|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Ba ngành sẽ là tiêu điểm tăng trưởng trong năm 2022 nhờ gói kích thích kinh tế

08:04 | 08/02/2022
Chia sẻ
EVS phân tích ba nhóm ngành tiêu điểm, hứa hẹn triển vọng đầu tư trong năm 2022 gồm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp và bán lẻ.

Công ty Chứng khoán Everest (EVS) vừa công bố báo cáo, đưa ra nhận định về ba ngành có triển vọng đầu tư trong năm 2022.

Đề cập đến các yếu tố vĩ mô, EVS cho rằng chính sách tài khóa sẽ là chìa khóa giúp hồi phục nền kinh tế trong năm 2022 khi dư địa mở rộng vẫn còn lớn. 

Cụ thể, hiện quy mô các gói hỗ trợ của Việt Nam mới đạt khoảng dưới 3% GDP – là mức khá thấp so với các nước trong khu vực như Thái Lan (15,6% GDP), Malaysia (8,8% GDP), Indonesia (5,4% GDP),...Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam vẫn tương đối thấp (dự báo 45-50% giai đoạn 2021-2023) so với mức cảnh báo và trần (55% và 60%). 

Do đó, việc triển khai gói tài khoá kích thích nền kinh tế, với quy mô 291.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Ba ngành sẽ là tiêu điểm tăng trưởng trong năm 2022 nhờ gói kích thích kinh tế - Ảnh 1.

Ngoài ra, các chuyên gia của EVS nhận định các Hiệp định thương mại quốc tế có hiệu lực kết hợp thúc đẩy đầu tư công sẽ là cơ sở để Việt Nam đón đầu làn sóng dịch chuyển của các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài.

Báo cáo cũng phân tích ba nhóm ngành tiêu điểm, hứa hẹn triển vọng trong năm 2022 gồm ngân hàng, bất động sản khu công nghiệp (KCN) và bán lẻ.

Ngân hàng

Khối phân tích của EVS dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục được duy trì ở mức tốt. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng đạt 12% - 14% do nhu cầu vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như nhu cầu vay mua nhà tiếp tục tăng. Nhóm ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao, chất lượng tài sản tốt sẽ tiếp tục được cấp thêm hạn mức tín dụng cao hơn trung bình ngành. 

Tuy nhiên, NIM của các ngân hàng trong ngành sẽ có sự phân hóa trong 2022 khi lãi suất huy động có xu hướng tăng nhờ tăng trưởng tín dụng duy trì và lạm phát có thể gia tăng trong 2022, trong khi đó lãi suất cho vay lại chịu áp lực giảm để hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19

Các ngân hàng có CASA cao và LDR thấp sẽ có lợi thế lớn để cải thiện NIM trong 2022. Thu nhập ngoài lãi sẽ tiếp tục triển vọng nhờ vào mảng Bancassurance còn nhiều dư địa phát triển. Tỷ lệ thâm nhập và phí bảo hiểm bình quân vẫn duy trì ở mức thấp, hứa hẹn sẽ tiếp tục đóng góp 10 – 12% vào tỷ trọng doanh thu của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, các Ngân hàng với các câu chuyện riêng lẻ như nâng vốn để đảm bảo tuân thủ Basel II, “kết duyên” với các NĐT chiến lược, thoái vốn công ty con, tái ký hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền,… được kỳ vọng sẽ thu hút dòng tiền thông minh trên thị trường. 

Ba ngành sẽ là tiêu điểm tăng trưởng trong năm 2022 nhờ gói kích thích kinh tế - Ảnh 2.

Các chuyên gia cũng lưu ý tỷ lệ nợ xấu (NPL) và nợ xấu mở rộng tăng lần lượt 0,21% và 0,56% dù đã nhận được sự hỗ trợ từ Thông tư 14 của Chính phủ - kéo giãn thời hạn cho phép tái cơ cấu nợ cũng như cung cấp các gói hỗ trợ lãi suất. 

Tuy nhiên các ngân hàng cũng đã rất thận trọng trong việc gia tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LDR) so với cuối năm 2020. 

EVS nhận định đối với các ngân hàng có tỷ trọng cho vay cá nhân cao, đây sẽ là “con dao hai lưỡi” khi vừa giúp các ngân hàng tăng trưởng được lợi nhuận nhưng cũng đi cùng rủi ro gia tăng nợ xấu. Mặt khác, các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt hơn sẽ không phải chịu nhiều áp lực về trích lập dự phòng

Bất động sản KCN

Ba ngành sẽ là tiêu điểm tăng trưởng trong năm 2022 nhờ gói kích thích kinh tế - Ảnh 3.

Báo cáo cho biết, nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong 2021 đã bị ảnh hưởng mạnh bởi COVID-19 làm gián đoạn việc đi chuyển nội địa cũng như các chuyến bay quốc tế. 

Tuy nhiên, với việc dòng tiền FDI liên tục tìm tới Việt Nam cùng với việc Chính phủ thay đổi các phòng chống dịch, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng vào các dự án trọng điểm như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, mục tiêu nhằm kết nối các thành phố trung ương với trung tâm kinh tế Hà Nội và TP HCM, sẽ thúc đẩy sự phát triển cho ngành bất động sản khu công nghiệp. 

Trong đó, các doanh nghiệp có quỹ đất để khai thác và cho thuê trong ba năm tới sẽ nổi bật trong xu hướng tăng trưởng của ngành.

Bán lẻ

Cùng với sự quyết liệt của Chính phủ thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng, EVS kỳ vọng năm 2022 sẽ là tiền đề để ngành bán lẻ phục hồi. 

Ba ngành sẽ là tiêu điểm tăng trưởng trong năm 2022 nhờ gói kích thích kinh tế - Ảnh 4.

Các động lực khác thúc đẩy cho sự tăng trưởng của ngành bán lẻ có thể kể đến như: Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến xu hướng làm việc, học tập tại nhà phát triển, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng điện thoại, máy tính bảng, laptop,…; cơ cấu dân số trẻ sẵn sàng đẩy mạnh chi tiêu tại các thành phố nhỏ và khu vực ngoại ô; sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng từ mô hình tạp hóa truyền thống sang cửa hàng hiện đại (đặc biệt là các siêu thị và cửa hàng tiện ích) và thương mại điện tử (web, app,…).

Anh Đào