|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Người sân bay Long Thành 'buồn' vì… giá đất tăng

08:22 | 20/06/2020
Chia sẻ
Thực tế, không chỉ có Dự án sân bay Long Thành, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của người dân đang đứng trước những khó khăn bởi vấn đề xác định giá đất đền bù, hỗ trợ.

Trước thực trạng bàn giao đất cho Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (CHKQTLT – Sân bay Long Thành) có nguy cơ chậm tiến độ, mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đốc thúc tiến độ, yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện sớm và phải giải ngân hết 23.000 tỉ đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) theo đúng quy định của pháp luật.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng gửi văn bản đốc thúc tiến độ thực hiện dự án, Trước đó, vào cuối tháng 4, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng yêu cầu Đồng Nai hoàn thành giải ngân hơn 17.000 tỉ đồng, hoàn thành cơ bản GPMB sân bay Long Thành trong năm 2020 nhằm kịp khởi công dự án đầu năm 2021.

Người sân say Long Thành 'buồn' vì… giá đất tăng - Ảnh 1.

Phối cảnh sân bay quốc tế Long Thành

Vướng mắc ở mức giá bồi thường, hỗ trợ

Để xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai phải thu hồi khoảng 5.000 ha đất của 17 tổ chức, 5.283 hộ gia đình. Riêng giai đoạn I rộng 1.800 ha phải thu hồi đất của khoảng 630 ha của hơn 1.000 hộ gia đình, phần diện tích còn lại là của Công ty TNHH MTV Tổng công ty Cao su Đồng Nai.

Báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Chính phủ cho biết, trong tháng 4, tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng khu tái định cư Bình Sơn - Lộc An rộng 280 ha để phục vụ cho di dời dân, nhường đất cho dự án. Dự kiến, tháng 8, 700 hộ dân di dời đầu tiên sẽ nhận mặt bằng tái định cư.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân hiện nay tiến độ GPMB chậm, khó đảm bảo theo kế hoạch, vẫn còn 151 hộ dân chưa xác định được chủ sở hữu nên khó khăn trong công tác triển khai. Riêng với các khu tái định cư, vẫn còn 3/5 dự án thành phần chưa được phê duyệt nên tiến độ chưa đáp ứng theo kế hoạch.

Tính đến hết tháng 5/2020, UBND tỉnh Đồng Nai cho biết chỉ mới giải ngân được 1.242 tỉ đồng GPMB (trong đó chi trả tiền bồi bồi thường hỗ trợ cho các hộ dân chỉ đạt được: 248 tỷ đồng). Nguyên nhân chính là do giá đất cụ thể để bồi thường còn thấp so với giá thị trường, nhiều khu đất vắng chủ do dự án được quy hoạch kéo dài hơn 20 năm nay, phát sinh đất mua qua bán lại, gây khó khăn trong xác định chủ đất.

Tỉnh cũng đồng thời cam kết quyết tâm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng vào tháng 10 hoặc trong năm nay. Tuy nhiên, thực tế tình hình giải phóng mặt bằng có thể sẽ khó có thể diễn ra đúng kế hoạch nếu như không có tiến triển mới trong việc thuyết phục người dân giao đất.

Ghi nhận tại các buổi đối thoại của người dân với Hội đồng bồi thường GPMB về vấn đề giá đất, người dân ở đây đều một mực cho rằng, "Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, người dân xã Bình Sơn đóng góp nhiều nhất nhưng vì sao quyền lợi lại thấp nhất?"

Tại một buổi đối thoại, đại diện người dân phản ánh: "Việc bồi thường, hỗ trợ giá đất nông nghiệp như vậy là quá thấp, chỉ khoảng hơn 300 triệu đồng một sào đất, số tiền này có đủ mua được một nền đất của xã Bình Sơn không? Hay sau này đóng tiền quyền sử dụng đất, tiền thuế trước bạ, rồi cơ sở hạ tầng nữa, còn đâu tiền để xây một căn nhà để ở?"

Riêng với mức giá hỗ trợ nông dân theo hệ số 2 lần theo Nghị định 49 là quá thấp. Xin các cơ quan thẩm quyền xem xét lại mức giá đền bù. Làm sao để người dân yên tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân? Việc hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp như vậy có thoả đáng hay không?", đại diện người dân nói.

Đối với việc tái định cư, người dân cũng thắc mắc việc nhận tái định cư sẽ qui định như thế nào? Giá đất tại khu tái định cư là bao nhiêu? "Tôi nghe nói là giá đất tại khu tái định cư là đến 7 triệu đồng/m2, trong khi mức giá nhà nước bồi thường cho chúng tôi chỉ có 4,5 triệu/m2, như vậy tiền đâu chúng tôi đóng để xây nhà?", ông N lo lắng.

Trước đó, tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong năm 2017, Đại biểu Hồ Văn Năm, tỉnh Đồng Nai cho rằng: "Giá bồi thường hỗ trợ tái định cư đang theo sát giá nhà nước, nhưng thực tế chênh lệch giữa khung giá nhà nước và giá thị trường rất lớn, trên 50%, cần phải tính việc bị thu hồi đất nhiều nhưng khi người dân mua 1 suất tái định cư lại không đủ tiền. Phải dân vận tốt cho dân thông mới thu hồi đất được, nếu không dễ bị lợi dụng kích động, người dân dễ có sự so sánh, sinh khiếu kiện. Đất nông nghiệp chỉ 100 – 200.000 đồng/m2, trong khi giá đất ở ngoài 1 – 2 triệu/m2", ông Năm nói.

Giá đất thị trường tăng "chóng mặt"

Theo anh H.V.Q, một người dân địa phương trong diện giải tỏa phản ánh, giá đất nông nghiệp bồi thường hiện nay đang ở mặt bằng rất thấp (tùy từng vị trí: giá thấp nhất 161.000 đồng/m2, giá cao nhất: 360.000 đồng/m2) so với các khu vực lân cận, đặc biệt là là so với các dự án khác như cao tốc Dầu Giây Phan Thiết (Dự án cao tốc DG-PT), chứ chưa nói đến mặt bằng giá thị trường của các khu vực xung quanh hiện đã có giá gấp 8-10 lần.

Theo anh Q, giá đất như vậy là quá thiệt thòi cho người dân, bởi các dự án cơ sở hạ tầng, đường xá như Dự án cao tốc DG-PT thì người dân trong vùng dự án vừa được hưởng lợi từ tiện ích, vừa hưởng lợi từ diện tích đất còn lại (do không bị thu hồi) được tăng giá thị trường so với trước khi bị thu hồi; ngược lại, hầu hết người dân trong Dự án sân bay Long Thành bị thu hồi toàn bộ diện tích tích đất đang sử dụng, phải di chuyển chổ ở đi nơi khác, nên không được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ dự án mang lại.

Theo anh H.V.Q, mức giá đất nông nghiệp bồi thường, hỗ trợ cho người dân trong dự án Sân bay Long Thành ít nhất phải bằng với mức giá nhà nước đang đền bù, hỗ trợ cho dự án cao tốc Dầu Giây Phan Thiết ở cùng thời điểm Nhà nước thu hồi đất thì người dân mới có thể chịu giao đất.

Người sân say Long Thành 'buồn' vì… giá đất tăng - Ảnh 2.

Bảng chào bán đất chưa có thổ cư, hẻm lớn, cách đường 769 khoảng 300m. (Ảnh; H.N)

Khảo sát giá đất thị trường tại các khu vực xung quanh sân bay thuộc địa phận xã Bình Sơn, giá thấp nhất từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng/sào đối với vị trí 4; 1,5 - 2 tỷ đồng đối vị trí 3; từ 2 - 3 tỉ đồng đối với vị trí 2; với các khu vực tại vị trí 1 (mặt tiền đường Hương lộ 10, đoạn qua xã Bình sơn, xã Suối Trầu cũ, xã Cẩm Đường cũ) có giá đất ít nhất 3 tỉ đồng mỗi sào.

Các khu vực Đường 769 qua xã Bình Sơn, đường Hương lộ 10 qua xã Cẩm Đường, đường khai thác đá qua xã Long An, đường QL 51 qua xã Long Phước, Đường vào UBND xã Bàu Cạn nằm liền kề dự án sân bay đều có giá tương tự hoặc cao hơn.

Thực tế, nhiều người dân tại khu vực thu hồi đất đã sang tìm hiểu các khu vực lân cận có vị trí sâu, xa hơn Dự án CHKQTLT để mua đất nông nghiệp nhưng giá đất thị trường khắp nơi đều đã ở mức cao. Theo chia sẻ của anh N.V.T, một môi giới tại Xã Cù Bị, Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu cho hay, thời gian gần đây, có khá nhiều khách hàng tìm đến mua đất nông nghiệp, trong đó có một số người đã nhận tiền đền bù.

Tuy nhiên, sau khi khi tiếp nhận thông tin về mức giá đất, nhiều người đã tá hỏa khi biết rằng với số tiền có được từ đền bù, họ không thể mua nổi một diện tích đất tương tự. "Đất nông nghiệp tại xã Sông Xoài, hiện Tân Thành, khu vực giáp ranh xã Cù Bị, huyện Châu Đức, mức giá 300 triệu đồng/sào hiện gần như là không có, nhiều nơi neo giá phổ biến từ 600 triệu đồng/sào – 1,5 tỉ đồngsào/tuỳ vị trí", anh N.V.T cho hay.

Huy Nguyên