|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Người của SK Investment xin rút khỏi HĐQT của Masan

15:11 | 31/03/2023
Chia sẻ
Ông Ju Han Yoo, người đang nắm giữ chức Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT của SK Investment Vina I Pte. Ltd - cổ đông lớn của Masan vừa nộp đơn xin từ nhiệm Thành viên HĐQT tập đoàn.

Ngày 30/3, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đã nhận được đơn từ nhiệm thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của ông Ji Han Yoo.

Theo báo cáo thường niên năm 2022 mới công bố, ông Ji Han Yoo có quốc tịch Hàn Quốc, tốt nghiệp Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA), Đại học Quốc gia Seoul (Seoul National University). Ông được bổ nhiệm vào HĐQT của Masan vào tháng 4 năm ngoái.

Sau đó ông Ju Han Yoo làm Phó Chủ tịch, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Tập đoàn của SK Siltron.

Hiện tại, ông Ji Han Yoo đang là Phó Chủ tịch, Giám đốc Nhóm đầu tư số 2 của SK Supex Council. Đồng thời, ông Yoo cũng đang là Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc của SK Investment Vina I Pte Ltd và SK Investment Vina II Pte Ltd.

Nói thêm, tính tới cuối năm 2022, SK Investment Vina I Pte. Ltd đang là cổ đông lớn của Masan với tỷ lệ sở hữu là 9,26% vốn điều lệ.

Việc miễn nhiệm ông Ji Han Yoo sẽ được thông qua tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày 24/4 tới.

 Sản phẩm nước mắm Nam Ngư là thương hiệu thuộc Tập đoàn Masan. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Ngoài việc miễn nhiệm nhân sự, HĐQT Masan dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023, phương án chia cổ tức năm 2022 và đề xuất cổ tức cho năm 2023.

Theo báo cáo thường niên vừa được công bố, năm 2023, Masan đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất có thể đạt từ 90.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 18% - 31% so với cùng kỳ và lợi nhuận thuần sau thuế cho cổ đông (không bao gồm lãi/lỗ một lần) nằm trong khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, tăng trưởng 4% - 30% so với năm 2022.

Trong trường hợp, tình hình vĩ mô khó khăn hơn dự kiến và tâm lý tiêu cực của người tiêu dùng vẫn tồn tại, ban điều hành dự kiến doanh thu sẽ tăng từ 10% đến 15%, tương ứng đạt khoảng 83.807 - 87.617 tỷ đồng.

Năm 2023, Masan dự đoán 6 tháng đầu năm sẽ là giai đoạn rất khó khăn khi lạm phát, lãi suất và rủi ro suy thoái vẫn ở mức cao. Những làn sóng vĩ mô sẽ làm giảm tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như tạm thời làm chậm lại các động lực tăng trưởng của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, công ty kỳ vọng nền kinh tế phục hồi trở lại nhờ vào lãi suất thấp hơn, tín hiệu tích cực từ vốn FDI giải ngân, khách du lịch quốc tế và giải ngân đầu tư công.

Doanh nghiệp, sẽ giám sát chặt chẽ những yếu tố tác động để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, vận hành nhằm đảm bảo về dòng tiền và lợi nhuận. 

Trong dài hạn, Masan nhận định mức tiêu dùng tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh nhờ bộ phận người tiêu dùng trẻ, thuộc tầng lớp trung lưu và thành thạo công nghệ. Bộ phận người tiêu dùng này đang thúc đẩy tạo ra những hành vi mới với sản phẩm, địa điểm và cách thức mua sắm hàng hóa của mình.

Bên cạnh đó, công ty còn cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để thanh toán các trái phiếu bằng VND sẽ đáo hạn trong năm 2023. Tập đoàn cũng đã giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn 600 triệu USD vào quý IV/2022 và đã ký các thỏa thuận huy động gói tín dụng hợp vốn 650 triệu USD vào đầu năm 2023.

Tại ĐHĐCĐ sắp tới, HĐQT Masan sẽ trình cổ đông để thông qua phương án phát hành cổ phần mới và kế hoạch sử dụng số tiền thu được.

Ngoài ra, cổ đông sẽ xem xét phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế và phương án phát hành cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu và tăng vốn điều lệ.

Minh Hằng