Người trồng cà phê Myanmar hưởng lợi gì từ chứng nhận thương mại công bằng?
Ảnh: UNODC
Moe Ohn, một người nông dân đến từ làng Htant Hpa Yar ở thị trấn Hopong, thuộc hợp tác xã Green Gold, vui vẻ hái cà phê tại một đồn điền thuộc bang Shan, Myanmar.
Nhờ sự làm việc chăm chỉ của những người nông dân như bà Moe Ohn, Green Gold đã trở thành hợp tác xã cà phê đầu tiên ở Myanmar được trao chứng nhận thương mại công bằng.
Green Gold được thành lập vào năm 2015 với sự hỗ trợ của Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) và chính phủ Phần Lan, Đức và Thụy Sĩ.
Green Gold thuộc miền Nam bang Shan, một khu vực nổi tiếng về xung đột và là một trong những nơi sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới.
Hợp tác xã Green Gold gồm gần 1.000 hộ nông dân sản xuất qui mô nhỏ đã từng trồng thuốc phiện. Họ đến từ 2 nhóm dân tộc Shan và Pao, đã từng xảy ra xung đột trong quá khứ.
Hiện tại, những người nông dân này, gồm cả bà Moe Ohn, đang hợp tác để trồng cà phê arabica chất lượng cao.
Loại cà phê này đã được phục vụ tại Quốc hội ở Pháp vào tháng 3/2019. Green Gold đã hợp tác với Malongo, một công ty cà phê của Pháp để bán cà phê ở châu Âu.
Đối với bà Moe Ohn và gia đình, chứng nhận thương mại công bằng đảm bảo họ nhận được một mức giá hợp lí cho sản phẩm của mình.
Nông dân cũng nhận được một khoản phí bảo hiểm bổ sung, có thể được sử dụng làm đầu tư trực tiếp cho các lợi ích xã hội (trường học, đường xá, trung tâm y tế), củng cố hợp tác xã hoặc để cải thiện điều kiện sản xuất.
Hợp tác xã Green Gold. Ảnh: UNODC
Tất cả thành viên của hợp tác xã Green Gold đều có cùng trách nhiệm, quyền quyết định và đóng góp như nhau.
Các thành viên phải biết mục tiêu của hợp tác xã, biết nguyên tắc cơ bản của tiêu chuẩn Công bằng thương mại và tham gia vào tất cả khâu sản xuất.
Các hợp tác xã phải cung cấp dịch vụ cho thành viên của mình, gồm cả cơ sở chế biến, hỗ trợ kĩ thuật và giúp bán sản phẩm cuối cùng. Việc trao quyền cho các thành viên và đạt được sự tự chủ tài chính của hợp tác xã là điểm mấu chốt.
Người dân được hưởng lợi từ chứng nhận Thương mại công bằng
Bà Moe Ohn và những phụ nữ khác trong hợp tác xã như Moe Du, Nang Htwe và Nang Lon, được hưởng lợi trực tiếp từ chứng nhận thương mại công bằng.
Trong điều kiện của thương mại công bằng, phụ nữ được trao quyền và bình đẳng trong tất cả cấp của tổ chức và trong các đồn điền.
Họ khuyến khích bảo vệ trẻ em và cấm lao động trẻ em, thúc đẩy tinh thần đồng đội với các giá trị nhân văn như sự đoàn kết, trách nhiệm và sự tuân thủ chuẩn mực.
Những vấn đề môi trường và sức khỏe giảm vì có sự gia tăng kiến thức và nhận thức về việc quản lí hóa chất thích hợp trong các đồn điền.
"UNODC rất vui mừng khi Green Gold đã nhận được chứng nhận và nhận ra tầm quan trọng của việc hợp tác với nông dân để phát triển các lựa chọn thay thế cho việc trồng cây thuốc phiện", ông Troels Vester, Giám đốc của UNODC tại chi nhánh Myanmar cho biết.
Ngoài việc hỗ trợ hợp tác xã đạt được các điều kiện thương mại công bằng cần thiết, UNODC cũng đã hỗ trợ nông dân có được giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, gồm quyền sở hữu đất của phụ nữ và giáo dục lâm nghiệp.
Việc trồng cây thuốc phiện gây ra nạn phá rừng nghiêm trọng ở bang Shan, vì vậy UNODC đã đào tạo cho nông dân về quản lí rừng bền vững và trồng lại 700 ha rừng có giá trị.
Đối với người yêu thích cà phê, thương mại công bằng đảm bảo cà phê được tiêu thụ có đạo đức và có thể truy xuất nguồn gốc. Tất cả cà phê đều có nguồn gốc từ các thành viên của hợp tác xã và chất lượng được đảm bảo.
Chứng nhận thương mại công bằng đã thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ, hệ thống nông lâm kết hợp, cấm thuốc trừ sâu nguy hiểm và các sản phẩm biến đổi gen (GMO).
Đối với những người nông dân ở bang Shan, giờ đây họ có một giải pháp thay thế cho việc trồng thuốc phiện.
Ảnh: UNODC
Chứng nhận giúp đáp ứng một số mục tiêu phát triển bền vững của hợp tác xã, gồm mục tiêu 1: Không nghèo; mục tiêu 5: Bình đẳng giới; mục tiêu 8: Công việc và tăng trưởng kinh tế; mục tiêu 12: Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm và mục tiêu 16: Công lý hòa bình và thể chế mạnh mẽ.
Đối với các nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng, đóng góp cho công bằng thương mại là danh dự.
Nông dân sản xuất qui mô nhỏ được hưởng lợi từ các hoạt động buôn bán và canh tác.
Đối với người tiêu dùng, đó là một cách có trách nhiệm giúp đóng góp cho sinh kế bền vững hơn và môi trường trong sạch hơn.