|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguồn cung kho lạnh dự báo tăng 70%

21:00 | 17/03/2024
Chia sẻ
Nguồn cung kho lạnh tại Việt Nam dự kiến tăng 70% trong 5 năm tới, tăng từ 1 triệu lên 1,7 triệu pallet, theo FiinGroup.

 Ảnh: Báo Đảng Cộng sản Việt Nam.

Báo cáo thị trường chuỗi cung ứng lạnh 2024 do FiinGroup mới phát hành cho biết đang có 101 nhà cung cấp kho lạnh thương mại với tổng công suất thiết kế trên một triệu pallet tại Việt Nam.

Trong 3 năm nay, lĩnh vực kho lạnh nổi lên như một phân khúc đang phát triển của thị trường bất động sản công nghiệp, thu hút đầu tư đáng kể từ cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Điều này đã thúc đẩy mở rộng công suất đến 48%.

Công ty về dịch vụ dữ liệu và xếp hạng tín nhiệm này dự báo đến 2028, công suất kho lạnh cả nước sẽ đạt trên 1,7 triệu pallet, với 13 dự án mới trong giai đoạn 2024 - 2028.

Trong ngành logistics nói chung, kích thước phổ biến một pallet là 1000x1000 mm và 1000x1.200 mm. Còn theo tiêu chuẩn ISO, pallet tiêu chuẩn trong ngành thực phẩm là 1016 x 1219 mm và ngành đồ uống là 1016 x 1016 mm.

Đến năm 2023, top 5 nhà cung cấp kho lạnh dẫn đầu thị trường bao gồm: Lineage 2Logistics, Transimex, Hùng Vương, AJ Total và Hanaro TNS. Tổng cộng 10 công ty hàng đầu chiếm đến 46,5% thị phần, theo FiinGroup.

Kho lạnh là một phần trong chuỗi cung ứng lạnh, đạt quy mô 211,2 triệu USD vào năm 2023. Ngành này phát triển bởi nhu cầu xuất khẩu hải sản, nhập khẩu thịt, phân phối trong nước, trái cây/rau quả, sữa và dược phẩm.

Tuy nhiên, năm qua, lĩnh vực chuỗi lạnh tại Việt Nam chứng kiến bức tranh ảm đạm do nhu cầu từ các phân khúc khách hàng chủ chốt sụt giảm. Đáng kể nhất là xuất khẩu thủy sản giảm và lượng tiêu thụ thịt từ dịch vụ ăn uống giảm.

Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 2023 giảm 18,4%, đạt khoảng 9,2 tỷ USD. Cùng với đó, nhập khẩu thịt của Việt Nam ghi nhận mức giảm nhẹ 3,9%, còn 1,43 tỷ USD, chủ yếu là do mức tiêu thụ thịt từ ngành ẩm thực giảm.

Tuy nhiên, bất động sản kho lạnh và ngành chuỗi cung ứng lạnh nói chung dự báo vẫn tiềm năng về dài hạn. Xuất khẩu thủy sản có tín hiệu hồi phục từ cuối năm trước.

Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 716.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD năm ngoái, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương). OECD-FAO dự báo đến năm 2030, tiêu thụ thịt bò trên đầu người của Việt Nam sẽ cao nhất trong Đông Nam Á.

Anh Kỳ