|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Ông Trần Đình Long: Hòa Phát cần rất nhiều vốn, không thể tăng cổ tức tiền mặt

10:44 | 24/05/2022
Chia sẻ
Hòa Phát đề xuất chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, nhiều cổ đông đề xuất nâng tỷ lệ cổ tức tiền mặt lên 10%.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát trả lời câu hỏi của cổ đông sáng 24/5. (Ảnh: Đức Quyền).

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long cho biết định hướng phát triển của Tập đoàn Hòa Phát là liên tục làm những mảng kinh doanh mới.

“Hòa Phát không bao giờ dừng lại, vì dừng lại là chết, dừng lại là bị đối thủ cạnh tranh tiêu diệt, lấn lướt”, ông Long nói. “Hòa Phát luôn làm cái mới, liên tục mở rộng, và để mở rộng thì có nhu cầu vốn lớn”.

Hiện nay Hòa Phát là nhà sản xuất thép lớn nhất Đông Nam Á với công suất 8,5 triệu tấn mỗi năm nhưng vẫn không dừng lại mà đang triển khai dự án Dung Quất giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. Mục tiêu là nâng sản lượng lên 14,5 - 15 triệu tấn mỗi năm.

Chủ tịch tập đoàn cho biết ban lãnh đạo hiện nay còn đang lên kế hoạch làm dự án sản xuất nhôm (alumin) ở tỉnh Đăk Nông và nhà máy thép "Dung Quất 3" – tức là một khu liên hợp sản xuất thép mới với công suất 6 triệu tấn/năm, có thể không đặt ở Dung Quất.

Riêng với dự án Dung Quất giai đoạn 2, Hòa Phát vay các ngân hàng 35.000 tỷ đồng, phần còn lại là vốn tự có của tập đoàn. Chủ tịch Trần Đình Long cho rằng nhu cầu vốn trong thời gian tới là rất lớn, ngay cả với tỷ lệ cổ tức tiền mặt 5% cũng e là hơi nhiều.

“Chị Oanh (Giám đốc Tài chính Phạm Thị Kim Oanh – PV) nói với tôi rằng chia cổ tức tiền mặt 5% thế này là thiếu vốn đấy. Tôi phải chỉ đạo tăng vay nợ”, ông Long chia sẻ tại đại hội sáng 24/5. "Tôi cũng muốn chia nhiều cổ tức lắm chứ. Tôi là cổ đông lớn nhất, nếu chia cổ tức thì tôi được nhiều nhất".

Chủ tịch tập đoàn cho biết ông nhận được nhiều phản ánh từ nhà đầu tư tham gia diễn đàn F319 nói rằng Hòa Phát trả cổ tức bằng cổ phiếu là chia “giấy lộn”.

Ông Long coi những lời lẽ này là có tính “xúc phạm” vì Hòa Phát hiện nay là doanh nghiệp sản xuất lớn nhất Việt Nam, doanh thu một năm 150.000 tỷ, tức là mỗi ngày làm ra 400-500 tỷ đồng, “không thể nói cổ phiếu HPG là giấy lộn được”.

Mới đây, Hòa Phát là một trong 5 doanh nghiệp Việt Nam được tạp chí Forbes xếp vào danh sách 2.000 công ty đại chúng lớn nhất thế giới. 4 đại diện còn lại đều là các ngân hàng: Vietcombank, VietinBank, BIDV và Techcombank.

Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất duy nhất của VIệt Nam trong danh sách Global 2000 của Forbes năm 2022.

Cuối tháng 4 vừa qua, Hội đồng quản trị Hòa Phát đề xuất phương án chi trả cổ tức năm 2021 tổng tỷ lệ 35%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu.

Như vậy, nhà đầu tư nắm giữ 100 cổ phiếu HPG tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 50.000 đồng tiền mặt (chưa trừ thuế, phí) và 30 cổ phiếu HPG mới.

Hòa Phát hiện nay có hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi ra khoảng 2.236 tỷ đồng tiền mặt và phát hành 1,34 tỷ cổ phiếu mới. Tổng số cổ phiếu sau khi chia cổ tức là hơn 5,8 tỷ đơn vị, ứng với vốn điều lệ 58.147 tỷ đồng. 

Kế hoạch cổ tức năm 2021, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 30% bằng cổ phiếu, cần được đại hội cổ đông sáng 24/5/2022 thông qua.

Đức Quyền

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.