|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên liệu đầu vào sản xuất xăng E5 còn gặp nhiều khó khăn

21:00 | 18/10/2017
Chia sẻ
Một số cây như ngô, đậu tương, vừng còn thiếu so với nhu cầu lương thực, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Do vậy sắn, mía và cây dầu mè được đánh giá là cây trồng có tiềm năng sản xuất nguyên liệu sinh học. Nhưng việc sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn. 
nguyen lieu dau vao san xuat xang e5 con gap nhieu kho khan
Việc sử dụng xăng E5 đang trở thành xu thế tại nhiều nước, đặc biệt là châu Âu và Mỹ.

Việc sử dụng xăng sinh học đang trở thành xu thế tại nhiều nước, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Hiện nay, một số nước đã bắt buộc sử dụng xăng sinh học như Úc, New Zealand, Trung Quốc, Ấn Độ, Brasil… Ngay tại khu vực Đông Nam Á, Philippin, Thái Lan là các quốc gia đi đầu trong việc sử dụng xăng sinh học từ hơn 10 năm nay. Indonesia hiện bắt buộc sử dụng xăng E3, từ năm 2020 sử dụng xăng E5 và sau 2025 sẽ sử dụng xăng E25.

Tại Việt Nam, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí nhà kính và tạo đầu ra ổn định cho nông sản, ngày 20/11/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 177/2007/QĐ-TTg về việc phê duyệt "Đề án Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025"; Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 về việc phê duyệt ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống.

Phát biểu tại Hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững", phó giáo sư Phạm Hữu Tuyến cho biết việc sử dụng xăng E5 giúp cải thiện công suất động cơ, suất tiêu hao nhiên liệu, giảm đáng kể phát thải HC và CO. Đồng thời, nhiên liệu E5 hoàn toàn có thể sử dụng an toàn trên động cơ xăng đang lưu hành ở Việt Nam mà không cần thay đổi kết cấu hay vật liệu chi tiết.

Trước tình hình trên, Chính phủ đã giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẩn trương rà soát, xây dựng quy hoạch vùng nguyên liệu sắn, đảm bảo ổn định trong việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nghiên liệu sinh học. Đồng thời Bộ chú trọng gắn kết chặt chẽ vùng nguyên liệu với các nhà máy sản xuất, chế biến nhiên liệu sinh học có chiến lược đầu tư phát triển lâu dài, có cam kết hợp đồng tiêu thụ ổn định, hợp lý, đảm bảo lợi ích của người trồng sắn.

Khó khăn trong khâu nguyên liệu đầu vào

Theo Cục trồng trọt- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Việt Nam được đánh giá có điều kiện thuận lợi để sản xuất nhiên liệu sinh học (NLSH), tiềm năng của một số loài cây trồng cung cấp nguyên liệu cho sản xuất NLSH như ngô, sắn và mía (sản xuất cồn); các cây có dầu như lạc, đậu tương, vừng, hướng dương, dừa, bông (sản xuất diesel).

Tuy nhiên, trước nhu cầu làm lương thực rất lớn cho con người và gia súc; tình hình giá cả lương thực tăng cao và nguy cơ lạm phát nền kinh tế trong và ngoài nước; quỹ đất dành cho sản xuất cây lương thực còn hạn chế thì vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đặt lên hàng đầu.

Một số cây như ngô, đậu tương, vừng còn thiếu so với nhu cầu lương thực, thực phẩm và thức ăn chăn nuôi. Do vậy, trong số các cây trồng nông nghiệp, sắn, mía và cây dầu mè được đánh giá là cây trồng có tiềm năng sản xuất NLSH. Mặc dù vậy, trong quá trình tập trung phát triển nguồn nguyên liệu này cũng gặp nhiều khó khăn.

nguyen lieu dau vao san xuat xang e5 con gap nhieu kho khan
Cây dầu mè

Mía là cây trồng tiềm năng cho NLSH, dễ trồng, bộ giống mới phong phú, năng suất, chất lượng cao. Giá nguyên liệu mía dao động từ 400-500 đồng/kg tùy từng địa phương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sản xuất cồn từ nguyên liệu rỉ đường mía chưa có tính cạnh tranh cao vì giá nguyên liệu đắt và công nghệ lạc hậu. Kỹ thuật trồng trọt và thâm canh mía ở nước ta nhìn chung còn ở mức trung bình so với thế giới do vậy Việt Nam vẫn còn có điều kiện để nâng cao năng suất, chất lượng mía để đáp ứng cả nhu cầu chế biến đường và cồn sinh học. Để thu được 1 lít cồn cần có 4 lít mật rỉ, chi phí mất 6.400 đồng/kg, giá bán cồn tại các nhà máy dao động trên dưới 7000 đồng/lít.

Đối với cây sắn, đây được xem là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư, phù hợp với nhiều vùng sinh thái khác nhau và điều kiện kinh tế nông hộ. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất sắn, diện tích trồng sắn đứng thứ ba sau lúa và ngô. Vai trò của cây sắn đã và đang chuyển đổi nhanh chóng từ chỗ là cây lương thực trở thành cây công nghiệp và là cây nguyên liệu cho sản xuất NLSH có tốc độ phát triển cao trong những năm qua.

Tuy nhiên, việc phát triển thiếu bền vững như hiện nay, tình trạng phá rừng trồng sắn, trồng sắn quảng canh năng suất thấp, ô nhiễm môi trường trong chế biến tinh bột sắn,... tiếp tục là những vấn đề nan giải. Do vậy, các cơ quan chức năng cần được quan tâm, điều chỉnh nhằm phát triển ổn định, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là hết sức cấp thiết và phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp hiện nay.

Cây dầu mè (Jatropha) được đánh giá là cây trồng rất dễ tính, có phổ thích nghi rộng, có thể trồng được ở hầu hết các nước Nhiệt đới và Á Nhiệt đới.

Hiện Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phê duyệt Đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây Cọc rào (Jatropha curcas L.) ở Việt Nam giai đoạn 2008- 2015 và tầm nhìn đến 2025”, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể giai đoạn 2008-2010 là trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất thử ở các vùng sinh thái khác nhau đạt quy mô diện tích khoảng 30.000 ha; giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến 2025 là từng bước mở rộng sản xuất quy mô lớn theo nhu cầu thị trường, đến năm 2015 có thể đạt diện tích gây trồng trong cả nước khoảng 300.000 ha và định hướng tiềm năng đến 2025 có thể đạt diện tích 500.000 ha để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất NLSH. Tuy nhiên, đễn thời điểm hiện tại các hạng mục trên đều chưa đạt được so với mục tiêu của đề án.

Đức Quỳnh