|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

'Người nhập cư rời đi sẽ thúc đẩy TP HCM nhanh chuyển đổi'

06:48 | 13/11/2024
Chia sẻ
Người nhập cư rời đi, trước mắt ngành thâm dụng lao động thiếu nhân lực, song thúc đẩy thành phố chuyển đổi nhanh để thích ứng, tạo lực hút mới, theo Phó chủ tịch UBND TP HCM.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM trả lời phỏng vấn VnExpress trước bối cảnh hai năm liên tiếp (2022-2023) tỷ lệ tăng dân số cơ học ở thành phố giảm.

Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó chủ tịch UBND TP HCM trả lời phỏng vấn chiều 7/11. (Ảnh: Thanh Tùng).

- Hai năm qua tỷ lệ tăng dân số cơ học ở thành phố giảm, trong đó năm 2023 tỷ lệ tăng dân số là 0,68% - lần đầu tiên thấp hơn tỷ lệ tăng dân số tự nhiên (0,74%), tức người nhập cư TP HCM xu hướng giảm. Bà đánh giá như thế nào về sự sụt giảm này?

- Đây là vấn đề đáng quan tâm bởi TP HCM không thể một ngày vắng bóng người nhập cư. Họ đến đây tìm cơ hội cho chính mình đồng thời đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Nếu tính từ khi đổi mới 1986 đến nay, gần 40 năm qua, người nhập cư là động lực to lớn giúp thành phố được như hôm nay.

Tuy nhiên, quan sát số liệu, từ sau COVID-19, tỷ lệ phát triển dân số cơ học ở TP HCM có xu hướng giảm và biểu hiện rõ nét hai năm qua. Đây cũng là giai đoạn kinh tế, xã hội thành phố gặp nhiều biến động.

Đầu năm 2022, doanh nghiệp, thành phố kêu gọi lao động quay trở lại làm việc thì cuối năm hàng loạt nhà máy sản xuất thiếu hụt đơn hàng do thị trường xuất khẩu đứng lại. Nhiều công ty cắt giảm cùng lúc hàng nghìn người.

Chưa hết cú sốc đó, năm sau, thị trường lao động lại đối mặt với thách thức mới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội. Lao động làm việc từ 10 đến dưới 20 năm đứng trước lựa chọn tiếp tục ở lại làm việc, gắn bó với thành phố hay nghỉ việc chờ rút một lần. Hàng loạt công nhân nghỉ việc để "chạy" trước khi luật mới có hiệu lực.

Dẫn điều này bởi nhiều nhà máy sản xuất ở TP HCM có đến hơn 60% lao động đến từ các tỉnh thành khác. Phần lớn trong số họ chọn gửi con ở quê, đến thành phố làm việc, kiếm tiền và sẽ hồi hương khi tích lũy được ít vốn.

Công việc thuận lợi thì ý định đó gói ghém lại nhưng nếu có những biến động về việc làm, chính sách, dịch bệnh, họ sẽ quyết định nghỉ việc, trở về quê. Điều này thể hiện rõ khi nhìn số liệu người hưởng trợ cấp thất nghiệp trong hai năm này, đó là các con số kỷ lục khi mỗi năm lên đến gần 150.000 người.

Các yếu tố trên có thể ví như "giọt nước tràn ly" khiến người nhập cư rời đi nhiều hơn trong hai năm qua nhưng sâu hơn còn nhiều yếu tố khác. Cụ thể là cơ hội việc làm đang mở rộng ra các tỉnh với các khu công nghiệp, doanh nghiệp về đầu tư. Địa phương cũng có nhiều cơ chế, chính sách thu hút lao động trở về.

Yếu tố quan trọng nữa khiến lao động rời đi là chi phí sinh hoạt ở TP HCM thuộc nhóm cao nhất, nhì cả nước. Do đó, một bộ phận người nhập cư không gồng gánh được chi phí đắt đỏ, họ làm mà không có dư. Nhiều người chọn hồi hương, thu nhập có thể không bằng thành phố nhưng chi phí thấp hơn nhiều, được gần con, chăm sóc gia đình.

Đặc biệt, một số khảo sát chỉ ra rằng yếu tố gần gia đình, người thân được lao động đề cao hơn sau những biến cố dịch bệnh, thiên tai. Điều này cũng góp phần thúc đẩy người di cư rời các đô thị.

Như vậy, một bộ phận lao động rời thành phố sẽ tốt hơn cho cuộc sống, việc làm và khả năng tích lũy của chính họ.

- Bà nhận định thế nào về ý kiến hiện lực hút ở TP HCM đã giảm và các lực đẩy gia tăng như hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục quá tải khiến lao động nhập cư rời đi hoặc không chọn thành phố là điểm đến lý tưởng?

- Lực hút ở TP HCM có giảm nhưng chỉ với một số nhóm nhất định, không phải tất cả. Lực hút giảm rõ nhất đối với công nhân làm việc ở các nhà máy thâm dụng lao động, người làm một số công việc tự do, bấp bênh thu nhập không ổn định, không kham nổi chi phí ở thành phố nên họ phải rời đi để tìm cơ hội tốt hơn.

Với nhóm rời đi là công nhân làm việc của các nhà máy thâm dụng lao động, điều này cũng không phải quá tệ nếu đặt trong xu thế phát triển.

Khu trọ ở đường số 7, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, treo biển cho thuê phòng khi nhiều lao động nghỉ việc, về quê. (Ảnh: Thanh Tùng).

Nhìn vào quá trình dịch chuyển các ngành công nghiệp trên thế giới sẽ thấy đến một thời điểm nhất định các công đoạn thâm dụng lao động sẽ rời các đô thị hoặc đất nước để nhường chỗ cho các ngành công nghệ, kỹ thuật cao. TP HCM cũng không nằm ngoài xu hướng đó.

Thành phố đã dự liệu, tính toán để chấp nhận cho sự thoái trào này và đang nỗ lực tạo ra các lực hút mới từ các ngành kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, dịch vụ, du lịch, tài chính, đổi mới sáng tạo. Điều này sẽ tạo ra các động lực tăng trưởng mới với các nhóm ngành mới mà người lao động chỉ có thể tìm thấy cơ hội phát triển tốt nhất ở đây.

Chúng tôi nhận thấy doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi, điều đáng mừng là vẫn chọn thành phố để tiếp tục gắn bó. Ví dụ một công ty giày da ở quận Bình Tân cắt giảm hơn 1.200 lao động vì chuyển khâu sản xuất về tỉnh nhưng vẫn giữ lại những bộ phận quan trọng như phát triển mẫu, kinh doanh... ở TP HCM.

Điều này nghĩa là những khâu cần lao động trình độ cao doanh nghiệp vẫn để lại thành phố. Những lao động này được trả lương cao hơn và phù hợp mức sống ở thành phố.

Về các yếu tố khác như giao thông quá tải ở một số thời điểm, khu vực, vài địa phương có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao như Bình Tân thiếu trường lớp, bệnh viện đầu ngành đông người... có thể gây khó chịu, trải nghiệm không tốt cho người dân khi sử dụng dịch vụ.

Tuy nhiên, để xét xem đó có phải là lực đẩy hay không thì cần quay lại động lực khiến lao động đến thành phố. Tiêu chí hàng đầu người di cư muốn đến TP HCM là việc làm, kiếm được thu nhập tốt hơn. Đến lúc này, thành phố vẫn đáp ứng được mong muốn này của đa số lao động di cư.

- Bà nhắc đến chuyển đổi nhưng không phải doanh nghiệp sản xuất nào cũng có thể làm được, đặc biệt là những "công thần" như dệt may, da giày, điện tử, những doanh nghiệp đến với thành phố từ ngày đầu mở cửa giờ đây vẫn muốn gắn bó, nhưng đối mặt với thiếu lao động. Bà nhìn nhận điều này thế nào?

- Thành phố ghi nhận sự đóng góp của doanh nghiệp trong suốt quá trình phát triển. Giai đoạn này, các doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn vì thiếu lao động cũng ảnh hưởng các chỉ số kinh tế, tăng trưởng của thành phố. Tuy nhiên, không ai, kể cả thành phố, doanh nghiệp, người dân có thể đứng ngoài được xu thế phát triển, dòng chảy mà lịch sử đã chứng minh.

Thành phố đang nỗ lực để thích ứng, tìm các động lực tăng trưởng mới để thích nghi với sự dịch chuyển của lao động và sự phát triển của khoa học, công nghệ. Nếu làm không tốt chính thành phố sẽ bị bỏ lại, vị thế đầu tàu sẽ bị xói mòn nên rất mong doanh nghiệp đồng hành.

Đối với doanh nghiệp vẫn chọn TP HCM để gắn bó, tôi cho rằng cần mạnh dạn đầu tư vào công nghệ hiện đại, sử dụng máy móc cho các công đoạn giản đơn lâu nay sử dụng sức người. Tính lại bài toán lao động, tìm cách giữ chân nhân công bằng lương, thưởng, phúc lợi, thay đổi quan điểm "thải già đón trẻ".

Trong quá trình này, nhóm yếu thế lâu nay như lao động trung niên, nữ, nuôi con nhỏ... sẽ có cơ hội việc làm với thu nhập tốt hơn. Nhiều công việc giải phóng được sức người, phù hợp nhóm lao động có kỹ thuật nhưng không còn trẻ, khỏe như trước.

Công nhân may làm việc trong nhà máy ở TP Thủ Đức. (Ảnh: Thanh Tùng).

- Có ý kiến cho rằng người nhập cư rời đi là dịp thành phố sàng lọc lao động theo hướng phát triển lĩnh vực trình độ cao, giảm ngành nghề sử dụng quá nhiều lao động. Điều này cũng giúp thành phố tăng giá trị cuộc sống cho người dân gắn bó với thành phố. Quan điểm của bà về vấn đề này ra sao?

- Bất kỳ người di cư nào từ chuyên gia đầu ngành hay đến anh giao hàng, làm công việc giản đơn chọn thành phố để dừng chân để mưu sinh, tìm kiếm việc làm chân chính, chúng tôi đều ghi nhận và hoan nghênh.

Tôi ví dụ một lao động có tay nghề cao đang làm việc và cần phải tập trung thời gian cho công việc của mình. Tuy nhiên, anh ấy đến giờ ăn, cần đi mua hàng.

Nếu họ rời đi sẽ tốn nhiều thời gian và ảnh hưởng công việc. Lúc này, shipper chính là giải pháp hỗ trợ. Người giao hàng đã gián tiếp giúp lao động có tay nghề hoàn thành tốt công việc của mình. Do đó cả hai đều có sự đóng góp cho thành phố và cần được ghi nhận.

Thành phố này vận hành không theo kiểu đúng giờ tất cả vào công sở, nhà máy mà đó chỉ là một phần, ngoài kia có hàng trăm nghìn dịch vụ cần hàng triệu lao động đủ trình độ, thành phần, tương trợ nhau để tất cả cùng phát triển.

Thành phố đang tạo ra các động lực tăng trưởng mới, thu hút nhóm lao động mới nhưng không có nghĩa không cần lao động giản đơn. Nhìn sang Nhật Bản, đất nước phát triển hàng đầu thế giới vẫn cần người di cư từ các nước để làm các công việc tay chân, phổ thông. Do đó, quan điểm của thành phố là hoan nghênh mọi thành phần lao động đến nếu nơi đây vẫn đáp ứng cơ hội việc làm, thu nhập tốt cho anh chị.

- Nếu người nhập cư không thể thiếu, thời gian tới thành phố đưa ra những chính sách gì dành cho nhóm này?

- Nếu một người di cư chọn thành phố để gắn bó thì khi ở đây, chính sách của thành phố không phân biệt bạn từ đâu đến. Ví dụ khi COVID-19 bùng phát, TP HCM dành ba gói hỗ trợ cho người dân, ngay cả những người vì lý do đột xuất mà lưu trú lại thành phố trong thời gian giãn cách cũng được giúp đỡ.

Chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, thành phố cũng không phân biệt miễn là đang theo học các trường trên địa bàn. Các chính sách về nhà ở, hỗ trợ giá điện, nước... thành phố cũng không phân biệt mà dành sự quan tâm, chăm lo như nhau.

Thành phố cũng có các chương trình bình ổn giá thực phẩm, bình ổn giá thuốc để phần nào kéo giảm chi phí cho nhóm thu nhập thấp.

Thực tế có một số chính sách chưa đủ làm người dân hài lòng vì nhiều lý do như vướng cơ chế, quy định pháp luật, nguồn lực có hạn... Tuy nhiên, từng bước, chúng tôi đang nỗ lực để làm tốt hơn.

- Theo kịch bản tăng trưởng, giai đoạn 2025-2030, nếu TP HCM muốn tăng trưởng hơn 8% mỗi năm thì số lao động tương ứng 6-7 triệu người, hiện nay khoảng 5 triệu người. Thành phố sẽ làm gì để đủ số lao động như mong muốn trong khi tỷ suất sinh luôn thấp nhất nước?

- Từ giờ đến năm 2030, tỷ suất sinh không giải quyết được vấn đề lao động nên nguồn nhân lực cho thành phố vẫn đến từ bên ngoài, tức phải dựa vào người nhập cư. Thành phố muốn tăng trưởng phải có doanh nghiệp và người lao động.

Thành phố đã và đang tạo các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ở những nhóm ngành trọng điểm, công nghệ cao đến đầu tư, phát triển. Chính doanh nghiệp với các vị trí công việc hấp dẫn, thu nhập cao, phúc lợi tốt sẽ thu hút được lao động.

Đối với lao động, thành phố có chiến lược giữ chân và thu hút mới như với những lao động dù mất việc, họ vẫn muốn bám trụ lại thành phố. Thành phố có chính sách hỗ trợ vay vốn, chuyển đổi nghề, tự tạo việc làm.

Hệ thống trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của thành phố sẵn sàng đào tạo nghề cho nhóm lao động muốn chuyển đổi từ công nghiệp sản xuất sang nhóm ngành dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, nhà hàng khách sạn, du lịch...

Mỗi năm, TP HCM thu hút khoảng 300.000 học sinh, sinh viên từ các địa phương đến học tập. Thành phố đang giữ vai trò là trung tâm đào tạo nhân lực lớn nhất cả nước; thực hiện chính sách đào tạo nhân lực chất lượng quốc tế ở 4 trường đại học lớn.

Bên cạnh đó, thành phố nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở xã hội, tạo ra dịch vụ y tế, giáo dục, văn hóa tốt hơn và chính quyền thực sự là phục vụ người dân. Tổng hòa nhiều yếu tố, thành phố vẫn là nơi người di cư chọn đến.

Lê Tuyết