Nguy cơ có người mang mầm bệnh COVID-19 trong cộng đồng mà không phát hiện ra được
Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra sáng nay 24/4, Ban Chỉ đạo nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong nước đang được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, diễn biến trên thế giới rất phức tạp, tiềm ẩn những yếu tố khó lường. Nguy cơ dịch bệnh thâm nhập vào trong nước vẫn còn hiện hữu, không được chủ quan.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chúng ta vui mừng vì "những con số biết nói", cho thấy nay dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều địa phương được nới lỏng cách li, học sinh sắp quay trở lại trường… nhưng trên thế giới, mỗi ngày vẫn ghi nhận khoảng 50.000 người nhiễm mới, 5.000 người tử vong.
"Nhiều nơi tưởng chừng đã kiểm soát được tình hình nhưng dịch bệnh đã bùng phát trở lại", ông Đam nói.
Bên cạnh đó, virus SARS-CoV-2 rất "biến ảo". Nhiều người nhiễm không có triệu chứng. Nhiều người có thời gian ủ bệnh rất lâu. Không ít người đã xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính nhiều lần. Các chuyên gia đều cho rằng tất cả mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều có rủi ro người mang mầm bệnh trong cộng đồng.
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, các ổ dịch xuất hiện vừa qua, chúng ta đã phong toả quyết liệt và giải quyết được, những trường hợp nghi nhiễm đều không cho tiếp xúc với người lành, nên chúng ta khống chế được.
Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, không phải chúng ta xử lí được 100% các ca nhiễm mà chỉ là hạn chế tối đa những người đang mang mầm bệnh tiếp xúc với người lành, chứ không bảo đảm ngăn chặn triệt để.
Theo thống kê, tỉ lệ người mang mầm bệnh có khoảng 40% không có triệu chứng; nhiều trường hợp có triệu chứng nhẹ; chưa kể còn có tình trạng có người xét nghiệm âm tính sau đó lại dương tính nhiều lần.
Do đó, thực tế hoàn toàn có thể tồn tại những người mang mầm bệnh trong cộng đồng. Các trường hợp này có thể lây bệnh cho người lành, dẫn tới trong nước có thể xuất hiện thêm những ca nhiễm mới trong thời gian tới. Đây là nguy cơ có thật và hiện hữu.
"Chúng ta không được mất cảnh giác, không được chủ quan, tiếp tục thực hiện tốt nguyên tắc chống dịch, không để dịch bệnh bùng phát, từ "đốm lửa nhỏ" lây lan thành đám cháy lớn như ở một số nước", ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Lí giải về trường hợp những người lành mang bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính rồi lại dương tính, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết về chuyên môn, có thể người đó chưa khỏi bệnh hoàn toàn; hoặc đã khỏi bệnh nhưng đang trong quá trình đào thải virus.
Còn trường hợp người lành mang bệnh xảy ra khi cơ thể người mang virus chưa sản xuất đủ kháng thể để tiêu diệt virus. Bộ Y tế đang giao 2 cơ quan nghiên cứu sâu các trường hợp này.
Do vậy, theo ông Long, thực tế có thể chúng ta không ghi nhận những ca bệnh mới, song vẫn có những người mang virus tồn tại trong cộng đồng mà không phát hiện ra được. Do chưa có vaccine, thuốc đặc trị nên các chuyên gia trên thế giới đều rất lo ngại về khả năng lây nhiễm trở lại.
Bài học từ các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore... cho thấy làn sóng thứ hai xâm nhập, tồn tại và phát triển trong một cộng đồng không được biết tới cho đến khi bùng phát.
"Chính vì vậy, chúng ta không được lơ là, chủ quan trong bất cứ tình huống nào. Chúng ta kiên quyết ngăn chặn triệt để từ bên ngoài, nhanh chóng phát hiện thật sớm tất cả các ca bệnh để cách li, điều trị dập dịch từ bên trong, tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ", ông Long nói.