Người chăn nuôi lãi lớn vì giá heo hơi tăng, giá thức ăn giảm mạnh
Người chăn nuôi hưởng lợi kép
Giá heo hơi tăng trong khi giá thức ăn giảm giúp biên lợi nhuận của người chăn nuôi được nới rộng hơn. Giai đoạn sau Tết Nguyên đán, giá heo hơi liên tục tăng. Tính đến ngày 4/4, giá heo hơi dao động trong 60.000 - 62.000 đồng/kg, mức cao nhất kể từ tháng 7/2023.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết đà tăng của giá heo hơi được hỗ trợ bởi nguồn cung giảm trong khi nhu cầu trong nước tăng lên.
Cụ thể, trong giai đoạn trước Tết xảy ra dịch bệnh, nhiều hộ đã bán “chạy dịch”, thậm chí bán non. Điều này khiến nguồn cung trước Tết tăng mạnh, gây sức ép lên giá xuống khoảng 52.000 - 53.000 đồng/kg. Do đó, đến giai đoạn sau Tết, nguồn cung heo (loại đủ khối lượng xuất chuồng) suy giảm, mặc dù tổng đàn heo trên cả nước vẫn không đổi.
“Như mọi năm, phải qua rằm tháng Giêng người dân mới bắt đầu xuất bán nhiều. Nhưng năm nay, lượng heo xuất bán đã tăng đột biến từ dịp trước Tết. Bình thường, heo nuôi mất khoảng 5 tháng, đạt 100 - 120 kg mới đủ tiêu chuẩn xuất chuồng. Nhưng vì trước Tết người dân bán chạy dịch, heo chỉ khoảng 80 kg người dân đã bán. Do đó, giai đoạn sau Tết nguồn cung heo đủ tiêu chuẩn xuất bán suy giảm”, ông nói
Ngoài ra, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) việc nhập khẩu heo lậu qua biên giới ở các tỉnh phía Nam cũng đã được kiểm soát cũng góp phần khiến nguồn cung thấp hơn so với trước Tết.
Đối với nhu cầu, ông Trong cho biết sau Tết có nhiều lễ hội, do đó lượng tiêu thụ thịt heo cũng tăng lên. Hai yếu tố này kết hợp lại giúp hỗ trợ đà tăng giá heo hơi trong thời gian qua.
Trong khi giá heo hơi duy trì đà tăng thì giá thức ăn chăn nuôi lại có xu hướng giảm. Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi quý I/2024 giảm 12 - 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điển hình như ngô hạt 6.827 đồng/kg (giảm 20,3%), khô dầu đậu tương 14.162 đồng/kg (giảm 4,4%), cám mì 6.026 đồng/kg (giảm 15,1%), cám gạo 5.971 đồng/kg (giảm 11,7%); DDGS 8.054 đồng/kg (giảm 18,3%).
Cơ quan này nhận định trong thời gian tới do nguồn cung nguyên liệu ổn định và giá giảm nên giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước sẽ tiếp tục theo xu hướng giảm, tuy nhiên khó quay trở lại mức giá thời điểm trước dịch.
Đồng/kg | So với quý I/2023 | |
Ngô hạt | 6.827 | -20,3% |
Khô dầu đậu tương | 14.162 | -4,4% |
Cám mì | 6.026 | -15,1% |
Cám gạo | 5.971 | -11,7% |
DDGS | 8.054 | -18,3% |
Diễn biến giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong quý I. Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (H.Mĩ tổng hợp)
“Với mức giá hiện tại, người chăn nuôi nhỏ lẻ và các doanh nghiệp chăn nuôi khép kín đều đã có lãi. Đặc biệt, với doanh nghiệp chăn nuôi khép kín, mức giá khoảng 50.000 đồng/kg là họ đã có lãi rồi”, ông Trọng cho biết.
Đà tăng chỉ là ngắn hạn?
Nhận định về xu hướng tăng của giá heo trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Trọng cho rằng đà tăng này sẽ chỉ diễn trong ngắn hạn bởi khi lứa mới xuất chuồng, nguồn cung tăng lên trong khi nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp.
Theo ông đợt tăng này hiện tại không mang tính chất liên tục và đột biến, bước giá tăng cũng không dồn dập, chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/kg. Trong khi đó, tổng đàn heo vẫn không thay đổi nhiều và nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp. Nhu cầu heo của các doanh nghiệp chế biến cũng giảm bởi trước Tết họ đã tăng cường mua.
"Do đó, nếu không có dịch bệnh xảy ra, đà tăng này có thể chỉ kéo dài trong vòng một tháng nữa”, ông nói.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, đàn heo trong quý I đã tăng khoảng 3,3%. Nguồn cung thịt gia súc, gia cầm vẫn cơ bản được bảo đảm. Cục này dự báo giá các sản phẩm gia súc, gia cầm có khả năng giảm khi bước vào mùa nắng nóng, tiêu thụ chậm.
Tuy nhiên, trong dài hạn một số tổ chức thế giới lạc quan về nhu cầu tiêu thụ thị heo của Việt Nam.
Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới. Báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng thịt heo của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Hiện nay, sản lượng thịt sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 95% sức tiêu thụ trong nước. Vì vậy, lĩnh vực chăn nuôi là ngành có nhiều tiềm năng, đang thu hút sự đầu tư mạnh mẽ từ cả nước ngoài và trong nước.