|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nguồn cơn khiến chứng khoán lao dốc và chiến lược cơ cấu tài khoản sau phiên VN-Index mất gần 40 điểm

18:00 | 25/09/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán giảm sâu phiên 25/9 với hàng trăm mã giảm sàn. Giới phân tích nhận định đà rơi của thị trường đến từ loạt yếu tố như áp lực chốt lời, lo ngại về chính sách lãi suất, áp lực giải chấp ở một số mã.

 

 Sau phiên giảm sâu ngày 25/9, VN-Index rơi xuống chạm đường MA (100). Ảnh: TradingView.

Sau khi để mất mốc 1.200 điểm trong tuần giao dịch trước đó, thị trường mở màn phiên đầu tuần này bằng một phiên rớt mạnh. Lực bán mạnh trên diện rộng đẩy chỉ số về sát ngưỡng 1.150 điểm. Nhà đầu tư giao dịch với tâm lý đè nặng khi phiên hôm nay có tới 172 mã giảm kịch biên độ, riêng sàn HOSE có 110 cổ phiếu giảm sàn.

Theo quan sát, VN-Index đã giảm 7,4% kể từ vùng 1.245 điểm thiết lập vào ngày 12/9, tức chỉ số đã đánh rơi hơn 92 điểm chỉ sau chưa đầy nửa tháng. Về mặt kỹ thuật, VN-Index đã phá đáy gần nhất 1.173 điểm lập vào phiên 23/8 và chạm vào đường trung bình 100 ngày (MA100).

Đà giảm diễn ra trên diện rộng với nhiều nhóm cổ phiếu. Tuy nhiên, nhóm ngành có tính thị trường mạnh hoặc tăng nhiều trong giai đoạn trước như chứng khoán, bất động sản, thép có mức điều chỉnh lớn hơn mặt bằng chung của thị trường. Nếu nhà đầu tư sử dụng margin trong khi danh mục tỷ trọng lớn cổ phiếu đang bị bán mạnh (chứng khoán, thép, xây dựng và vật liệu...) đối mặt với nguy cơ gọi ký quỹ (call margin).

Vậy vì sao thị trường đột ngột giảm sâu như vậy? Nhà đầu tư nên cơ cấu danh mục đầu tư như thế nào trong bối cảnh hiện nay?

VN-Index thủng 1.200 điểm cùng loạt yếu tố tiêu cực bủa vây

Theo ông Trần Xuân Bách, Trưởng nhóm vĩ mô và thị trường của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán (TTCK) xảy đến hội tụ nhiều yếu tố. Thứ nhất, NĐT lo ngại về động thái điều chỉnh chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khi Fed có khả năng sẽ còn thêm lần tăng lãi suất trong năm 2023 và có thể duy trì mặt bằng lãi suất cao trong thời gian lâu hơn.

Thứ hai, áp lực bán giải chấp xuất hiện ở nhiều nhóm cổ phiếu. Thứ ba, định giá của nhóm phi tài chính ở mức cao trong lịch sử. Cuối cùng, VN-Index đã xuyên thủng vùng hỗ trợ tâm lý quanh 1.200 điểm.

Quan sát trong 10 phiên giao dịch gần đây, thị trường xuất hiện dồn dập thông tin được giới đầu tư đánh giá kém tích cực đến triển vọng đầu tư như động thái hút tiền khi NHNN chào bán tín phiếu, khoản 7 điều 8 Thông tư 06/2023 của NHNN có thể tác động nguồn vốn của công ty chứng khoán, thậm chí là tin đồn liên quan đến lãnh đạo HOSE. Nhưng ngay sau đó, HOSE đã liên tiếng phủ nhận tin đồn trên.

Lý giải về cú giảm sâu trên quan điểm từ một người trực tiếp tham gia giao dịch, ông Nguyễn Vũ Luân, Trưởng phòng Môi giới của VNDirect (Mã: VND) nhận định diễn biến suy yếu các phiên gần đây cho thấy tâm lý NĐT cá nhân vẫn chi phối chủ yếu lên TTCK sau khi tiếp nhận nhiều thông tin tiêu cực ngắn hạn. Bên cạnh đó, thị trường cũng thể hiện dòng tiền giải ngân đầu tư thiếu nền tảng vững chắc và mang tính đầu cơ cao. Những điều trên đã dẫn đến thị trường nhiều biến động hơn và tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn.

Còn với góc nhìn của ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng Phòng phân tích Chiến lược của CTCK KIS Việt Nam, đây là diễn biến bình thường trên thị trường, đặc biệt là vào giai đoạn tạo đỉnh.

“Nếu nhìn lại năm 2022, chúng ta sẽ thấy được rất nhiều phiên giao dịch như thế này. Gần nhất có thể kể đến phiên giao dịch ngày 18/8, thị trường cũng giảm 4,5%. Nhưng sau đó, thị trường đã phục hồi trở lại. Nếu tham gia thị trường đủ lâu NĐT sẽ gặp rất nhiều phiên giao dịch như vậy. Nguyên nhân của sự điều chỉnh là do tâm lý bi quan của NĐT khi áp lực bán gia tăng quanh vùng đỉnh 1.200 - 1.250 điểm”, ông Hiếu chia sẻ.

Chuyên gia KIS lưu ý, vài phiên điều chỉnh có thể làm thị trường suy yếu trong ngắn hạn nhưng không thể làm xu hướng tăng trung và dài hạn đảo chiều. Sự thay đổi chỉ diễn ra khi các yếu tố vĩ mô làm thị trường đảo chiều. Hiện ông Hiếu chưa nhận thấy có sự thay đổi quan trọng theo hướng tiêu cực trong các yếu tố vĩ mô.

Nỗi lo cắt margin tạo làn sóng bán giải chấp. Ảnh: Hoàng Linh.

Nỗi lo cắt margin tạo làn sóng bán giải chấp

Việc thị trường điều chỉnh mạnh cũng dấy lên nỗi lo cắt giảm margin từ phía công ty chứng khoán (CTCK), dẫn đến thị trường rớt sâu hơn. Thị trường cũng xuất hiện tin đồn về việc cắt giảm margin tại công ty chứng khoán đang có thị phần hàng đầu. Tuy nhiên, những nhà phân tích đều có chung góc nhìn đây là hoạt động bình thường của CTCK nhằm bảo vệ nguồn vốn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Luân cho rằng không phải hiện nay CTCK nào cũng khó khăn trong việc cấp margin, có thể chỉ xảy ra cục bộ một vài đơn vị hoặc một số mã cổ phiếu nóng trên thị trường. Các CTCK cũng có cách ứng xử khác nhau về việc quản lý margin, nên việc hạn chế cấp margin sẽ không phổ biến.

Trong khi đó ông Trần Trương Mạnh Hiếu đánh giá sự điều chỉnh chính sách margin từ CTCK này có thể làm áp lực bán gia tăng trong một vài phiên. Song, nhìn xa hơn, sau các phiên bán ra do hạn chế margin, thị trường khả năng hình thành một nền giá mới, từ đó bắt đầu cho một xu hướng mới.

NĐT không nên bán tháo ở vùng dưới 1.150 điểm

Sau khi đưa ra nhận định về bối cảnh thị trường hiện tại, ông Trần Xuân Bách đưa ra khuyến nghị chiến lược giao dịch với nhà đầu tư. Nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao cần tận dụng các nhịp hồi phục kỹ thuật của thị trường để bán giảm tỷ trọng cổ phiếu, gia tăng lượng tiền mặt trong danh mục. NĐT tránh bán tháo giá thấp khi VN-Index về dưới vùng hỗ trợ 1.150 điểm.

Đối với các NĐT đang có tỷ trọng tiền mặt lớn và có khẩu vị rủi ro cao, chuyên gia của BVSC khuyến nghị có thể xem xét mở các vị thế mua trading T+ khi chỉ số lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 1.135 – 1.150 điểm. Tuy nhiên, NĐT cần kiểm soát tỷ trọng giải ngân phù hợp với khẩu vị rủi ro và nên tập trung vào các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh quý III tích cực.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Vũ Luân đánh giá đây có thể là cơ hội để có suất sinh lợi cao. Nhịp điều chỉnh lần này sớm kết thúc và thị trường sẽ tích luỹ cho nhịp tăng mới. Đây là cơ hội để tích luỹ cổ phiếu với vị thế dài hạn khi nền kinh tế bắt đầu vào chu kỳ phục hồi sớm, lãi suất xu hướng giảm, tồn kho giảm bớt, tín dụng dần dần được khơi thông trở lại, chỉ số PMI và hoạt động xuất nhập khẩu cũng có nhiều dấu hiệu hồi phục rõ nét.

Trong khi với quan điểm thận trọng hơn, khối phân tích VCBS khuyến nghị nhà đầu tư dừng giải ngân mới để chờ đợi mức biến động của thị trường giảm xuống, đồng thời cân nhắc thu gọn lại danh mục với tỉ trọng cổ phiếu ở mức thấp khoảng 20% với ưu tiên nắm giữ là các mã chưa bứt phá mạnh từ nền giá gần nhất hoặc điều chỉnh giảm thấp hơn chỉ số chung trong phiên hôm nay.

 

Xuân Nghĩa