Nhà đầu tư cần biết: Nếu cắt lỗ là nghệ thuật, làm sao trở thành ‘nghệ sĩ’ trên thị trường chứng khoán?
Giao dịch chứng khoán không có lệnh dừng lỗ như đánh bạc, bạn nên vào sòng bạc, casino
Theo cuốn sách "Phương pháp mới giao dịch để kiếm sống" (The new trading for a living) của tác giả Alexander Elder, "Giao dịch không có lệnh dừng lỗ giống như đang đánh bạc, nếu thế, tốt hơn hết nên đi vào sòng bạc casino. Hãy đến Macao, Las Vegas hoặc thành phố Atlatic, là những trung tâm đánh bạc nổi tiếng trên thế giới".
Muốn đánh bạc, hãy đến Las Vegas hay Macao, đừng đánh bạc với tài khoản giao dịch của bạn. Ảnh minh họa
Điều này cho thấy việc giao dịch chứng khoán giống như một trò cờ bạc nếu nhà đầu tư không có quyết định bán đi khoản đầu tư thua lỗ của mình, để chờ đợi một cơ hội khác.
Lệnh dừng lỗ là yếu tố cần thiết để có thể sinh tồn trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần biết rằng tỉ lệ lãi của danh mục luôn phải cao hơn tỉ lệ lỗ để có thể trở về trạng thái hòa vốn. Đơn cử, một khoản lỗ 50% của danh mục, nhà đầu tư phải lãi gấp đôi với số vốn còn lại để hòa vốn.
Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán, tâm lý luôn nhà một chìa khóa trong các giao dịch. Những gì đã xảy ra trên thị trường có thể khiến nhà đầu tư phá vỡ đi quy tắc đã được đưa ra trước đó. Chẳng hạn, nhà đầu tư mua cổ phiếu A và đặt ra mục tiêu cắt lỗ khi giá cổ phiếu giảm xuống. Sau khi cắt lỗ khoản đầu tư đó, cổ phiếu A lại đảo chiều tăng giá trở lại, thậm chí có thể tăng giá mạnh hơn mục tiêu ban đầu nhà đầu tư đưa ra. Khi đó, tâm lý 'đã bán đúng đáy' khiến nhà đầu tư hoài nghi về khả năng cắt lỗ của mình.
Sự lặp đi lặp lại của những lần giao dịch sau đó, khiến nhà đầu tư bỏ qua quyết định cắt lỗ và cho rằng cổ phiếu sẽ lại tăng trở lại giống như trước đó. Dần dần, theo thời gian, những suy nghĩ như "sợ cắt ngay đáy" hoặc "nhỡ ngày mai lại lên" khiến nhà đầu tư quên đi nhiệm vụ giữ được tiền trên thị trường chứng khoán.
Quỹ đầu tư chuyên nghiệp trên TTCK Việt Nam cũng từng cắt lỗ trăm tỉ đồng
Nhà đầu tư không nên ái ngại về khả năng của mình sau mỗi lệnh cắt lỗ. Thực tế cho thấy, ngay cả những quỹ đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng từng phải thực hiện lệnh cắt lỗ với giá trị hàng trăm tỉ đồng.
Điển hình, quỹ đầu tư GIC Pte Ltd của Chính phủ Singapore từng cắt lỗ 120 tỉ đồng khoản đầu tư vào CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã: VNS). Tháng 8/2014, quỹ đầu tư này mua vào 4,5 triệu cổ phiếu VNS với giá khoảng 45.000 đồng/cp, tương đương giá trị đầu tư hơn 200 tỉ đồng. Tháng 5/2018, quỹ này công bố không còn là cổ đông lớn của Vinasun khi đã bán ra cổ phiếu với mức giá thỏa thuận 14.700 đồng/cp. Khoản đầu tư này khiến GIC lỗ hơn 120 tỉ đồng.
Dragon Capital cũng từng cắt lỗ 45% khoản đầu tư vào cổ phiếu SJS. Ảnh minh họa
Ngay cả một quỹ đầu tư lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam là Dragon Capital cũng phải thực hiện việc cắt lỗ theo nguyên tắc. Cụ thể, quỹ đầu tư bất động sản VPF – thành viên nhóm quỹ Dragon Capital đã từng thoái vốn đối với cổ phiếu SJS, chịu lỗ 45% so với giá đầu tư.
Như vậy, những quỹ đầu tư chuyên nghiệp với nguồn lực tốt về nhân sự, công cụ phân tích cũng đã từng thực hiện cắt lỗ. Vậy điều gì khiến nhà đầu tư cố gắng để 'ôm' những khoản đầu tư thua lỗ của mình?
Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền. Nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1.
Warren Buffett
'Giá cổ phiếu giảm, mình bán thì ai mua?' – Căn nguyên của việc 'gồng lỗ'
Nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán thường có một tâm lý dự đoán rằng khi giá cổ phiếu giảm, nếu mình bán thì ai mua nó? Điều này đễn đến suy nghĩ: "sợ bán đúng đáy", "đợi cổ phiếu hồi rồi bán", "về dài hạn cổ phiếu này vẫn tốt, doanh nghiệp ổn định"… Cuối cùng là tâm lý "gồng lỗ", tồi tệ hơn cả là việc nhà đầu tư nộp thêm tiền vào tài khoản, mua thêm cổ phiếu nhằm giảm giá vốn của khoản đầu tư.
Trong những trường hợp thị trường xấu đi, hoặc cổ phiếu liên tục giảm, thay vì một suy nghĩ chấp nhận khoản lỗ, đợi đến khi thị trường bật tăng trở lại, nhà đầu tư có thể suy nghĩ đến việc tạm rời khỏi thị trường. Điều này ít nhất cũng giúp nhà đầu tư không thua lỗ nhiều hơn khi giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu. Vậy, có những phương pháp nào để có thể đặt lệnh dừng lỗ?
Cắt lỗ kịp thời là một quyết định cần thiết để nhà đầu tư có thể tồn tại trên thị trường. Ảnh minh họa
Một số 'nghệ thuật' khi thực hiện lệnh cắt lỗ
Xác định tỉ lệ cắt lỗ của bản thân: Phù thủy đầu tư của phố Wall William J. O'neil luôn đưa ra quyết định cắt lỗ cho những cổ phiếu của ông quanh mức 8%. Trên thực tế, nhà đầu tư có thể xây dựng tỉ lệ chấp nhận rủi ro của riêng mình, phù thuộc vào khẩu vị đầu tư của họ.
Không đặt lệnh dừng lỗ tại mức giá rõ ràng: Thói quen đầu tiên và phổ biến của nhà đầu tư là xác định giá cắt lỗ gần với đáy trước đó. Nhà đầu tư có thể khắc phục bằng cách giảm rủi ro thua lỗ nếu đặt lệnh dừng lỗ gần với mức giá hiện tại của cổ phiếu nhưng đồng nghĩa với rủi ro sập bẫy thị trường tăng lên. Hoặc sử dụng mức giá cắt lỗ sâu hơn giúp nhà đầu tư tránh những lần cổ phiếu phá vỡ đáy giả, đổi lại nếu lệnh dừng lỗ kích hoạt, nhà đầu tư chịu khoản thua lỗ lớn hơn.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể cân nhắc về việc làm tròn các con số được đám đông ưa thích. Giả sử nhà đầu tư mua vào cổ phiếu STB tại mức giá 11.100 đồng/cp. Thay vì đặt giá cắt lỗ tại mức giá chẵn 11.000 nhà đầu tư nên làm lệch đi bằng 10.900 đồng hoặc thậm chí 10.800 đồng. Kết quả, nhà đầu tư tránh được việc bị kích hoạt lệnh cắt lỗ ngay trước thời điểm cổ phiếu STB tăng.
Nếu phá vỡ đáy thứ hai sẽ phá vỡ đáy thấp nhất: Đám đông ưa chuộng là đặt lệnh dừng lỗ tại mức đáy thấp nhất trước đó mà bỏ qua logic: nếu cổ phiếu phá vỡ đáy thấp thứ hai, giá sẽ chạm về đáy thấp nhất (Lệnh dừng lỗ kiểu Nic). Nhà đầu tư hoàn toàn có thể giảm thiểu thua lỗ bằng cách đặt giá cắt lỗ tại đáy thấp thứ hai.