|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn cung của một vật liệu quan trọng cho xe điện

06:30 | 17/01/2022
Chia sẻ
Theo dự đoán của hãng tư vấn hàng hóa Rystad Energy, nhu cầu đồng - một thành phần thiết yếu trong sản xuất xe điện và thiết bị điện tử tiêu dùng, sẽ vượt xa nguồn cung hơn 6 triệu tấn vào năm 2030.

Cung hụt so với cầu hơn 6 triệu tấn

Mới đây, công ty tư vấn hàng hóa Rystad Energy đã đưa ra dự đoán rằng nhu cầu đồng trên toàn cầu sẽ vượt xa nguồn cung hơn 6 triệu tấn vào năm 2030. Đồng vốn được biết đến là thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện và các thiết bị điện tử tiêu dùng.

Cụ thể, nhu cầu đồng dự kiến sẽ tăng 16% vào cuối thập kỷ, đạt khoảng 25,5 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030. Trong khi đó, nguồn cung vào năm 2030 được dự báo giảm khoảng 12% so với mức của năm 2021.

Dựa trên ước tính sản lượng của các dự án hiện có cũng như các mỏ có thể đi vào hoạt động trong tương lai, nguồn cung đồng sẽ đạt khoảng 19,1 triệu tấn mỗi năm. Như vậy, nguồn cung không đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn.

Theo oilprice.com, hai lĩnh vực năng lượng tái tạo và xe điện ngày càng phát triển đã đẩy nhu cầu đồng lên cao hơn. Số ca nhiễm COVID-19 mới, chủ yếu liên quan tới biến chủng Omicron, còn làm chuỗi cung ứng tắc nghẽn hơn nữa, gây cản trở hoạt động khai thác quặng đồng.

Một điểm đáng lưu ý khác là giá đồng đã tăng chóng mặt trong thời gian qua do cung không bắt kịp cầu. Chỉ tính từ khi đại dịch bùng phát, giá của kim loại công nghiệp này đã nhảy vọt khoảng 70%.

Nguy cơ thiếu hụt trầm trọng nguồn cung của một vật liệu quan trọng cho xe điện - Ảnh 1.

Công nhân tại một nhà máy sản xuất dây đồng ở tỉnh Karachi, Pakistan. (Ảnh: Reuters).

Tình trạng thâm hụt nguồn cung đồng có thể gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với quá trình chuyển đổi năng lượng, vì hiện tại chưa có chất nào có khả năng thay thế cho đồng trong các thiết bị điện. Do đó, doanh nghiệp cần phải đầu tư mạnh vào các mỏ khai thác để tránh nguy cơ thiếu hụt.

Song, đầu tư vào lĩnh vực khác thác đồng thường khá rủi ro vì công suất đã gần đạt đỉnh đỉnh, chất lượng và trữ lượng quặng đồng cũng dần cạn kiệt. Điều này đã gây áp lực khiến chi phí sản xuất tăng cao, đồng thời sản sinh nhiều khí thải nhà kính.

Ông James Ley, chuyên gia về kim loại nặng tại Rystad Energy, nhấn mạnh: "Đầu tư vào các mỏ khai thác đồng đi xuống trong vài năm qua đã làm nguồn cung sụt giảm mạnh. Trong thời kỳ đại dịch, do thị trường rơi vào bất ổn mà nhà đầu tư còn hạn chế rót vốn".

"Khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch tiếp tục diễn ra và các thị trường đông dân như Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng chấp nhận xe điện, ngành công nghiệp khai thác đồng sẽ phải đầu tư mạnh tay để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng", ông Ley khuyến nghị.

Các chuyên gia dự đoán, nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực khai thác đồng sẽ khó tăng lên. Triển vọng ảm đạm này đã vẽ nên một bức tranh không mấy tươi sáng cho nguồn cung đồng trong tương lai. Có thể từ năm 2023 trở đi, nguồn cung đồng sẽ bị thâm hụt đáng kể.

Còn nguyên nhân nào khiến nguồn cung đồng trở nên eo hẹp?

Khai thác đồng là một quá trình sử dụng nhiều năng lượng và tạo ra lượng lớn khí thải carbon. Tháng 11 năm ngoái, Peru - một trong những nhà xuất khẩu đồng lớn nhất thế giới, đã ra lệnh đóng cửa một loạt mỏ khai thác đồng sau khi người dân tổ chức biểu tình phản đối.

Kết quả là, 4 mỏ ở thành phố Ayacucho (miền nam Peru) có thể bị cấm mở rộng trong thời gian tới. Sản lượng đồng, bạc và vàng của một số nhà khai thác quặng tại đây có thể bị ảnh hưởng lớn.

Ngoài ra, mỏ đồng Las Bambas cũng ở miền nam Peru được cho là sẽ ngừng hoạt động do các vấn đề liên quan đến giao thông vận tải. Mỏ này sản xuất khoảng 400.000 tấn đồng mỗi năm - tương đương 2% tổng nguồn cung toàn cầu.

Bất ổn chính trị ở nước láng giềng Chile, một nhà xuất khẩu đồng lớn khác, càng làm gia tăng các vấn đề về nguồn cung, oilprice.com nêu rõ.

Dù vậy, thị trường vẫn còn một chút hy vọng nhen nhóm khi các mỏ đồng mới tiếp tục được phát hiện, chẳng hạn như mỏ Grasberg ở Indonesia và Kamoa-Kakula ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Tuy nhiên, đa phần mỏ mới đều chưa được phát triển vì chúng có thể chỉ chứa các loại quặng chất lượng thấp hoặc bất ổn chính trị ở nước sở tại có thể trì hoãn việc khai phá mỏ.

Khả Nhân