|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Người Đức tự tin: Ô tô Trung Quốc chẳng nhằm nhò gì, bất kể xe xăng hay xe điện

16:55 | 20/04/2024
Chia sẻ
Các công ty Trung Quốc đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực xe điện, với BYD nổi lên như một đối thủ cạnh tranh vị trí nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner đã bày tỏ niềm tin mạnh mẽ vào vị thế dẫn đầu của ngành công nghiệp ô tô Đức trong một cuộc phỏng vấn với CNBC, khẳng định rằng các nhà sản xuất ô tô Đức không cần phải e ngại sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Trung Quốc.

"Ô tô Đức là những chiếc xe tốt nhất thế giới, bất kể là động cơ đốt trong hay xe điện", ông Lindner nói với biên tập viên Karen Tso của CNBC bên lề Hội nghị mùa Xuân của IMF tại Washington, D.C. vào ngày 18/4. "Các nhà sản xuất ô tô Đức đang dẫn đầu thế giới và họ không cần phải lo lắng về sự cạnh tranh từ Trung Quốc”, ông nói.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. (Ảnh: Getty).

Phát biểu của ông Lindner được đưa ra trong bối cảnh thị trường xe điện (EV) đang chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các khu vực Trung Quốc, châu Âu và Mỹ. Các công ty Trung Quốc đang có những bước tiến đáng kể trong lĩnh vực xe điện, với BYD nổi lên như một đối thủ cạnh tranh mạnh mẽ với Tesla trong cuộc đua giành vị trí nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới.

Ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, xuất khẩu một lượng lớn xe sang các thị trường khác với mức giá thường dễ tiếp cận hơn. Sự phát triển nhanh chóng này đã dấy lên những câu hỏi và lo ngại về các hoạt động thương mại và chính sách của Trung Quốc tại Mỹ và Liên minh châu Âu.

Tháng trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang sử dụng thị trường toàn cầu làm bãi đáp cho các sản phẩm năng lượng sạch rẻ hơn, bao gồm cả xe điện. Điều này có thể đẩy giá thị trường xuống và gây áp lực lên sản xuất xanh ở những nơi khác, bà Yellen nói.

Cả bà Yellen và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen đầu tháng này đều kêu gọi lập trường cứng rắn đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh tiềm ẩn từ Trung Quốc. Liên minh châu Âu cũng đã mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho xe điện.

Trung Quốc đã bác bỏ mọi sai phạm, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào cho biết bất kỳ cáo buộc nào về "công suất dư thừa" đều không có cơ sở. Ông nói thêm, thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực xe điện được cho là nhờ "những đổi mới liên tục" cũng như "hệ thống chuỗi cung ứng được thiết lập tốt và cạnh tranh thị trường" chứ không phải là trợ cấp.

Những lo ngại từ Mỹ và EU bao gồm nhiều lĩnh vực công nghệ xanh, bao gồm xe điện, tấm pin mặt trời và pin lithium-ion.

Bộ trưởng Lindner cho biết cần phải kiểm tra khả năng Trung Quốc bán phá giá sản phẩm ra thị trường toàn cầu, cũng như lo ngại Trung Quốc đang cấp trợ cấp cho các nhà sản xuất để bán xe dưới giá thành sản xuất.

“Điều này sẽ là không công bằng và sau đó chúng tôi sẽ phải quyết định về các biện pháp đáp trả”, ông Lindner nói. Tuy nhiên, ông lưu ý cho đến nay vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc thực sự đang áp dụng cách bán phá giá này đối với xe điện hoặc các ngành công nghiệp khác hay không.

Khi được hỏi các biện pháp đáp trả có thể như thế nào, ông Lindner cho biết tất cả các lựa chọn đều có khả năng. Điều này phù hợp với bình luận của bà Yellen, người đã chia sẻ với CNBC vào đầu tháng này rằng bà sẽ không loại trừ bất kỳ biện pháp nào, bao gồm cả thuế quan đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, có một sự miễn cưỡng nhất định, đặc biệt là từ Chính phủ Đức về các khoản thuế quan như vậy, với phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông hoài nghi về tính cần thiết của chúng, theo Reuters.

Điều này diễn ra trước chuyến thăm Trung Quốc của ông Scholz đầu tháng này. Tại đây, Thủ tướng Đức cảnh báo về các hành vi cạnh tranh và thương mại không lành mạnh.

Theo Reuters, ông nói với các sinh viên một trường đại học ở Thượng Hải rằng mặc dù cuối cùng sẽ có những chiếc xe Trung Quốc xuất hiện tại châu Âu, nhưng cạnh tranh phải công bằng và không được xảy ra tình trạng bán phá giá, sản xuất thừa hoặc vi phạm bản quyền.

Dù vậy, ngày 18/4 vừa qua, Bộ trưởng Lindner chia sẻ với CNBC rằng việc xuất khẩu công nghệ xanh của Trung Quốc cũng mang tới những lợi thế, chẳng hạn như các linh kiện pin mặt trời của Trung Quốc "rất rẻ" đã đổ vào thị trường Đức.

"Các hộ gia đình tư nhân ở Đức được hưởng lợi từ những linh kiện giá rẻ này và lợi thế của chúng tôi, lợi thế cạnh tranh của chúng tôi là toàn bộ hệ thống," ông giải thích.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Huy

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.