Nguy cơ tiềm ẩn sau đòi hỏi vô lý của ông Trump
Hỗ trợ quá nhiều là chính sách kinh tế sai lầm
Cựu Bộ trưởng tài chính Mỹ Larry Summers mạnh mẽ chỉ trích ý tưởng tăng mức hỗ trợ tiền mặt từ 600 USD lên 2.000 USD/người của Tổng thống Trump, theo Bloomberg.
Ông Summers đồng ý rằng gói cứu trợ COVID-19 của Quốc hội là quá ít và chậm trễ, nhưng việc phân phát nhiều hơn 600 tỷ USD tiền mặt cho 85% người nộp thuế là không hợp lý về mặt kinh tế.
Nạn nhân của khủng hoảng COVID-19 và người nghèo nên nhận được sự hỗ trợ hào phóng từ chính phủ. Tuy nhiên, phần lớn hộ gia đình Mỹ vẫn có việc làm và thu nhập của nhiều người không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đối với nhóm này, COVID-19 làm giảm khả năng chi tiêu hơn là năng lực kiếm tiền.
Tổng lương doanh nghiệp Mỹ trả cho nhân viên trong tháng 10 chỉ thấp hơn 30 tỷ USD so với ngưỡng trước đại dịch. Câu hỏi đặt ra là liệu có lý do nào đủ thuyết phục để chính phủ bỏ ra 200 tỷ USD mỗi tháng trong quý tiếp theo hay không. Con số này gần gấp 7 lần tổn thất về lương.
Một số người thừa nhận rằng phát trực tiếp 2.000 USD cho mỗi người có thể không phải là biện pháp hỗ trợ tối ưu cho nền kinh tế hậu COVID-19 nhưng tăng vẫn tốt hơn là không làm gì cả. Nhưng tại sao lại tăng từ 600 lên 2.000 USD mà không phải là lên 5.000 hay 10.000 USD. Giúp đỡ cũng phải có giới hạn, vậy giới hạn ở đây được xác định như thế nào?
Một trong những lý do rõ ràng là chính phủ không nên lạm dụng chính sách hỗ trợ. Tìm cách nâng thu nhập của các hộ gia đình lao động lên mức bình thường là điều đúng đắn. Nhưng số tiền hỗ trợ lớn hơn số tổn thất tới 7 lần thì lại có vẻ không chính đáng, đặc biệt là khi tổng tiết kiệm của các hộ gia đình đã tăng thêm 1.600 tỷ USD so với mức trước đại dịch.
Gói cứu trợ Quốc hội đề xuất thừa sức nâng thu nhập hộ gia đình lên cao một cách bất thường so với tiềm năng của nền kinh tế - điều chưa từng xảy ra trong giai đoạn suy thoái. Với đòi hỏi thêm từ Tổng thống Trump, thu nhập hộ gia đình sẽ cao hơn 15% mức bình thường so với tiềm năng kinh tế.
Có khả năng nền kinh tế sẽ trở nên quá nóng, đặc biệt là nếu cung tiềm năng bị hạn chế bởi các biện pháp phòng tránh COVID-19, cựu Bộ trưởng Larry Summers nhận định.
Ý tưởng về hỗ trợ tiền mặt 2.000 USD thậm chí còn không nằm trong các cuộc thảo luận lưỡng đảng cho đến khi ông Trump đột ngột yêu cầu. Việc Đảng Dân chủ nhân cơ hội này để chia rẽ ông Trump và Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell là chiến lược chính trị khôn ngoan, nhưng nó sẽ trở thành chính sách kinh tế tồi nếu thực sự được thi hành.
Việc ông Trump trì hoãn gói cứu trợ trong nhiều ngày đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho hàng triệu người khi hai chương trình hỗ trợ người thất nghiệp hết hạn vào ngày 26/12. Nhà nghiên cứu Lauren Bauer của Viện Brookings ước tính ít nhất 11 triệu người sẽ mất viện trợ ngay lập tức vì ông Trump đã bỏ lỡ hạn chót trên.
Chiêu trò chính trị vô nghĩa
Đảng Cộng hòa đã bị đẩy vào tình thế hiểm nghèo bởi chính vị tổng thống họ hết lòng ủng hộ. Giả sử nếu ông Trump cứ khăng khăng trì hoãn gói cứu trợ để nâng tiền trợ giúp lên 2.000 USD thì Đảng Cộng hòa có thể mất quyền kiểm soát Thượng viện vào tay Đảng Dân chủ.
Hai Thượng nghị sĩ David Perdue và Kelly Loeffler đang ở trong cuộc đua quyết liệt ở Georgia để bảo vệ thế đa số của Đảng Cộng hòa tại Thượng viện trong 4 năm tiếp theo. Cả hai đều giúp ông Trump được trắng án trong phiên luận tội hồi đầu năm. Thế nhưng nỗ lực tranh cử của hai người lại bị ông Trump làm tổn hại.
Từ lâu, Đảng Dân chủ đã muốn mỗi người dân được nhận 1.200 USD hoặc nhiều hơn, trong khi đó Đảng Cộng hòa lại phản đối. Con số 600 USD trong dự luật được coi là thắng lợi với các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa muốn hạn chế phát tiền. Nhưng đột nhiên sau khi Quốc hội bỏ phiếu, ông Trump lại chê bai số tiền "thấp đến mức vô lý" và yêu cầu phát 2.000 USD cho mỗi người.
Giờ đây ông Perdue và bà Loeffler sẽ phải biện minh với cử tri vì sao họ bỏ phiếu ủng hộ khoản trợ cấp 600 USD, trái ngược với tổng thống. Cử tri hầu như sẽ không quan tâm đến việc ông Trump không hề tham gia vào các cuộc đàm phán và chỉ lên tiếng sau khi Quốc hội đi đến thống nhất.
Đến tối 27/12, cuối cùng ông Trump đã phải thay đổi quyết định sau nhiều ngày trì hoãn và ký gói chi tiêu khẩn cấp 2.300 tỷ USD. Ông không nói vì sao lại đổi ý, nhưng nguồn tin của Reuters tiết lộ rằng các cố vấn đã thúc giục tổng thống nhượng bộ vì chẳng có lý do gì để từ chối phê chuẩn dự luật cả.
Một số thành viên Đảng Cộng hòa đã công khai thể hiện sự bất mãn với tổng thống. Trước khi ông Trump thông báo ký dự luật, Thượng nghị sĩ Pat Toomey phát biểu trên chương trình của Fox News hôm 27/12: "Không ai có được mọi thứ mình muốn, dù có là tổng thống Mỹ đi chăng nữa".
Ông Toomey cảnh báo: "Ông Trump sẽ bị nhớ đến như là vị tổng thống mang đến sự hỗn loạn, đau khổ và hành động thất thường nếu để mặc cho dự luật cứu trợ hiện nay hết hạn. Điều tốt nhất Trump nên làm là ký dự luật và thuyết phục Quốc hội đưa ra các dự luật tiếp theo".
Luận điểm này được lặp lại bởi Thống đốc Larry Hogan của bang Maryland, The Guardian cho biết. Ông Hogan nói một cách ngán ngẩm: "Tôi đã từ bỏ việc cố gắng đoán xem Trump sẽ làm gì tiếp theo".
Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger cũng cảnh báo rằng chiêu trò đột ngột đe dọa của ông Trump với Quốc hội mang đến quá nhiều rủi ro. "Tôi không hiểu Trump phản đối gói cứu trợ để làm gì, trừ khi ông ta muốn reo rắc sự hỗn loạn, phô diễn quyền lực và ăn vạ vì thất bại trong cuộc bầu cử", ông Kinzinger chỉ trích.