Nhà đầu tư chán bitcoin?
Hè năm 2021, nhân lúc tiền số lớn nhất thế giới hạ về 31.500 USD, Đăng Khoa (TP HCM) rót hơn 20 triệu đồng "chơi thử". Sau một tuần, bitcoin tăng gần 13%, Khoa bán ra lãi hơn 2 triệu đồng và từ đó hứng thú với loại tài sản mới này. Anh quyết định dành thời gian tìm hiểu, học dần các thủ thuật trade và nghiên cứu kỹ các chỉ số RSI giúp phát hiện tình trạng quá mua hoặc quá bán, chỉ số SMA để xác định xu hướng giá hay chỉ số Bollinger Bands nhằm đo lường biến động của thị trường...
Đến cuối tháng 7/2021, đồng tiền này rớt về dưới 30.000 USD. Đây cũng là lúc Khoa tham gia trở lại với tâm thế chủ động hơn với số vốn trên trăm triệu đồng. Lúc bấy giờ, trong một ngày, Bitcoin có thể lên xuống hơn 10%. Tuy không phải lần nào cũng trade thuận lợi, anh vẫn có nhiều phiên lãi mười mấy triệu đồng chỉ trong một ngày.
"Tôi gọi đó là giai đoạn 'làm giàu chỉ sau một đêm' và bị bitcoin quyến rũ bởi tính biến động mạnh của nó", Khoa kể lại.
Nhà đầu tư trẻ tuổi này sau đó rút hết tiền số để hạn chế vay nợ khi mua căn hộ chung cư đầu tháng 9/2021. Đứng ngoài thị trường suốt "mùa đông" tiền số, Khoa trở lại năm 2023 nhưng dần chán nản vì theo anh, "nét quyến rũ" ngày nào của bitcoin (tức tính biến động mạnh) không còn.
Anh nhận ra đồng tiền này "trưởng thành hơn". Dù có xu hướng tăng giá nhưng việc "làm giàu chỉ sau một đêm" gần như hiếm khi xảy ra. Ngay cả những đợt "sóng" liên tiếp kéo dài từ đầu năm đến nay giúp Bitcoin tăng hơn 60%, cũng không khiến Khoa và những nhà đầu tư mà anh quen biết, cảm thấy kích thích.
Họ đang dành vốn để tiếp cận tiền mã hóa khác. Riêng Khoa từ đầu năm đến nay chủ yếu giao dịch Cosmos và Optimism. Nhà đầu tư này lấy ví dụ gần đây với Optimism, chỉ sau một đêm, anh lãi hơn 4-5 triệu đồng khi rót 40 triệu vào tối 2/3, rồi nhanh chóng bán ra vào sáng hôm sau lúc giá lên gần 4,3 USD một đơn vị. Ngoài ra, kỳ vọng vào các quỹ ETF tương tự cho Ether được phê duyệt, Khoa cũng rót khoảng 30% vốn để nắm giữ dài hơi hơn lượng tiền số lớn thứ hai thế giới.
Không chỉ Đăng Khoa, nhiều nhà đầu tư khác đang có xu hướng điều chuyển dòng tiền từ bitcoin sang các kênh tài sản khác. Nền tảng dữ liệu FxEmpire phân tích dòng vốn trên thị trường phái sinh trong 10 ngày giao dịch cuối tháng 2 cho thấy, dòng tiền đang có xu hướng chảy khỏi tiền số lớn nhất thế giới và chuyển sang các đồng thay thế (altcoin), trong đó nổi bật là Ether.
"Các nhà đầu tư đang thoát khỏi thị trường bitcoin để tái đầu tư lợi nhuận của họ vào Ether", nền tảng này nhận định.
Báo cáo gần đây của công ty phân tích thị trường Glassnode xem xét nhiều dữ liệu về thanh khoản, dòng tiền và các chỉ số đo lường đã chỉ ra, xu hướng tăng giá (uptrend) gần đây tạo ra sự thay đổi trong dòng vốn hướng tới các altcoin. Chỉ báo altcoin của đơn vị này cho thấy mức tăng trưởng tốt hơn và có nhiều dấu hiệu bền vững hơn trước, chủ yếu tập trung vào các tài sản có vốn hóa thị trường cao.
Bitcoin nổi tiếng với đặc trưng biến động lớn và thường xuyên. Trong nhiều năm, các nhà đầu tư xem đó là tính năng chứ không phải lỗi, vì nó có thể mang lại lợi nhuận đáng kể và ngay lập tức. Nhưng gần đây, theo Business Insider, sự biến động của tiền số lại giống một tài sản thông thường và "nhàm chán" hơn nhiều.
Theo số liệu từ nền tảng phân tích thị trường DataTrek Research, biên độ biến động dài hạn của bitcoin từng cao hơn gấp ba lần so với chỉ số S&P 500, vốn thường dao động khoảng 1% hàng ngày theo cả hai hướng. Kể từ tháng 9/2022, mức độ biến động của bitcoin đã ở dưới mức trung bình. Ngay cả việc các quỹ ETF giao ngay ra mắt gần đây cũng không dẫn đến sự tăng vọt đáng kể về giá của nó.
Biểu đồ bên dưới hiển thị độ lệch chuẩn luân phiên 100 ngày của lợi nhuận bitcoin từ năm 2015 đến nay. Độ lệch chuẩn luân phiên cho biết mức độ phân tán của giá thị trường so với mức trung bình. Độ lệch chuẩn càng cao cho thấy giá Bitcoin biến động càng mạnh và ngược lại.
Một điểm đáng lưu ý rằng trước đây, bitcoin thường chạm đỉnh và hạ về đáy trong suốt thời gian biến động trên mức trung bình. Ví dụ, từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2019, tài sản này đã đạt mức cao kỷ lục 19.000 USD và cũng giảm xuống còn 8.000 USD. Một số sự kiện khác trong vài năm qua cũng mang lại những diễn biến tương tự. Trong khi đó, cổ phiếu có xu hướng chạm đáy khi biến động trên mức trung bình, nhưng lại đạt mức đỉnh mới trong thời gian biến động thấp.
Dữ liệu DataTrek Research cho thấy bitcoin đã ổn định hơn bình thường trong 18 tháng qua, mặc dù vẫn biến động cao hơn gấp đôi so với các cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ. "Mức độ quan tâm lớn hơn của các tổ chức có thể làm giảm độ biến động giá hàng ngày của Bitcoin. Nói một cách đơn giản, tiền số này cuối cùng cũng có thể trưởng thành", đội ngũ DataTrek Research nhận định.
Sự ổn định của bitcoin cũng thể hiện trong xu hướng tăng giá (uptrend) đạt kỷ lục 69.200 USD vừa qua. Thị giá được xem là "sốt" từ đầu tháng 2 tới nay nhưng biên độ dao động mỗi phiên chỉ quanh 1.000-2.000 USD. Nhiều phiên, biểu đồ thị giá gần như đi ngang, chênh lệch giữa giá cao và thấp nhất ngày chỉ vài trăm USD.
Thời điểm thị trường có sự biến động mạnh nhất là tối 5/3 đến rạng sáng 6/3 khi giá bitcoin giảm hơn 14% chỉ trong vài giờ. Trên các trang mạng xã hội thảo luận về tiền số, không ít nhà đầu tư than vãn vì đồng tiền này tăng chậm nhưng giảm quá nhanh.
Trong khi đó, vào đợt uptrend cuối năm 2021, bitcoin thường dao động 3.000-4.000 USD một ngày suốt hai tháng 10-11/2021. Có phiên, chênh lệch giữa mức giá cao và thấp nhất ngày lên đến gần 6.000 USD. Sau khi đạt đỉnh gần 68.800 USD, Bitcoin cũng bị trượt giá ngay sau đó nhưng chỉ mất 5,5%.
Ông Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên cao cấp Đại học Bristol (Anh), cho rằng biến động Bitcoin trong hai tuần qua khiến nhiều người nghĩ tiền số này đang tăng phi mã. Nhưng theo ông, thực tế Bitcoin đã ổn định hơn rất nhiều.
"Ngày càng khó để nhà đầu tư làm giàu và kỳ vọng giá từ 3.000 USD - thời điểm một số quỹ bitcoin hiện nay được mở như Grayscale - tăng lên 60.000 USD như trước", ông Tuấn nói.
Mặt khác, đặc tính mới của bitcoin thu hút dòng vốn từ nhóm nhà đầu tư thích sự ổn định. Hệ quả là càng làm cho tài sản này thêm ít biến động hơn nữa, sự vận động về giá sẽ diễn ra tuần tự.
"Sớm muộn gì, dòng tiền nóng cũng sẽ chuyển sang kênh khác, nhưng nó là gì vẫn chưa ai biết chắc chắn", chuyên gia này nêu quan điểm.