cổ phiếu ngân hàng với triển vọng tích cực trong năm 2022. Ảnh: Lợi Hoàng.

Triển vọng nào đầu tư cổ phiếu ngân hàng năm 2022?

Trước sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu vua, nhà đầu tư đặt câu hỏi về triển vọng đầu tư với nhóm ngành này trong năm nay. Theo SSI Research, chất lượng tài sản của các ngân hàng là trọng tâm trong 2022. Một số chủ đề của nhóm ngân hàng được quan tâm.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ mạnh hơn năm 2021 xuất phát từ cả phía cung và cầu. Nhu cầu tín dụng (đặc biệt là từ các khách hàng doanh nghiệp) khá mạnh trong quý IV/2021, khi các hoạt động kinh doanh bắt đầu trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.

"Chúng tôi ước tính tổng tín dụng tăng ròng khoảng 450.000 tỷ đồng riêng trong quý IV/2021 (so với 724.000 tỷ đồng trong 3 quý đầu năm 2021). Chúng tôi ước tính đà tăng trưởng này sẽ tiếp tục duy trì trong 2022. Nhu cầu vay cũng lan toả đến mảng bán lẻ cùng với đà hồi phục của nền kinh tế", báo cáo của SSI Research nêu.

Thứ hai, NIM kỳ vọng ổn định dù lãi suất huy động có nhích lên. Luận điểm trên được đưa ra dựa trên một số khả năng như chi phí phát hành trái phiếu và giấy tờ có giá thấp hơn, có thể lùi thời gian siết tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn (tỷ lệ MLTL), gói cứu trợ COVID-19 hết hiệu lực, các khoản lãi dự thu theo dõi ngoại bảng liên quan đến các khoản vay tái cơ cấu có thể quay trở lại P&L.

Thứ ba, các dịch vụ tính phí tăng mạnh từ cả dịch vụ thanh toán và hoạt động bancassurance. Thu nhập từ dịch vụ thanh toán được dự báo sẽ phục hồi cùng với việc nối lại thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại. 

Trong khi đó, thị trường bancassurance dự báo sẽ tiếp tục sôi động. Các ngân hàng vẫn có nhiều động lực trong việc đẩy mạnh bán các hợp đồng bancassurance để đáp ứng các KPI mới hoặc sử dụng doanh thu bán hàng như là lợi thế trong việc thương lượng phí trả trước.

Lợi Hoàng