Người trồng cà phê lao đao vì giá xuống
Kể từ tháng 7, giá cà phê bắt đầu lao dốc nhanh chóng. Kết thúc mùa vụ 2016 – 2017 (tức ngày 30/9) giá cà phê cao nhất ở mức 42.600 đồng/kg, được ghi nhận tại Buôn Hồ (Đắk Lắk) và Đắk Nông, còn thấp nhất là 41.600 đồng/kg tại Lâm Hà (Lâm Đồng).
Đến cuối tháng 10, giá cà phê Tây Nguyên chỉ dao động quanh ngưỡng 41.000 đồng/kg với mức giá cao nhất 41.200 đồng tại Ea H’leo, Cư M’gar và thấp nhất 40.000 đồng tại Lâm Hà. Sang đến tháng 11, chuỗi giảm dài và sâu của giá cà phê bắt đầu khi rơi xuống dưới mức 40.000 đồng/kg.
Người dân đang thu hoạch cà phê. Ảnh: Trang Anh |
Số liệu từ Bộ NN&PTNT cho thấy, thị trường cà phê trong nước biến động giảm mạnh trong tháng 11 theo xu hướng của thị trường thế giới. So với tháng 10, giá cà phê vối nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã giảm 2.600 – 2.700 đồng/kg xuống còn 37.400 – 38.400 đồng/kg. Và giá cà phê Robusta hiện tiếp tục sụt giảm do sức ép từ vụ mùa đang thu hoạch tại Việt Nam.
Hai tuần đầu tiên của tháng 12 cũng đã trôi qua và không mấy khởi sắc đối với giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên, khi giảm liên tiếp trong nhiều ngày. Diễn biến giá cà phê tại một số địa phương cho thấy, dù có những đợt phục hồi song giá cà phê có thể giảm sâu ngay sau đó. Đặc biệt là vào ngày 13/12, khi giá các tỉnh đều dưới 36.000 đồng/kg.
Biến động giá cà phê tại một số tỉnh, thành trong 2 tuần đầu tháng 12/2017. Nguồn: tintaynguyen, Diễn đàn của người làm cà phê |
Giá cà phê trong nước giảm một phần dotTrên thị trường thế giới, giá cà phê robusta trong tháng 11 cũng ở mức thấp. Đến ngày cuối cùng của tháng 1, giá robusta giảm còn 1.793 USD/tấn trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng, giảm 67 USD so với tháng 1. Sau đó, trong tháng 12 cũng tiếp tục chuỗi ngày giảm sâu xuống mức thấp nhiều tháng. Hôm 13/12, hợp đồng cà phê robusta giao tháng 1/2018 cũng giảm tới 2,3% xuống còn 1,688 USD/tấn.
Hiện đang là mùa thu hoạch cà phê tại Tây Nguyên, song với tình hình giá cả giảm thấp như hiện tại, bà con nông dân trồng cà phê không muốn bán, và thương lái cũng không muốn mua.
Theo ông Y Prênh Ayun (Sinh năm 1940, xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), gia đình ông trồng 1,2 ha cà phê. Với diện tích này, năm 2016, gia đình ông thu được khoảng 3 tấn cà phê, tuy nhiên năm nay do mưa kéo dài khiến cà phê bị ảnh hưởng năng suất và chất lượng nên chỉ còn khoảng 2 tấn.
“Đúng vào dịp thu cà phê xuất hiện mưa kéo dài khiến người dân không thể thu hái được. Bên cạnh đó, mưa khiến cà phê chín rụng xuống đất gây hư hỏng, mốc… Đến khi các chủ cơ sở đến thu mua thì giá thành sẽ giảm hơn so với bình thường”, ông Y Prênh Ayun nói.
So với năm ngoái, xu hướng biến động của giá cà phê cũng hoàn toàn khác biệt, khi giá tăng cao trong mùa vụ 2015 – 2016 chứ không biến động giảm dần như năm mùa vụ 2016 – 2017.
Biến động giá cà phê qua các năm. Nguồn: Bộ NN&PTNT, tintaynguyen |
Ông Vũ Văn Ty (Sinh năm 1958, khối 5, phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho hay, gia đình ông có 2 sào cà phê đã được 20 năm nay tuổi. Nhưng do thời tiết thất thường, nhân công không thuê được nên việc thu hái bị chậm ảnh hưởng đến sản lượng cà phê.
Cũng theo ông Ty, không chỉ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mà vụ cà năm nay là “vụ cà buồn” do giá thành thấp hơn những năm trước. “Năm ngoái giá cà phê lên gần 50.000 đồng/kg, nhưng năm nay chỉ còn khoảng 36.000 đồng/kg. Giá cả thấp, chất lượng cà phê lại kém nên nhiều gia đình lao đao ở vụ này”, ông Ty chia sẻ.
Ông Ty còn cho hay, do gia đình có ít diện tích cà phê nên không trữ lại đợi giá lên mới bán mà sau khi thu hoạch về sẽ bán cho các cơ sở thu mua nông sản. “Do công chăm bón cà phê cao nên nhiều gia đình tích trữ cà phê lại đợi giá thành lên cao mới bán. Nhưng như thế tôi thấy cũng mạo hiểm lắm, bởi nếu giá cao thì không sao, nhưng nếu thấp thì coi như trắng tay”, ông Ty nói.