|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Việt hoang mang trước bê bối thực phẩm chức năng Nhật Bản

11:57 | 16/04/2024
Chia sẻ
Nhiều nhà bán cho biết doanh số các thực phẩm chức năng nguồn gốc Nhật Bản đã giảm, một số khác ngừng nhập khẩu.

Nikkei đưa tin, Phạm Trần, 43 tuổi, điều hành một công ty thương mại tại Osaka, đang ngược xuôi trả lời các câu hỏi từ khách hàng ở Việt Nam sau khi vấn đề sức khỏe liên quan đến thực phẩm chức năng "men gạo đỏ" nổi lên ở Nhật Bản vào tháng trước.

5 người đã tử vong sau khi dùng thực phẩm chức năng này do công ty Dược phẩm Kobayashi có trụ sở tại Osaka sản xuất. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho biết tính đến 14/4, đã có tổng cộng 231 người phải nhập viện.

"Sản phẩm này có chứa thành phần của men gạo đỏ không?" một khách hàng hỏi Trần trước khi đặt các mặt hàng khác. Một người khác, có vẻ như đang cố gắng tránh các sản phẩm của Kobayashi, đã hỏi: "Đây là sản phẩm của công ty nào?”.

Thực phẩm chức năng do Kobayashi sản xuất. (Ảnh: Nikkei).

Trần cùng chị gái xuất khẩu nhiều mặt hàng Nhật Bản sang Việt Nam theo đơn đặt hàng của khách. Họ cũng bán buôn các sản phẩm Nhật Bản cho các nhà bán lẻ ở Việt Nam. Thực phẩm chức năng là một trong những mặt hàng được ưa chuộng nhất.

Nhìn chung, các sản phẩm Nhật Bản được ưa chuộng bởi người tiêu dùng trên khắp châu Á, và người Việt Nam đặc biệt tin tưởng vào chất lượng cao và sự tỉ mỉ của người Nhật, từ đồ gia dụng, quần áo đến thực phẩm và thuốc.

Theo văn hoá, người Việt Nam rất coi trọng sức khỏe, với nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe tự sản xuất trong nước. Theo Báo Chính phủ, cả nước có hơn 3.100 cơ sở sản xuất, cung cấp gần 12.000 sản phẩm chức năng. Các sản phẩm chức năng sản xuất trong nước chiếm khoảng 60% đến 80% doanh số bán hàng trên cả nước vào năm 2022.

Tuy nhiên, khi mức thu nhập tăng lên, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, thúc đẩy gia tăng sự phổ biến của các sản phẩm thực phẩm chức năng có nguồn gốc Nhật Bản trong những năm gần đây.

Trong số các sản phẩm được ưa chuộng nhất - và nổi tiếng hơn ở Việt Nam so với Nhật Bản - là Fucoidan, một chất xơ hòa tan trong nước được chiết xuất từ ​​tảo biển; Spirulina, một loại tảo xanh lam; và Nattokinase, chiết xuất từ ​​nấm đậu tương lên men (natto). 

Theo Chiaki.vn, một trang web chuyên giới thiệu và bán các sản phẩm thực phẩm chức năng Nhật Bản trực tuyến, những sản phẩm này nằm trong top 5 thực phẩm chức năng được ưa chuộng nhất của Nhật Bản.

Những sản phẩm bổ sung như vậy là một trong những món quà tặng phổ biến nhất đối với người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản mang về quê nhà. Người Việt Nam là nhóm người nước ngoài lớn thứ hai sinh sống tại Nhật Bản, có 520.000 người tính đến tháng 6/2023, chỉ đứng sau Trung Quốc (788.000 người), điều này cho thấy họ là một nhóm khách hàng đáng kể đối với các nhà sản xuất thực phẩm chức năng Nhật.

Tuy nhiên, vấn đề men gạo đỏ đã phủ bóng lên niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam, không chỉ đối với các sản phẩm của Kobayashi mà còn đối với toàn bộ các sản phẩm thực phẩm chức năng của Nhật Bản.

Chị Trần nói: ”Một trong những nhà bán lẻ khách hàng của chúng tôi ở Việt Nam cho biết họ sẽ tạm dừng bán thực phẩm chức năng Nhật Bản và thay thế bằng các sản phẩm của Mỹ”.

Đầu tháng này, Bộ Y tế thông báo các sản phẩm men gạo đỏ của Kobayashi chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam. Các quốc gia khác như Malaysia và Singapore cũng đã thông báo không lưu hành các sản phẩm này trên lãnh thổ của họ.

Cho đến nay, tác động ở Việt Nam dường như không lớn. "Doanh số bán hàng của chúng tôi gần đây có giảm nhưng không thể xác định chính xác là do cạnh tranh khốc liệt trên thị trường bán lẻ, do vụ bê bối hay do nghi ngờ về chất lượng sản phẩm Nhật Bản”, một cửa hàng trực tuyến ở TP HCM cho biết. 

Một chuỗi hiệu thuốc lớn, không bán sản phẩm của Kobayashi, cho biết: “Cho đến nay, việc bán thực phẩm chức năng thương hiệu Nhật Bản vẫn diễn ra bình thường”.

Tuy nhiên, nếu số nạn nhân của vấn đề men gạo đỏ ở Nhật Bản gia tăng, lo ngại của người Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác cũng có thể tăng theo. Điều này cũng có thể ảnh hưởng đến việc du khách mua các sản phẩm thực phẩm chức năng và thuốc của Nhật Bản. Chỉ riêng trong tháng 1, Nhật Bản đã đón 300.000 khách du lịch từ khu vực này, chiếm 11% tổng số du khách.

"Tôi vẫn tin tưởng vào thực phẩm chức năng và thuốc của Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu công ty và chính quyền Nhật Bản không có động thái giải quyết vấn đề này, tôi sẽ dừng mua chúng”, Nguyễn Thu Hà, Giáo viên dạy tiếng Nhật 26 tuổi tại Hà Nội, chia sẻ với Nikkei Asia.

Đức Huy

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.