|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư cần biết: Lý thuyết nền tảng của phân tích kĩ thuật và ứng dụng trên TTCK Việt Nam

15:12 | 30/06/2019
Chia sẻ
Phương pháp sóng Elliott đã được ứng dụng tại nhiều nơi trên thế giới và đem lại hiệu quả nhất định. Ngoài thị trường chứng khoán, phương pháp này còn được sử dụng cho các thị trường khác như hàng hóa, vàng, ngoài tệ hay thị trường phái sinh.

Ralph Nelson Elliott – Cha đẻ của lý thuyết sóng Elliott

Ralph Nelson Elliott (1871 – 1948) là một kế toán viên, người phát hiện ra các nguyên lý xã hội cơ bản và phát triển các công cụ phân tích chứng khoán trong những năm 1930.

elliot

Ralph Nelson Elliott – Cha đẻ của lý thuyết sóng Elliott.

Elliott từng làm tổng kiểm toán của Đường sắt quốc tế Trung Mỹ tại thành phố Guatemala. Trong thời gian này, ông bắt đầu nghiên cứu sự biến động của giá cổ phiếu đã xảy ra từ khoảng năm 1850, đặc biệt là Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones và Chỉ số đường sắt Dow Jones (từ đó trở thành Trung bình vận tải Dow Jones).

Elliot tin rằng có những luật tự nhiên chi phối mọi thứ, và do đó, cũng có những luật chi phối người dân và đám đông, đặc biệt là thị trường chứng khoán. Ông cho rằng, đám đông đã trải qua chu kì cảm xúc, từ bi quan cực độ đến lạc quan cực độ, và thị trường chứng khoán phản ánh tâm lý đám đông này.

Ông đề xuất rằng giá cả thị trường diễn ra trong những hình mẫu cụ thể, mà ngày nay những người thực hành gọi là sóng Elliott, một trong những kiến thức quan trọng bậc nhất và là nền tảng của phân tích kỹ thuật.

Phương pháp sóng Elliott đã được ứng dụng tại nhiều nơi trên thế giới và đem lại hiệu quả nhất định. Ngoài thị trường chứng khoán, phương pháp này còn được sử dụng cho các thị trường khác như hàng hóa, vàng, ngoài tệ hay thị trường phái sinh.

Lý thuyết sóng Elliot – nền tảng của phân tích kỹ thuật

Elliott cho rằng, thị trường chứng khoán vận động theo tính chu kỳ. Trong mỗi chu kỳ hoàn chỉnh, thị trường đi theo một nhịp liên tục 8 sóng, gồm 5 sóng tăng và sau đó là 3 sóng giảm. Trong đó, chuỗi các sóng tăng của chu kỳ được đánh số từ 1 đến 5, trong khi chuỗi 3 sóng giảm được đánh ký tự A, B, C.

elliott1

Mô hình sóng Elliott cơ bản.

Sóng 1 là khởi đầu của một chu kỳ tăng, sau khi giá cổ phiếu kết thúc xu hướng giảm trước đó. Lúc này, các thông tin về doanh nghiệp hầu như đều tiêu cực, nhà đầu có vẻ chưa có niềm tin vào xu hướng tăng mới nên thanh khoản còn khá thấp.

Giai đoạn sau đó, những nhà đầu tư bắt đáy đã có lời và bắt đầu bán ra khiến giá cổ phiếu điều chỉnh, tạo nên sóng 2. Nhịp điều chỉnh này giúp kiểm tra xem cổ phiếu đã thực sự 'tạo đáy' hay chưa, thông thường giá cổ phiếu sẽ không giảm sâu hơn điểm khởi đầu của sóng 1.

Sau khi tạo đáy thành công, cổ phiếu sẽ chính thức bước vào sóng 3. Theo Elliott, sóng 3 thường là sóng lớn nhất và mạnh nhất trong một xu hướng.

Tại thời điểm bắt đầu sóng 3, những tin tức về cổ phiếu vẫn còn tiêu cực, một số nhà đầu tư bắt đầu mua vào trong khi phần lớn vẫn đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên, đến giữa sóng 3, đám đông tham gia vào nhiều hơn khiến giá cổ phiếu tăng lên một cách nhanh chóng, theo đó khối lượng giao dịch cũng tăng mạnh. 

Lúc này, các tin tức trở nên tích cực hơn,  báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán cũng xuất hiện nhiều hơn với đa số đều khuyến nghị triển vọng tích cực.

Đến sóng 4, áp lực chốt lời của những nhà đầu tư do đã đạt kỳ vọng tiếp tục khiến giá cổ phiếu điều chỉnh giống như sóng 2, nhưng vẫn chưa phải sóng kết thúc.

Tại thời điểm này, tin tốt về cổ phiếu tràn ngập trên thị trường, những nhà đầu tư lỡ sóng 3 sẽ tranh thủ cơ hội để mua vào, tiếp tục đẩy giá cổ phiếu đi lên tạo thành sóng 5.

Tuy nhiên, lúc này một số chỉ báo kỹ thuật bắt đầu cho tín hiệu phân kỳ, mức rủi ro gia tăng vì giá cổ phiếu đã ở mức quá cao. Sóng 5 hoàn thành cũng là thời điểm kết thúc nhịp tăng giá, lúc này cổ phiếu bước vào xu hướng giảm.

Đối với 3 bước sóng giảm, thời điểm sóng A bắt đầu thường khá khó xác định. Lúc này, tin tức thị trường và tâm lý nhà đầu tư về cơ bản vẫn rất tích cực, theo đó họ thường nhầm lẫn với nhịp chỉnh trong sóng tăng. Đây thường là sai lầm khiến nhà đầu tư mất hết thành quả trước đó, thậm chí dẫn đến "kẹp hàng" và thua lỗ.

Do vậy, để nhận biết sóng giảm bắt đầu, nhà đầu tư cần chú ý đến sự phân kỳ của các chỉ báo kỹ thuật. Ngoài ra, khối lượng tăng vọt trong những phiên giảm cũng là dấu hiệu đáng quan tâm.

Ngược lại với sóng 2,4 trong giai đoạn tăng giá, lực bắt đáy của một số nhà đầu tư trong xu hướng giảm sẽ tạo nên sóng hồi B. Lúc này, tâm lý nhà đầu tư không còn tích cực, thay vào đó là sự sợ hãi, trái ngược hoàn toàn so với trong sóng tăng.

Cuối cùng, tại sóng C, nhiều nhà đầu tư cảm thấy chán nản và rời bỏ thị trường, tuy nhiên đây thường là thời điểm cổ phiếu tạo đáy và bước vào chu kỳ tăng mới sau đó.

Minh họa sóng Elliott trên cổ phiếu HCM

Xét giai đoạn từ đầu năm 2017 đến tháng 7/2018, cổ phiếu HCM của CTCP Chứng khoán TP.Hồ Chí Minh diễn biến theo mô hình Elliot với xu hướng tăng từ tháng 1/2017 – 4/2018 và xu hướng giảm từ tháng 4/2018 – 8/2018.

hcm

Cổ phiếu HCM đi theo mô hình sóng Elliot với 5 sóng tăng và 3 sóng giảm.

Trong chu kì giá lên,  cổ phiếu HCM tăng 3,87 lần từ 11.000 đồng/cp lên 42.600 đồng/cp và đi theo 5 bước sóng nhỏ.

Sóng thứ nhất diễn ra từ tháng 1/2017 đến tháng 7/2017, với mức tăng 98% từ 11.000 đồng/cp lên 21.800 đồng/cp. Giai đoạn này, cổ phiếu HCM thoát khỏi vùng hỗ trợ trước đó, tuy nhiên thị trường chưa chú ý nên cổ phiếu mất khá nhiều thời gian để tăng.

Sau đó, cổ phiếu này có nhịp sóng 2 điều chỉnh về 17.000 đồng/cp ngày 22/8/2017 và đi ngang tích lũy hơn 2 tháng.

Từ thời điểm 3/11/2017, cổ phiếu HCM bắt đầu bước vào sóng 3. Đúng như lý thuyết sóng 3 mạnh nhất, giá cổ phiếu bứt phá mạnh trong nhịp này, với mức tăng 2,23 lần chỉ trong vòng 3 tháng, lên 38.000 đồng/cp vào ngày 30/1/2018.

Diễn biến tiếp theo, cổ phiếu HCM điều chỉnh về 32.700 đồng/cp ngày 12/3/2017, hoàn thành xong sóng chỉnh 4.

Giai đoạn từ 12/3/2018 – 9/4/2018, cổ phiếu này tiếp tục gây bất ngờ khi tiếp tục tăng 30,2% lên 42.600 đồng/cp tạo thành sóng 5. Tuy nhiên, các chỉ báo kỹ thuật RSI và MACD xuất hiện phân kỳ, báo hiệu khả năng đảo chiều đi xuống. Kết quả, cổ phiếu HCM tạo đỉnh 42.600 đồng và bước vào chu kỳ giảm giá.

Tại sóng giảm A, cổ phiếu HCM liên tiếp có những phiên giảm biên độ lớn với khối lượng cao, trung bình hơn 600.000 đơn vị mỗi phiên. Sóng A kết thúc tại mức giá 27.100 đồng/cp ngày 28/5/2018, tương ứng tỉ lệ giảm 36,4%.

Giai đoạn từ 28/5/2018 – 7/6/2018, lực bắt đáy giúp cổ phiếu này hồi phục lên mức giá 32.000 đồng/cp, hình thành sóng hồi B.

Tuy nhiên, ngay sau đó giá cổ phiếu tiếp tục giảm mạnh và kết thúc sóng C tại 22.000 đồng/cp vào ngày 12/7/2018.

Như vậy, trải qua nhịp tăng gồm 5 sóng và nhịp giảm gồm 3 sóng, cổ phiếu HCM đã hoàn thành xong một chu kỳ theo mô hình sóng Elliott, và tiếp tục hình thành những chu kỳ mới tiếp theo.


Sơn Tùng