|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Người trồng cà phê Mỹ Latinh, Caribe khốn đốn trước khủng hoảng giá cà phê toàn cầu

20:52 | 17/05/2019
Chia sẻ
Sự sụt giảm của giá cà phê - sản phẩm nông nghiệp được giao dịch nhiều thứ hai toàn cầu, với khoảng 15 tỉ USD tổng giá trị mỗi năm - đang tạo ra cuộc khủng hoảng đối với tình hình phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất cà phê, đặc biệt là các nhà sản xuất quy mô nhỏ ở Mỹ Latinh và Caribe.
Người trồng cà phê Mỹ Latinh, Caribe khốn đốn trước khủng hoảng giá cà phê toàn cầu  - Ảnh 1.

Người trồng cà phê khốn đốn trước khủng hoảng giá cà phê toàn cầu

Năm 2018, giá trung bình của một pound cà phê arabica chất lượng cao nhất là 1,01 USD. Tháng 4/2018, giá đã giảm mạnh xuống dưới 0,95 USD, mức giá trung bình hàng tháng thấp nhất trong gần 13 năm.

Khủng hoảng giá cà phê toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề tới Mexico, Costa Rica, Panama, El Salvador, Guatemala, Honduras, Belize, Colombia, Peru, Ecuador, Bolivia, Cộng hòa Dominican, Jamaica và Brazil. 

Đặc biệt, tại Colombia và Honduras, cà phê chiếm gần 1/3 sản lượng xuất khẩu. Giá giảm cũng đồng nghĩa với mất việc làm, tác động mạnh đến thu nhập và dòng di cư.

Việc các nhà sản xuất cà phê không có khả năng trang trải chi phí sản xuất, khắc phục các khoản nợ, duy trì mức độ việc làm hoặc có xu hướng trồng trọt với mức đầu tư tối thiểu cần thiết cho canh tác sẽ dẫn đến số lượng sâu bệnh lớn hơn và mức năng suất thấp hơn. Nhiều nông dân rơi vào cảnh nghèo đói và bị đe dọa bởi tình trạng mất an ninh lương thực.

Khủng hoảng giá cà phê toàn cầu là một vấn đề cấp bách

Gần 14 triệu người đã tham gia vào việc trồng cà phê ở Mỹ Latinh và Caribe.

Cuộc khủng hoảng giá cà phê là một vấn đề cấp bách nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà sản xuất. 

Do đó, nhu cầu cấp thiết là phải xây dựng các chính sách thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan trong chuỗi sản xuất cà phê; cải thiện khả năng tiếp cận thông tin và nguồn cung cạnh tranh, đồng thời thúc đẩy việc đổi mới các đồn điền với các giống cây trồng thu hoạch sớm, năng suất cao hơn, chống chịu sâu bệnh tốt hơn.

Một điều quan trọng nữa là tăng chất lượng và tính độc đáo, cấp chứng nhận để phận biệt các loại cà phê từ các khu vực địa lý cụ thể, cà phê đặc sản hoặc cà phê hữu cơ, cà phê được sản xuất bằng hệ thống bền vững hoặc cà phê carbon trung tính, cũng như cà phê hữu cơ hoặc cà phê thương mại bình đẳng.

Về cơ bản, các hành động ở cấp độ kinh tế vĩ mô cần phải được thực hiện bằng cách áp dụng các chính sách cải thiện đầu tư công và tăng khả năng cạnh tranh của chuỗi sản xuất cà phê trên thị trường và trong các tương tác với các nhà cung cấp lớn.

Đây là trọng tâm của một cuộc thảo luận cấp cao về các vấn đề cấp bách nhất trên toàn cầu. Đây cũng là một phần không thể thiếu trong các hoạt động của Tổ chức Hợp tác Nông nghiệp Mỹ (IICA) và là một trong những ưu tiên chính trong chương trình hợp tác kỹ thuật của tổ chức này.

Ngọc Ánh