|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Người nhà lãnh đạo Hòa Phát không mua hết số cổ phiếu HPG đã đăng ký

17:11 | 13/07/2022
Chia sẻ
Giá cổ phiếu HPG hiện nay thấp hơn đầu năm 2022 khoảng 36,5%. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo lợi nhuận của Hòa Phát trong quý II năm nay có thể giảm một nửa so với cùng kỳ 2021.

Đại hội cổ đông Tập đoàn Hòa Phát ngày 24/5/2022. (Ảnh: Đức Quyền).

Ông Nguyễn Hữu Mạnh, anh trai Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát Nguyễn Thị Thảo Nguyên, vừa thông báo đã mua 172.000 cổ phiếu HPG trong thời gian từ 9/6 đến 8/7 theo phương thức khớp lệnh.

Đầu tháng 6, ông Mạnh đăng ký mua 300.000 cổ phiếu HPG. Như vậy, kết quả giao dịch thực tế chỉ bằng 57% số dự kiến. Tính theo thị giá của HPG gần đây, ông Mạnh đã phải chi khoảng 3,8 tỷ đồng để mua vào. Nếu mua hết như đăng ký, ông Mạnh phải bỏ ra khoảng 6,7 tỷ.

Anh trai của Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết lý do ông không hoàn tất giao dịch là “chưa thu xếp được kế hoạch tài chính”.

Giá cổ phiếu HPG hiện nay đang ở vùng tương đương với đầu năm 2021.

Trong các ngày từ 7/7 đến 11/7, ông Nguyễn Ngọc Quang, Thành viên HĐQT của Hòa Phát, đã bán 5 triệu cổ phiếu HPG theo phương thức thỏa thuận cho con gái Nguyễn Hà My. Theo dữ liệu giao dịch vào hai ngày 7/7 và 11/7, có đúng 5 triệu đơn vị HPG được mua bán thỏa thuận với tổng giá trị 102 tỷ đồng.

Sau khi bán bớt cổ phiếu cho con gái, ông Nguyễn Ngọc Quang còn sở hữu 103,79 triệu đơn vị HPG, tương đương tỷ lệ 1,78%. Tính theo thị giá hiện nay, số cổ phiếu HPG của ông Quang có vốn hóa hơn 2.300 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, giá HPG đã sụt 36,5%. Biểu đồ bên dưới cho thấy các cổ phiếu khác trong ngành thép như HSG, NKG, TVN và POM còn lao dốc mạnh hơn HPG.

Các cổ phiếu lớn ngành thép đều lao dốc trong 6 tháng đầu năm 2022.

Năm 2021, HPG là cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất với giá trị 18.925 tỷ đồng. Từ đầu năm 2022 đến hết phiên 12/7, HPG tiếp tục dẫn đầu danh sách rút vốn ròng của nhà đầu tư nước ngoài, đứng trên các blue chip khác như MSN của Masan hay VIC của Vingroup.

Khối ngoại bán ròng 5.769 tỷ đồng HPG kể từ đầu năm 2022.

Ước tính kết quả kinh doanh tiêu cực

Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết chính sách Zero-COVID của Trung Quốc và lạm phát cao trên toàn thế giới đang làm suy giảm nhu cầu đối với hàng hóa lâu bền như điện thoại thông minh, máy tính xách tay, ô tô và đồ điện gia dụng. Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu khiến nhu cầu thép phẳng yếu đi.

Nhu cầu thấp dẫn đến chênh lệch giá thép cuộn cán nóng (HRC) giữa Việt Nam và các thị trường lớn đã thu hẹp nhanh từ tháng 5. Điểm tích cực là tốc độ giảm giá đã chậm lại trong vài tuần gần đây. Tuy nhiên, với chính sách tiền tệ của nhiều quốc gia dự kiến thắt chặt hơn trong thời gian tới, nhu cầu thép phẳng tại nhiều khu vực sẽ tiếp tục yếu ít nhất cho đến giữa năm 2023.

Do khách hàng HRC của Hòa Phát là các nhà sản xuất tôn mạ và ống thép trong nước, nên các khó khăn ở phía hạ nguồn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng bán ra, VDSC nhận định.

Việc dỡ bỏ giãn cách xã hội của Trung Quốc được xem là chất xúc tác quan trọng đối với nhu cầu và giá thép phẳng. Tuy vậy, với chính sách mở cửa thận trọng và sự xuất hiện của các biến chủng COVID mới, VDSC cho rằng hoạt động sản xuất, và gián tiếp là nhu cầu thép phẳng, của Trung Quốc sẽ phục hồi chậm trong nửa sau năm 2022 trước khi tăng trưởng tốt hơn từ năm 2023. Đà phục hồi của giá bán cũng sẽ diễn biến tương tự.

Giá thép và các loại vật liệu xây dựng tăng nhanh từ giữa năm 2021 và duy trì ở mức cao trong thời gian dài đã làm tăng tổng mức đầu tư của các công trình. Các cơ quan quản lý đang phải tính toán lại, xem xét tạm dừng, phân kỳ hoặc thu hẹp quy mô một số dự án để ưu tiên cho các dự án cấp thiết hơn.

Đến hết tháng 6, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt hơn 151.000 tỷ đồng, tương đương 27,86% kế hoạch mà Thủ tướng giao. Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến thời gian giải ngân các dự án đầu tư công thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2023 sớm nhất rơi vào cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, các thay đổi chính sách về siết chặt phát hành trái phiếu doanh nghiệp và tín dụng bất động sản cùng với lãi suất đang chịu áp lực tăng theo đà tăng của lạm phát sẽ hạn chế dòng tiền vào các dự án bất động sản. Nhu cầu thép xây dựng trong nửa cuối năm, theo đó, có thể sẽ chưa có nhiều tín hiệu tích cực, VDSC đánh giá.

Thực tế, diễn biến bán hàng quý II cũng đã cho thấy nhu cầu trong nước đang yếu. Việc Trung Quốc áp dụng phong tỏa diện rộng trong tháng 4 và tháng 5 đồng thời hạn chế cấp tín dụng cho các nhà phát triển bất động sản đã làm gián đoạn nhu cầu thép xây dựng của đất nước tỷ dân và gián tiếp kéo giá thép xây dựng tại Việt Nam liên tục đi xuống từ đầu tháng 5.

Tuy nhiên, giá giảm vẫn không thể khuyến khích sản lượng. Lượng thép tiêu thụ trung bình tháng 5 và tháng 6 của Hòa Phát chỉ bằng 79% trung bình tháng 2 và tháng 3. Nhu cầu chậm phục hồi kết hợp với giá than luyện cốc và giá quặng sắt giảm từ đầu tháng 6 đến nay có thể khiến giá bán trung bình nửa cuối năm đi ngang so với mức cuối tháng 6.

Sản lượng tiêu thụ thép của Hòa Phát trong quý II/2022 thấp hơn rõ rệt so với quý I.

Chứng khoán Rồng Việt ước tính Hòa Phát có thể ghi nhận 38.120 tỷ đồng doanh thu và 4.979 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý II/2022. Biểu đồ bên dưới cho thấy đây là con số lợi nhuận thấp nhất kể từ đầu năm 2021 trở lại đây. Cả năm 2022, Hòa Phát có thể đạt 140.812 tỷ đồng doanh thu và 25.884 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt giảm 6% và 25% so với kết quả của năm ngoái.

Từ cuối tháng 5, tỷ phú Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát, đã nhận định kết quả kinh doanh của ngành thép trong các quý II, III và IV của năm nay sẽ rất "thê thảm". 

VDSC dự báo lợi nhuận quý II/2022 của Hòa Phát sẽ giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hòa Phát đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 25.000 - 30.000 tỷ đồng trong cả năm 2021, thấp hơn mức 34.521 tỷ đồng đạt được trong năm 2022. 

Song Ngọc - Đức Quyền