Người trồng cà phê Việt Nam và Brazil trữ hàng chờ giá lên
Thị trường cà phê Việt Nam bất ngờ vắng khách dù đã gần cuối năm |
Colombia đặt mục tiêu tăng sản lượng cà phê |
Trữ hàng chờ giá lên
Bloomberg trích lời của bà Hoàng Thị Thơm, một người trồng cà phê tại tỉnh Đắk Lắk, cho biết chưa muốn bán cà phê vụ này.
Với giá cà phê robusta giảm 18% trong năm nay, bà Thơm mới chỉ bán một phần nhỏ trong số 6 – 7 tấn cà phê dự kiến thu hoạch trong vụ này. Bà dự tính sẽ giữ số cà phê còn lại qua sau Tết Nguyên đán mới bán.
“Chúng tôi sẽ lỗ nặng nếu bán cà phê với giá rẻ bèo hiện nay. Số cà phê còn lại tôi định sẽ bán trong tháng 2/2018, sau Tết Nguyên đán”, bà Thơm cho biết.
Không riêng bà Thơm lâm vào tình cảnh này. Cách Việt Nam nửa vòng Trái Đất, tại Brazil, nông dân Joao Luis Carneiro Vianna cũng đang giữ lại một nửa số cà phê thu hoạch vụ vừa qua, cao hơn tỷ lệ 30% như bình thường. Giá loại cà phê arabica mà ông trồng đã giảm 8% trong năm qua.
Nông dân thu hoạch cà phê tại Buôn Ma Thuột. Nguồn: Kham/Reuters. |
Sản lượng tăng, dự trữ giảm
Tâm lý giữ hàng chờ giá lên của người trồng cà phê Việt Nam và Brazil khiến giới đầu cơ lo ngại nguồn cung dư thừa sẽ khiến thị trường ngày càng suy yếu. Triển vọng về một vụ mùa bội thu tại Việt Nam và Brazil có thể khiến giá cà phê ngày càng giảm.
Ông Eric Llull, chuyên gia nghiên cứu cà phê tại tập đoàn Export Trading Group (ETG), dự báo thị trường cà phê sẽ dư khoảng 5,5 triệu bao trong niên vụ 2018 -2019.
“Người trồng cà phê tại hai quốc gia này rất khó dự đoán. Mức giá thấp hiện nay không đủ hấp dẫn những nông dân này nên họ chưa muốn bán cà phê ngay”, Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) Jose Sette nói trong cuộc phỏng vấn tại TP HCM.
Theo công ty xuất khẩu cà phê Intimex Group, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 5 – 10% so với vụ mùa bị thiệt hại năng do thiên tai vào năm trước. Tại Brazil, các thương nhân kỳ vọng sản lượng sẽ tăng do cây cà phê arabica đang ở chu kỳ cho năng suất cao nhất. Một số người còn dự báo sản lượng cà phê arabica sẽ tăng cao kỷ lục.
Dù sản lượng cà phê của Việt Nam và Brazil tăng có thể bù đắp thâm hụt 3,1 triệu bao trong mùa vụ bắt đầu từ ngày 1/10 tại nhiều nước, việc tích trữ cà phê có thể giúp thị trường giảm dư thừa tạm thời.
Theo công ty xuất khẩu cà phê Comexim của Brazil, kho cà phê dự trữ tại nước này sẽ giảm 61% xuống còn 1,04 triệu bao vào tháng 6/2018. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ ước tính kho cà phê dự trữ của Việt Nam giảm 69% xuống còn 1,18 triệu bao vào cuối vụ trước, thấp nhất kể từ niên vụ 2011 – 2012.
Rủi ro từ thời tiết bất lợi
Bất kỳ diễn biến bất lợi nào của thời tiết cũng có thể đe dọa đến 66% nguồn cung cà phê toàn cầu đến từ Brazil, Colombia, Indonesia và Việt Nam, ông Nicholas Strychalski, chiến lược gia tại hãng Cofco International, cho biết tại Hội nghị Cà phê Quốc tế tại TP HCM.
“Bất kỳ diễn biến bất lợi nào của thời tiết tại một trong những quốc gia này cũng sẽ khiến nguồn cung thiếu hụt”, ông Strychalski cho biết.
Theo ông Sette, tình trạng tập trung sản lượng tại một số quốc gia khiến thị trường dễ bị tổn thương khi thời tiết diễn biến xấu.
Trong khi nông dân Việt Nam bán nhiều cà phê hơn dự báo, một phần do tiền công lao động tăng cao, nhưng họ sẽ ngừng bán nếu có thể tìm được cách trang trải chi phí, ông Alex Gruber, giám đốc RCMA Commodities, cho biết. Chủ tịch Intimex Đỗ Hà Nam cho biết nông dân sẽ tiếp tục trữ cà phê nếu giá xuống dưới 35.000 đồng/kg.
“Chúng ta biết nông dân đang trữ cà phê nhưng thị trường đang xuống thấp. Họ không thích mức giá này vì năm ngoái họ bán được giá hơn. Vì thế, họ cần thời gian để làm quen với mức giá này”, ông Jonathan Clark, quản lý công ty cà phê Dakman, cho biết tại hội nghị.