Nguy cơ doanh nghiệp Việt bị FDI 'mua rẻ' tài sản trong cơn khát vốn
"Có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy, cơ sở sản xuất cho nhà đầu tư nước ngoài"
Theo báo cáo từ Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), sau hơn hai năm chịu những tác động hết sức tiêu cực bởi đại dịch COVID-19, đến nay doanh nghiệp lại gặp khó khăn đặc biệt về vốn.
Cùng với những khó khăn mang tính hệ thống trước nay của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam về nền tảng quản trị, về công nghệ…, khiến phần lớn doanh nghiệp Việt đối diện với tình thế chông chênh để duy trì một phần hoạt động, trước khi có thể tính tới việc phục hồi.
Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI vốn có nền tảng quản trị hiệu quả, khoa học hơn, chịu ảnh hưởng ít nghiêm trọng hơn bởi đại dịch COVID-19, lại không phụ thuộc vào vốn vay từ các ngân hàng trong nước đang có nhiều lợi thế trong bối cảnh hiện nay.
Số liệu xuất khẩu tháng 9 năm 2022 từ Tổng cục thống kê cho thấy xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước giảm 1,6% so với cùng kỳ trong khi các doanh nghiệp FDI vẫn giữ được tốc độ tăng 14,1% so với cùng kỳ.
"Trong bối cảnh niềm tin thị trường xuống thấp, cạn vốn lưu động, cạn dòng đầu tư, các tài sản của doanh nghiệp có nguy cơ bị bán tháo.
Thậm chí thông tin từ doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy, có thể xuất hiện làn sóng bán các nhà máy/cơ sở sản xuất của doanh nghiệp Việt cho nhà đầu tư nước ngoài (điển hình như doanh nghiệp Thái Lan đang tiến hành nhiều thương vụ đàm phán mua bán các nhà máy dệt may và sản xuất lĩnh vực khác). Đây là thách thức không chỉ với doanh nghiệp Việt Nam mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô", Ban IV cho biết.
Làn sóng M&A của doanh nghiệp nước ngoài
Theo dữ liệu từ KPMG, trong 10 tháng năm 2022, tổng giá trị M&A tại Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD, giảm 35,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Singapore là nước dẫn đầu các giao dịch xuyên quốc gia với khoảng 1,2 tỷ USD, tiếp đến là Mỹ (570 triệu USD) và Hàn Quốc (370 triệu USD).
Dù giảm về giá trị nhưng KPMG cho rằng thị trường M&A được dự báo vẫn sôi động, nhất là trong bối cảnh nguồn vốn trong nước bị thắt chặt, nhiều doanh nghiệp buộc phải tái cấu trúc, bán bớt tài sản, kêu gọi đầu tư do sức ép về tài chính.
Tương tự năm 2021, các giao dịch tiếp tục được dẫn dắt bởi các doanh nghiệp Việt Nam với giá trị hơn 1,3 tỷ USD. Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm: Tiêu dùng 1,2 tỷ USD, bất động sản gần 1 tỷ USD, công nghiệp 800 triệu USD.
Đặc biệt, ngành năng lượng đang trở nên đáng chú ý nhất năm 2022 nếu xét về tăng trưởng giá trị, đạt gần 600 triệu USD, tăng khoảng 6 lần so với cả năm 2021.
Nguy cơ doanh nghiệp Việt bị FDI "mua rẻ"
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng cho rằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo cách mua cổ phần trên thị trường chứng khoán, góp vốn nhiều khi chỉ là đang “mua rẻ” của doanh nghiệp nội trong giai đoạn khó khăn.
Theo số liệu thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 10, số lượng vốn FDI vào Việt Nam đăng ký cấp mới là 9,93 tỷ USD, vốn đăng ký tăng thêm là 8,7 tỷ USD và đặc biệt vốn góp, mua cổ phần đạt 3,79 tỷ USD.
Theo chuyên gia, số liệu thực về vốn FDI đầu tư mới là con số quan trọng bởi đây là yếu tố giúp nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Còn lượng vốn FDI dùng để mua nhà máy, doanh nghiệp của doanh nghiệp Việt thì cho thấy thực tế là nền kinh tế đang rất khó khăn.
"Khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, doanh nghiệp rất khó khăn thì cần số vốn tăng tương ứng như vậy để thanh khoản tiếp tục hoạt động. Đằng này thanh khoản cạn kiệt khiến doanh nghiệp buộc phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh hay bán tài sản để trả nợ", ông Cung nói.
Ông Nguyễn Đình Cung cho rằng nếu không sớm có những chính sách hỗ trợ bằng việc giảm thuế, lệ phí, gỡ vướng mắc về thanh khoản, nguy cơ doanh nghiệp bị nước ngoài "mua rẻ" là rất hiện hữu.
Hiện chi phí nguyên vật liệu đầu vào hiện không thể không tăng nên chỉ còn cách hỗ trợ giảm các chi phí khác cho doanh nghiệp. Chính sách tài khoá lúc này phải nới lỏng, mở rộng, giảm thu, tăng chi cho doanh nghiệp và người dân có dư địa để hoạt động.
Với những gói tài khoá có tỷ lệ giải ngân rất thấp như gói hỗ trợ lãi suất 2% thì cần chuyển nguồn lực sang thực hiện giảm thuế, phí cho doanh nghiệp hơn là giữ lại gói này mà không hiệu quả.
Trong khi đó, để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, Ban IV đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Giảm 2% thuế VAT, giãn/hoãn áp dụng biểu giá thuê đất mới, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ,...
Đồng thời, khẩn trương tháo gỡ khó khăn về thanh khoản bên cạnh các giải pháp rà soát, cải thiện, tháo gỡ khó khăn liên quan đến thuế và thủ tục hành chính.