Nguồn cung eo hẹp cản trở tham vọng xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành cà phê
Nguồn cung cạn dần, tham vọng xuất khẩu 4 tỷ USD của ngành cà phê không dễ đạt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê với giá trị thu về 2,8 tỷ USD, tăng 15,3% về lượng và 40,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, kim ngạch xuất khẩu cà phê trong 8 tháng đã gần bằng con số 3,1 tỷ USD thực hiện trong cả năm ngoái. Và với tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua, ngành cà phê đặt kỳ vọng mang về 4 tỷ USD từ xuất khẩu trong năm 2022, con số cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia vấn đề lớn nhất cản trở tham vọng 4 tỷ USD của ngành cà phê là nguồn cung dành cho xuất khẩu hiện không còn nhiều sau khi tăng mạnh trong những tháng đầu năm.
Số liệu cho thấy, lượng cà phê xuất khẩu của nước ta đã liên tục giảm từ đầu quý III đến nay. Trong tháng 8 lượng cà phê xuất khẩu giảm 4% so với cùng kỳ, xuống còn 112.531 tấn; trước đó xuất khẩu tháng 7 cũng chỉ đạt 113.852 tấn, giảm 6,8%.
Trả lời Bloomberg, ông Phan Hùng Anh, Giám đốc điều hành của Công ty Cổ phần Thương mại Cà phê Quang Minh tại tỉnh Bình Dương, cho biết: “Chúng tôi lo ngại tình trạng thiếu hụt hàng sẽ kéo dài đến tháng 11. Lượng hàng nằm trong tay người dân có lẽ chỉ khoảng 2% sản lượng hàng năm, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 13%”.
Theo ước tính của một số thương nhân, tồn kho tính đến cuối tháng 9 có thể chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dự kiến phải đến tháng 11-12 mới có thể thu hoạch cà phê niên vụ 2022-2023.
Trong khi đó, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn nguồn tin từ Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), cho biết sản lượng cà phê niên vụ 2021-2022 của nước ta chỉ đạt 1,5 triệu tấn, thấp hơn khoảng 120.000 tấn so với 1,62 triệu tấn của niên vụ 2020-2021.
Ngân hàng Citigroup Inc. cũng đã cắt giảm dự báo sản xuất cà phê tại Việt Nam trong năm nay và năm sau do các cuộc khảo sát cây trồng cho thấy việc mở rộng diện tích cà phê bị ảnh hưởng bởi giá phân bón tăng cao.
Trong một báo cáo, Citigroup Inc. nhận định: “Điều này gây ra rủi ro đáng kể cho triển vọng cho vụ sắp tới”. Theo đó, ngân hàng này đã cắt giảm dự báo vụ mùa của Việt Nam lần lượt là 1 và 2 triệu bao cho niên vụ 2021-2022 và 2022-2023.
Trong 3 năm gần đây (2019-2021) lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam dao động trong khoảng 1,56 – 1,66 triệu tấn. Nếu dựa theo con số này thì sản lượng dành cho xuất khẩu trong 4 tháng cuối năm vào khoảng 430.000 – 450.000 tấn.
Mặc dù vậy, giá cả tăng cao vẫn sẽ là động lực tăng trưởng cho ngành cà phê trong thời gian tới.
Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng vọt lên mức kỷ lục 50.200 – 50.700 đồng/kg trong ngày 25/8, sau đó giá có phần hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức khá cao từ 48.000 – 48.600 đồng/kg tính đến ngày 9/9.
Giá xuất khẩu bình quân cà phê trong tháng 8 cũng tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 17,6% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 2.365 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất ghi nhận được kể từ tháng 5/2011.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu cà phê của nước ta đã tăng 21,8% so với cùng kỳ, đạt bình quân 2.271 USD/tấn. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung được cho là nguyên nhân chính đẩy giá cà phê trong nước và xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua.
Bất chấp kinh tế khó khăn, EU vẫn tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn đều tăng do nhu cầu phục hồi sau đại dịch Covid -19, trong khi nguồn cung toàn cầu thắt chặt do mất mùa và ách tắc chuỗi cung ứng tại một số nước sản xuất lớn.
8 tháng đầu năm nay, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của nước ta với thị phần chiếm 39% tổng khối lượng xuất khẩu, với 490.699 tấn, trị giá 1,1 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 27,1% về lượng và 54,4% về trị giá.
Tại EU, lượng cà phê của Việt Nam xuất khẩu sang một số thị trường như Bỉ, Tây Ban Nha, Hà Lan, Pháp, Bồ Đào Nha… đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, trong tháng 8 lượng cà phê xuất khẩu sang EU tăng 11,8% so với tháng trước lên 41.260 tấn.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, “Bất chấp lạm phát chạm đỉnh 20 năm, xuất khẩu cà phê sang EU vẫn tăng trưởng tốt. Bởi, cà phê là mặt hàng thiết yếu, thức uống không thể thiếu của các nước phương Tây.
Mặt khác, lợi thuế thuế quan từ hiệp định EVFTA cũng mang lại động lực lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu cà phê vào thị trường này”, ông Hải cho biết.
Bên cạnh đó, lượng cà phê xuất khẩu sang các thị trường khác cũng đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong 8 tháng đầu năm nay như Nga tăng 17,3%, Anh tăng 57,9%, Ấn Độ tăng 116% và Mexico tăng đột biến gấp 52 lần.
Tuy nhiên, xuất khẩu cà phê ghi nhận sự sụt giảm ở một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Angiêri, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia…