|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ngược dòng quan điểm, VinaCapital lạc quan rủi ro này sẽ không ảnh hưởng kinh tế và nhà đầu tư Việt Nam

08:26 | 09/02/2022
Chia sẻ
Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định Trung Quốc khó có thể chứng kiến một cú sập đổ nghiêm trọng đến mức có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán châu Á.

Trước những lo ngại nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, trong báo cáo "Looking Ahead at 2022" của VinaCapital, ông Michael Kokalari, Chuyên gia Kinh tế trưởng tập đoàn nhấn mạnh không quá lo lắng về rủi ro này.

Gần đây, các chuyên gia kinh tế đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2022 do lo ngại chiến lược "Zero- COVID" của nước này sẽ dẫn đến giãn cách, phong tỏa nhiều hơn (do sự lây lan nhanh của Omicron sẽ làm tăng số ca nhiễm). Ngoài ra, lo ngại còn đến từ những vấn đề đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản, như vụ vỡ nợ gần đây của Evergrande.

Tuy nhiên, Kinh tế trưởng của VinaCapital nhận định có hai lý do để tin rằng kinh tế Trung Quốc vẫn có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc vào năm 2022.

Thứ nhất, năm 2022 sẽ là một trong những năm quan trọng nhất của Trung Quốc, khi ông Tập Cận Bình sẽ có thể bước vào nhiệm kỳ thứ ba.

Lý do khác nữa là Trung Quốc đã không kích thích kinh tế để bù đắp những tổn thất do COVID-19 gây ra, vì vậy nước này có nhiều dư địa để tiến hành các chính sách tiền tệ quyết liệt và kích thích tài khóa. Chính phủ nước này cũng đã phát đi tín hiệu rõ ràng rằng họ sẽ sử dụng cả hai biện pháp này để ổn định nền kinh tế.

Ngoài ra, vào tháng 12/2021, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã thông báo cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR). Chính phủ đang khuyến khích các ngân hàng thương mại Trung Quốc tăng tốc phê duyệt các khoản vay thế chấp và mở rộng tín dụng cho các doanh nghiệp phát triển bất động sản có tình hình tài chính tốt. 

Những điều này một lần nữa đảm bảo cho VinaCapital này tin rằng Chính phủ Trung Quốc đang từng bước, có trình tự làm yếu dần bong bóng bất động sản.

Quá trình làm yếu dần bong bóng bất động sản ở Trung Quốc có thể là một quá trình dài và làm chậm tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong vài năm sắp tới.

Theo đại diện VinaCapital, hai điểm quan trọng nhất liên quan đến Trung Quốc mà nhà đầu tư Việt Nam cần lưu ý là Trung Quốc khó có thể chứng kiến một cú sập đổ nghiêm trọng đến mức có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán châu Á.

Tuy nhiên, tăng trưởng GDP thấp hơn ở Trung Quốc sẽ không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam. Một phần bởi vì thâm hụt thương mại kéo dài của Việt Nam với Trung Quốc, đang ở mức bình quân hơn 10% GDP của Việt Nam trong 5 năm qua (và 15% trong 2021).

"Sau cùng, trong khi chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chậm hơn trong tương lai, các nhà hoạch định chính sách của nước này đã nói rõ rằng họ sẽ bảo vệ giá trị của đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc khi đất nước chuyển đổi từ mô hình kinh tế dựa vào xuất khẩu sang mô hình dựa vào tiêu dùng. 

Điều này rất quan trọng vì nó nghĩa là Việt Nam sẽ duy trì hoặc thậm chí tăng khả năng cạnh tranh xuất khẩu so với Trung Quốc trong những năm tới,tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm hơn sẽ không dẫn đến tỷ giá hối đoái USD-CNY rẻ hơn", Kinh tế trưởng VinaCapital nhấn mạnh.

Trước đó nhiều công ty chứng khoán bày tỏ lo ngại tốc độ tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2022.

VnDirect cho rằng nếu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu mạnh hơn dự tính của thị trưởng, có thể là do tình hình dịch bệnh phức tạp trở lại, tình trạng thiếu điện có thể gây ảnh hưởng lớn đến triển vọng xuất khẩu cũng như tâm lý nhà đầu tư tại Việt Nam.

Trong khi đó, Chứng khoán VDSC nêu quan điểm, dù thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc nhưng những nỗ lực này đã không mang lại kết quả như mong muốn. Thâm hụt thương mại với Trung Quốc tiếp tục tăng và sự phụ thuộc quá mức vào tư liệu sản xuất và hàng hóa trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn là những yếu tố dễ gây ra tổn thương đối với sự phục hồi kinh tế vào năm 2022.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 17% giá trị xuất khẩu của Việt Nam (đứng thứ hai sau Mỹ) và 33% giá trị nhập khẩu của Việt Nam (đứng thứ nhất) trong 10 tháng năm 2021. Ngoài ra, Trung Quốc đứng thứ tư trong số các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng năm 2021.

Anh Đào