|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Việt đã bớt sợ thất bại trong kinh doanh

06:45 | 23/09/2016
Chia sẻ
Tình hình khởi sự doanh nghiệp, kinh doanh của người Việt Nam đang ngày một tích cực qua các con số khảo sát trong báo cáo “Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2015-2016” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện.
nguoi viet da bot so that bai trong kinh doanh
Ảnh minh họa (Nguồn: blog.bizweb.vn)

Cụ thể, nhận thức xã hội tích cực về doanh nhân ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và các nhóm nước phát triển khác. Có 75,8% ý kiến cho rằng doanh nhân thành công ngày càng được xã hội coi trọng, 73,5% ý kiến coi kinh doanh là một lựa chọn nghề nghiệp đáng mơ ước.

Ý nghĩ lo sợ thất bại trong kinh doanh ở người Việt giảm dần xuống: năm 2013, tỷ lệ người trưởng thành sợ thất bại là 56,7%; năm 2014 là 50,1% và năm 2015 là 45,6%.

Khảo sát của VCCI tại Việt Nam là một phần của khảo sát theo Chỉ số khởi nghiệp toàn cầu (Global Entrepreneurship Monitor - GEM).

Chỉ số GEM bắt đầu được thực hiện từ năm 1999 dưới sự điều phối của Hiệp hội các nhà nghiên cứu kinh doanh toàn cầu (GERA) để đánh giá thực trạng khởi nghiệp và phát triển kinh doanh tại các quốc gia nhằm cung cấp những thông tin cập nhật và chính xác về hoạt động kinh doanh trên toàn cầu cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các doanh nhân và những người quan tâm trên toàn thế giới.

Sau 17 năm triển khai, GEM đã thu hút hơn 100 quốc gia tham dự và trở thành nghiên cứu có quy mô lớn nhất về khởi nghiệp trên toàn cầu. Các nước tham gia GEM được phân theo khu vực địa lý và trình độ phát triển, Việt Nam nằm ở trong nhóm “Các nước phát triển dựa trên nguồn lực” (giai đoạn I của khởi nghiệp), dưới các nhóm “Các nước phát triển dựa trên hiệu quả” (giai đoạn II) và “Các nước phát triển dựa trên đổi mới” (giai đoạn III).

Năm 2015 là năm thứ ba liên tiếp, VCCI đại diện cho Việt Nam thực hiện khảo sát GEM. Báo cáo GEM 2015 của VCCI ở Việt Nam dựa trên kết quả khảo sát 2.000 người trưởng thành và 36 chuyên gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực trên cả nước.

Theo báo cáo GEM, tỷ lệ người trưởng thành nhận thức về cơ hội kinh doanh ở Việt Nam năm 2015 là 56,8%, tăng mạnh so với năm 2014 ở mức 39,4% và năm 2013 ở mức 36,8%. Tỷ lệ này trung bình ở các nước phát triển dựa trên nguồn lực là 53,8%. Tỷ lệ người trưởng thành ở Việt Nam có ý định khởi sự trong kinh doanh trong vòng ba năm tới là 22,3%, tăng so với năm 2014 là 18,2%, tuy nhiên vẫn thấp hơn tỷ lệ trung bình 36,5% của các nước cùng nhóm.

Có thể chia động cơ khởi nghiệp thành hai loại: Vì nhu cầu thiết yếu (37,4%) và Tận dụng cơ hội (62,6%). Khởi nghiệp vì nhu cầu thiết yếu là chưa có việc làm, bắt đầu kinh doanh để mưu sinh hàng ngày, như mở hàng bán bánh mì; còn tận dụng cơ hội là đã có công việc nhưng muốn đứng ra riêng kinh doanh khi nhìn thấy những cơ hội.

Có một số liệu đáng ngạc nhiên là tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp trong năm 2015 cao hơn nam giới: 15,5% so với 11,6%. Tuy nhiên, số tỷ lệ phụ nữ khởi nghiệp vì nhu cầu thiết yếu lại cao hơn nhiều so với nam giới: 43,8% so với 28,3%.

Qua báo cáo GEM 2015, ban soạn thảo đưa ra một số khuyến nghị nhằm thúc đẩy phong trào khởi nghiệp: tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua gỡ bỏ các rào cản; xây dựng các chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông, đại học theo hướng đào tạo kỹ năng sáng tạo, độc lập và khả năng làm việc theo nhóm; khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp; tăng cường thông tin về các cam kết hội nhập; khuyến khích các doanh nghiệp xã hội.

Theo Đinh Hiệp

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online